Cứ mỗi lần phải cho con ăn, chị Nguyễn Thị Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) lại cảm giác như đang phải... đánh vật cùng con. Bé Trương Phương Nhi (3 tuổi, con gái chị Lan – PV) từ nhỏ đã biếng ăn, thức ăn đưa vào miệng là bé chỉ ngậm.
Để con ăn hết một bát cơm, chị Lan phải mất cả tiếng đồng hồ, thậm chí hơn. Câu hỏi mà chị Lan đặt ra là liệu có cách nào để trẻ biếng ăn có hứng thú với các món ăn mà không phải ép?
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng viện Y học ứng dụng Việt Nam, với trẻ biếng ăn, lười ăn, nguyên nhân quan trọng nhất là món ăn không mới lạ, không hấp dẫn cả về hình thức và hương vị. Như vậy, muốn kích thích trẻ hào hứng với đồ ăn thì việc các bà mẹ nên áp dụng là thường xuyên đổi mới hình thức và hương vị của món ăn.
(Ảnh minh họa) |
Dẫn chứng về việc thường xuyên thay đổi đó, TS.Trương Hồng Sơn chỉ ra, có thể cùng là món trứng chiên nhưng mẹ có thể cho thêm một chút hành, một chút sốt mayone hoặc rong biển thì hương vị cũng đã khác. Hoặc nếu trẻ không thích ăn cơm truyền thống, các bà mẹ có thể làm món ăn kiểu tây cho trẻ như mỳ Ý (spaghetti) hay những loại súp thịt bò khác lạ khiến bé cảm nhận được tính mới trong mỗi món ăn.
Bên cạnh đó, hình thức của món ăn cũng không kém phần quan trọng. Nếu mẹ chịu khó bày biện đẹp mắt nhiều màu sắc hoặc áp dụng kiểu làm cơm hộp bento Nhật Bản thì bé sẽ hào hứng ăn và khám phá những điều thú vị ở mỗi món. Như vậy đối với bé, bữa ăn hàng ngày không còn bị ép buộc nữa mà sẽ giống như chơi đùa cùng với những thức ăn đầy màu sắc và hình dạng ngộ nghĩnh.
Ngày nay, không ít các ông bố, bà mẹ áp dụng phương pháp nuôi con kiểu mới dựa trên quan điểm tôn trọng sở thích của con và để trẻ phát triển theo kiểu tự nhiên.
Mỗi một phương pháp nuôi con, kiểu truyền thống, kiểu Nhật hay phuơng pháp ăn dặm có chỉ huy, theo TS. Trương Hồng Sơn, đều có những ưu và nhược điểm riêng. Do vậy, các bà mẹ cần tìm hiểu kỹ mỗi phương pháp để áp dụng cho con mình. Đặc biệt nếu cần, các mẹ có thể tham khảo thông tin thêm từ các bác sĩ dinh dưỡng để có thể đưa ra những quyết định phù hợp.
Với những phương pháp mới này, nhiều bà mẹ tin rằng các bé sẽ tập phản xạ tự nhai ngay trong giai đoạn đầu nên hiếm có đứa trẻ nào có thói quen ngậm thức ăn.
TS. Sơn nêu ví dụ trường hợp gia đình chị Phạm Lan Hương (Đống Đa, Hà Nội). Mặc dù con gái chị Hương mới hơn một tuổi nhưng đã nhai rất tốt và mỗi khi đi chơi không phải lỉnh kỉnh thức ăn, đồ chế biến như nhiều bé cùng tuổi.
Nhiều người lo ngại về việc cho các bé ăn cháo sớm sẽ đau dạ dày nhưng không ít người vẫn tin tưởng phương pháp này bởi thực tế:
“Người Nhật sống thọ nhất thế giới. Điểm khác biệt của ăn dặm kiểu Nhật là thời gian bắt đầu cho trẻ ăn thô sớm hơn so với phương pháp ăn dặm truyền thống. Thực hiện được theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật rất tốt. Tuy nhiên, cần chú ý đến sự hợp tác và nhu cầu của trẻ. Nếu trẻ không thích ăn thô, không thể cứ ép con theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, bởi trẻ có thể bị bỏ đói dài dẫn tới suy dinh dưỡng.
Trong trường hợp này, các mẹ có thể xen kẽ 2 phương pháp trên. Bên cạnh đó, các mẹ còn nên lưu ý về số lượng thức ăn khi đưa ra cho bé và cách lựa chọn thực phẩm phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé”, TS.BS Trương Hồng Sơn phân tích.
Nguyễn Huệ
Post a Comment