Đối mặt với “biển” kiến thức, các học trò chọn cách đi học thêm, thức khuya, dậy sớm để cày bài, đối phó với áp lực thi cử, thầy cô và cả phụ huynh. Tâm lý ganh đua điểm số, áp lực học tập nặng nề khiến các em rơi vào trạng thái stress.
Theo thông tin từ viện Sức khỏe tâm thần (bệnh viện Bạch Mai), trong một nghiên cứu xã hội học cho thấy có đến 15% học trò có các biểu hiện rối loạn về cảm xúc cần được tư vấn và điều trị. Mới đây, một nghiên cứu của các nhà tâm thần trên 5 trường học lớn tại Hà Nội cho thấy tỉ lệ trẻ có nguy cơ rối loạn cảm xúc là 5%, trong đó có 2% học sinh cần điều trị tại các cơ sở y tế. Đó là những con số đáng báo động về tình trạng rối loạn cảm xúc và loạn thần do áp lực thi cử tuổi thanh thiếu niên.
Và có không ít bạn học trò từ “con ngoan, trò giỏi” trở thành “học sinh hư” cũng chỉ từ những áp lực mang tên... mùa thi ấy.
Đó là trường hợp của bạn Trương Quang Đ. (16 tuổi, ở Trần Phú, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). Đ. sinh ra trong một gia đình có truyền thống về học tập, được sự giáo dục của bố mẹ và người thân. Nhiều năm liền Đ. là học sinh giỏi và có thành tích học tập dẫn đầu lớp.
Gia đình tin vào sự quyết tâm của Đ. nên tạo mọi điều kiện cho sở thích của con. Bởi lẽ với họ, hạnh phúc là khi nhìn thấy những tấm bằng khen, bảng thành tích học tập tốt hay lời khen ngợi có cánh dành cho con mình.
Nhìn con miệt mài học tập, bố mẹ luôn lấy con làm tấm gương sáng cho mọi người trong gia đình. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, gia đình thấy Đ. bỗng trở nên xa lánh mọi người, không muốn giao tiếp với ai xung quanh và có tâm lý khép nép khi ai đó nói chuyện về mình cũng như việc học tập của Đ.
Đ. lơ là việc học tập, sợ đi học, mỗi lần mở sách ra Đ. thấy như bị áp lực đè lên người nên hay bị đau đầu, bố mẹ động viên thì Đ. bực tức khóc lóc. Kết quả học tập những năm gần đây của Đ. giảm sút trông thấy.
TS. Nguyễn Văn Dũng đang chăm sóc, thăm hỏi bệnh nhân điều trị tại viện Sức khỏe tâm thần. |
Gia đình thấy Đ. có nhiều sự thay đổi rõ rệt như ăn kém, cơ thể gầy đi, giấc ngủ hay có ác mộng, thường giật mình vào ban đêm, lúc tỉnh dậy Đ. bàng hoàng như qua cơn ác mộng. Cảm xúc của Đ. cũng thay đổi, hay cáu giận vô cớ. Ban đầu, gia đình cho đó là sự thay đổi của tuổi học trò nhưng đến khi thấy Đ. không muốn đến trường nữa thì bố mẹ mới tá hỏa đưa con đến viện Sức khỏe tâm thần để khám.
Tại đây, Đ. được các bác sĩ chẩn đoán: Rối loạn cảm xúc của trẻ em cần phải điều trị.
Theo TS.BSCKII Nguyễn Văn Dũng - Phó Viện trưởng viện Sức khỏe tâm thần, ở trẻ em (dưới 22 tuổi) sự phát triển về cơ thể cũng như tinh thần chưa được hoàn thiện đầy đủ. Các em rất dễ bị tác động về mặt tinh thần nên cảm xúc và hành vi cũng thay đổi bởi các tác nhân gây nên.
Đ. là con một trong gia đình trí thức nên từ nhỏ em đã được bố mẹ đặt rất nhiều kỳ vọng và luôn cho rằng đó là động lực cho con mình cố gắng. Bố mẹ thường mong mỏi con mình phải học thật giỏi, đứng thứ hạng cao trong lớp nhưng họ đâu biết rằng những mong mỏi quá cao đó đồng nghĩa với việc đã tạo cho các em một áp lực lớn. Không chỉ học ở trường, em còn phải học thêm nhiều kiến thức nâng cao khác ở ngoài. Rồi khi về nhà là hàng tá bài tập chờ giải quyết nên Đ. hầu như không có thời gian vui chơi, nghỉ ngơi.
Bên cạnh những trường hợp các em bị áp lực bởi bố mẹ, thầy cô, xã hội… tại viện Sức khỏe tâm thần, bác sĩ cho biết cũng gặp một số trường hợp bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc do chính bản thân các em tạo áp lực cho mình.
Các em luôn trong trạng thái học tập căng thẳng, tâm trạng lo sợ thi rớt, sợ thua kém bạn bè. Nhiều em không biết cách sắp xếp, phân bổ thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý, còn dành nhiều thời gian chơi game, vào mạng Internet. Không ít trường hợp đến gần ngày thi mới học dồn, học ngày, học đêm nên không đủ thời gian nghỉ ngơi. Thậm chí, có em chỉ ngủ 2 - 3 tiếng/ngày dẫn đến quá trình học tập bị giảm sút. Để đối phó với việc thức đêm, các em lại lạm dụng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá mà không chú ý đến việc bổ sung dinh dưỡng và năng lượng phù hợp.
Em Lê Ngọc Q. (20 tuổi, Thanh Hóa) là một bệnh nhân như thế đang được điều trị tại viện Sức khỏe tâm thần. Trò chuyện với chúng tôi, em cho biết sau khi học xong phổ thông, em có nguyện vọng đi du học. Do mong muốn quá mãnh liệt mà bản thân không đáp ứng được nên em đã bị rối loạn lo âu: Sợ hãi việc học, lúc nào cũng lo lắng, bồn chồn, rối loạn giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ, ngủ không ngon giấc, cảm giác mệt mỏi “kiệt sức”, khó tập trung, đầu óc như trống rỗng, tính tình thay đổi, căng cơ, đi học thì xin cô về…
Nguyễn Thị M. (Can Lộc, Hà Tĩnh) là sinh viên năm thứ hai một trường đại học ở Hà Nội. M. vốn xuất thân từ gia đình thuần nông, nhà đông anh chị em, hoàn cảnh gia đình khó khăn lại có mình M. đỗ đại học nên bố mẹ kỳ vọng rất lớn vào cô con gái này.
Bố mẹ M. cố gắng làm việc, tiết kiệm tiền để lo cho con bằng chúng bạn và tập trung hết mức vào việc học. Sự kỳ vọng quá lớn từ phía người thân trong gia đình khiến em lao vào học tập như một con “thiêu thân”. Rồi những đêm mất ngủ triền miên liên tục xuất hiện khiến cô sinh viên năm thứ hai ấy mệt mỏi, kiệt sức.
Nhưng theo TS. Nguyễn Văn Dũng, điều đáng nói là gia đình không đưa em đi điều trị mà chỉ khi M. rơi vào trạng thái rối loạn tâm thần hoàn toàn (rối loạn tư duy nhiều hơn, các cảm xúc, hành vi cũng rối loạn theo), gia đình mới đưa em đến bệnh viện.
Hay như trường hợp của Trần Văn D. (Hoàng Mai, Hà Nội) hiện cũng đang là sinh viên một trường đại học ở Hà Nội. D. luôn tự cho là mình học giỏi, có nhiều khả năng vượt trội, phát minh ra nhiều ứng dụng. Chính những suy nghĩ đó khiến D. học ngày học đêm, nghiên cứu rồi phát minh. Mà sai lầm lớn nhất của gia đình D. cũng nghĩ con mình giỏi thực sự.
“Các gia đình hiện nay vẫn giữ suy nghĩ sai lầm, họ không tin con mình đang khỏe mạnh bình thường lại bị rối loạn tâm thần. Chính vì thế, khi bản thân họ bị đau đầu, mất ngủ triền miên, họ sẽ tự điều trị hoặc tới những chuyên khoa khác không phải chuyên khoa tâm thần để được hỗ trợ về bệnh lý này. Khi các bác sĩ chuyên khoa đó không hiểu nhiều về chứng rối loạn tâm thần sẽ cho uống thuốc không phù hợp càng khiến bệnh nặng hơn.
Ví dụ, bệnh nhân đau đầu, bác sĩ cho uống thuốc tuần hoàn não làm thức tỉnh não bộ trong khi họ cần được nghỉ ngơi”, TS. Nguyễn Văn Dũng chia sẻ.
Nguyễn Huệ
Post a Comment