Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, dự báo từ 3-5/6, do tác động của vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng gió phơn hoạt động mạnh nên nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục xảy ra ở Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Phú Yên với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến từ 37-40oC, có nơi trên 41oC. Thời gian có nhiệt độ trên 35oC từ 10-17 giờ.

Khu vực Hà Nội: Từ 3-5/6, trời nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất trong ngày từ 39-41oC; thời gian có nhiệt độ trên 35oC từ 10-18 giờ; nhiệt độ thấp nhất trong ngày từ 29-32oC. Từ ngày 6/6, nắng nóng sẽ dịu dần.

Nắng nóng gay gắt làm tăng nguy cơ sốc nhiệt (Ảnh minh họa).

Trước thời tiết nắng nóng gay gắt, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, người già và trẻ nhỏ là hai đối tượng dễ bị sốc nhiệt.

Sốc nhiệt xảy ra khi cơ thể quá nóng, thường do tiếp xúc kéo dài hoặc gắng sức ở nhiệt độ cao. Đây là hình thái tổn thương do nhiệt nghiêm trọng nhất. Sốc nhiệt có thể xảy ra nếu nhiệt độ cơ thể của bạn tăng lên đến 400C (1040F) hoặc cao hơn.

Sốc nhiệt cần được điều trị cấp cứu. Nếu không được xử lý kịp thời có thể nhanh chóng gây tổn thương não, tim, thận và cơ. Khi điều trị muộn có thể làm tăng nguy cơ các biến chứng nghiêm trọng và tử vong.

Mặt khác, thể nhẹ hơn được gọi là kiệt sức vì nhiệt, lả nhiệt, là một tình trạng mà triệu chứng có thể bao gồm ra mồ hôi nhiều và mạch nhanh do cơ thể quá nóng. Lả nhiệt là một trong ba hội chứng liên quan tới nhiệt, trong đó chuột rút do nhiệt là hội chứng nhẹ nhất và sốc nhiệt là hội chứng nặng nhất. Vì vậy, người dân cần đặc biệt lưu ý giữ sức khỏe, đối phó với nắng nóng một cách khoa học.

Cách giữ sức khỏe, đối phó với nắng nóng

TS.BS Lương Quốc Chính (khoa Cấp cứu A9, bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, dự phòng say nắng (sốc nhiệt) là rất cần thiết khi bạn phải đi ra ngoài nắng.

Sốc nhiệt có thể tiên đoán và dự phòng được. Thực hiện theo các bước sau để dự phòng sốc nhiệt trong thời tiết nóng nực:

- Mặc đồ rộng rãi, quần áo nhẹ: Mặc quá nhiều quần áo hoặc quần áo quá chật sẽ khiến bạn nóng bức.

- Bảo vệ cơ thể không bị cháy nắng: Cháy nắng ảnh hưởng tới khả năng tự làm mát, do vậy phải tự bảo vệ mình khi đi ra ngoài bằng cách đội mũ rộng vành, đeo kính râm và sử dụng kem chống nắng phổ rộng với yếu tố bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời (SPF) tối thiểu là 15. Thoa nhiều kem chống nắng và thoa lại kem chống nắng mỗi hai giờ hoặc thoa thường xuyên hơn nếu bạn đang bơi hoặc đổ mồ hôi.

- Uống nhiều nước: Bù đủ nước sẽ giúp bạn đổ mồ hôi và duy trì nhiệt độ cơ thể bình thường.

- Đặc biệt cẩn thận với một số thuốc: Chú ý các vấn đề liên quan tới nhiệt nếu bạn sử dụng thuốc mà có thể ảnh hưởng tới khả năng giữ nước và tản nhiệt của cơ thể.

- Không bao giờ để bất cứ ai ở lại trong xe ô tô đang đỗ: Đây là nguyên nhân phổ biến gây tử vong liên quan tới nhiệt ở trẻ em. Khi đỗ xe dưới ánh nắng mặt trời, nhiệt độ trong xe ô tô có thể tăng thêm 6,7oC (20oF) trong vòng 10 phút. Rất nguy hiểm nếu để ai đó trong xe ô tô đang đỗ dưới thời tiết ấm hoặc nóng, ngay cả khi cửa kính xe bị rạn nứt (hé mở) hoặc xe được đỗ trong bóng râm. Khi bạn đỗ xe, hãy khóa cửa để tránh không cho trẻ em nghịch ngợm mở cửa vào xe.

- Hãy nghỉ ngơi trong khoảng thời gian nóng nhất trong ngày: Nếu bạn không thể tránh được các hoạt động gắng sức dưới thời tiết nóng, hãy uống nhiều nước và thường xuyên nghỉ ngơi ở nơi mát mẻ. Cố gắng lên lịch tập luyện hoặc lao động thể lực trong khoảng thời gian mát mẻ hơn trong ngày, ví dụ vào sáng sớm hoặc chiều tối.

- Thích nghi: Hạn chế thời gian làm việc hoặc luyện tập trong điều kiện nóng cho tới khi bạn thích nghi với nó. Những người không thường xuyên tiếp xúc với thời tiết nóng rất dễ mắc bệnh liên quan tới nhiệt. Có thể mất khoảng vài tuần để cơ thể bạn điều chỉnh với thời tiết nóng.

- Hãy cẩn thận nếu bạn có các yếu tố nguy cơ: Nếu bạn uống thuốc hoặc có những tình trạng làm tăng nguy cơ các vấn đề liên quan tới nhiệt, hãy tránh cái nóng và hành động nhanh chóng nếu bạn nhận thấy các triệu chứng của hiện tượng quá nóng. Nếu bạn tham gia các sự kiện hoặc các hoạt động thể thao gắng sức dưới thời tiết nóng, hãy chắc chắn rằng phải có dịch vụ cấp cứu y tế bên cạnh phòng trường hợp cấp cứu vì nhiệt.

Trường hợp gặp một người bị sốc nhiệt cần:

- Đưa người bệnh vào nơi râm mát hoặc nơi có điều hoà nhiệt độ.

- Gọi cấp cứu.

- Làm mát cơ thể bằng cách phủ khăn mát hay vẩy nước mát lên người họ.

- Bật quạt thổi trực tiếp vào người bệnh.

- Cho họ uống nước mát hoặc các loại đồ uống không có cồn và cafein khác nếu họ có thể uống được.

N.Giang

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top