Những ngày gần đây, thời tiết ở nhiều tỉnh khu vực phía Bắc tăng cao. Tại Hà Nội, có thời điểm nhiệt độ ngoài trời đo được 48oC.
Nhiệt độ tăng cao khiến trẻ em dễ bị mắc một số bệnh, đây cũng là thời điểm các bậc phụ huynh cần chú ý hơn tới sức khỏe con mình.
Theo thông tin từ bệnh viện Nhi trung ương, do mới bắt đầu những ngày nắng nóng nên số lượng bệnh nhân tới khám tại bệnh viện vẫn chưa tăng. Ba ngày gần đây, số bệnh nhi tới khám khoảng 3.200 - 3.300 lượt, nằm rải rác ở các khoa.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, thời tiết nắng nóng sẽ còn kéo dài, trẻ dễ mắc một số bệnh liên quan tới truyền nhiễm, ngộ độc thức ăn, hô hấp… Trẻ có thể bị sốt, ho, tiêu chảy, say nắng, viêm não… Vì vậy các bậc phụ huynh cần tăng cường các biện pháp chăm sóc giúp con “nói không” với những vấn đề trên. Đó là những thông tin được chia sẻ bởi TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm (bệnh viện Nhi Trung ương).
Ảnh minh họa |
Thông tin từ bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi) cho biết, những ngày nắng nóng này, số bệnh nhân đến khám tại khoa hiện vẫn chưa tăng.
Tuy nhiên, để trẻ tránh mắc phải một số bệnh do thời tiết nắng nóng gây ra như các bệnh về đường tiêu hóa, viêm não, sốt virus, sốt cao gây co giật hoặc một số bệnh ngoài da (mụn nhọt, viêm da) thì cha mẹ cần chú ý vấn đề ăn uống của trẻ. Nếu không cẩn thận trẻ có thể rối loạn tiêu hóa, đi ngoài. Đặc biệt, khi đưa trẻ đi du lịch, ăn uống hàng quán cần phải lưu ý tới vấn đề an toàn thực phẩm để tránh mắc tiêu chảy cấp.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo dù nắng nóng nhưng không nên để điều hòa quá thấp. Nhiệt độ trong phòng và ngoài trời quá chênh lệch có thể khiến trẻ không thích nghi kịp sẽ bị sốc nhiệt khi đi ra ngoài. Lạm dụng dùng điều hòa ở nhiệt độ thấp có thể khiến trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp.
Thời tiết nắng nóng cũng làm cho trẻ mất nước khiến siêu vi khuẩn dễ tấn công, trẻ dễ bị mắc bệnh viêm đường hô hấp, siêu vi quai bị, thủy đậu, bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết… Nên hạn chế cho trẻ tới nơi đông người để hạn chế nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm.
Thạc sĩ Vũ Thị Thúy Lan (nguyên Trưởng khoa Hô hấp Nhi, bệnh viện Xanh Pôn) cho hay, trẻ bị bệnh vào mùa nóng đa số là do mất nước hay nhiễm siêu vi. Siêu vi là những loại virus gây bệnh như siêu vi hợp bào gây bệnh viêm đường hô hấp, siêu vi quai bị, thủy đậu, siêu vi gây bệnh cảnh tiêu chảy hoặc ói cấp tính, ngoài ra có nhiều loại siêu vi gây bệnh thành dịch như cúm, bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, dịch đau mắt đỏ, dịch tiêu chảy…
Người mắc bệnh có thể bị lây do tiếp xúc với dịch tiết, dịch bắn ra từ hắt hơi, ho sổ mũi, nhanh chóng lan truyền nếu ở chỗ đông người như chợ, trường học và dễ lây lan xa, qua phương tiện tàu hỏa, máy bay…
Có nhiều loại siêu vi gây bệnh ở đường hô hấp và đường tiêu hóa, khi xâm nhập vào cơ thể trẻ có thể biến chứng thành một số bệnh khác nhau (viêm hầu, họng, thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm trùng tiêu hóa...).
Trời càng nóng, nhu cầu du lịch (tới những chốn đông người) càng cao, đẩy cao nguy cơ lây lan, nhiễm bệnh ở trẻ.
“Vào mùa hè, việc tụ tập nhiều ở những chỗ đông người như các khu du lịch, bể bơi tạo điều kiện lớn cho virus lây lan. Trẻ có sức đề kháng yếu, nếu bố mẹ đưa đến những khu vực này, khả năng mắc bệnh rất cao”, bác sĩ Lan khuyến cáo.
Nguyễn Huệ
Post a Comment