Nắng nóng thất thường cộng với ô nhiễm không khí... là môi trường thuận lợi cho bệnh về đường hô hấp phát triển. Một số bệnh do nhiễm khuẩn như viêm xoang, viêm họng, viêm amidan hay viêm phế quản, viêm phổi... rất cần đến sự trợ giúp của azithromycin tôi. Không chỉ trị các bệnh về đường hô hấp, tôi còn rất có ích đối với các nhiễm khuẩn da và mô mềm hay nhiễm khuẩn sinh dục nữa...
Ở dạng viên nang thường dùng cho trẻ lớn (có thể nuốt được) và người lớn. Đối với trẻ nhỏ thường dùng dạng bột pha hỗn dịch. Khi dùng cần cho nước vào đúng đến vạch của lọ thuốc, lắc đều cho đến khi thành hỗn dịch đồng nhất. Azithromycin tôi thường được dùng 1 lần/ngày. Liều lượng và thời gian dùng do bác sĩ chỉ định cụ thể phù hợp với từng đối tượng. Đây là thuốc phải được bác sĩ kê đơn và chỉ nên dùng cho người bệnh dị ứng với nhóm kháng sinh penicilin (đề phòng nguy cơ kháng thuốc). Khi được bác sĩ kê đơn azithromycin tôi, người bệnh cần lưu ý:
Do thức ăn làm ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc, nên azithromycin tôi chỉ được uống 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau khi ăn.
Mặc dù được dung nạp tốt song người dùng vẫn phải đề phòng một số bất lợi có thể xảy ra khi dùng azithromycin tôi như rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng buồn nôn, đau bụng, co cứng cơ bụng, nôn, đầy hơi, tiêu chảy... Rất may là các tác dụng phụ này thường nhẹ, hầu hết không cần ngừng thuốc. Khi phải sử dụng lâu dài ở liều cao cần đề phòng tới nguy cơ làm giảm sức nghe (có hồi phục) ở một số người bệnh, dị ứng như phù mạch và phản ứng phản vệ rất nguy hiểm. Nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu của một phản ứng dị ứng nặng với azithromycin tôi như: Phát ban, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc họng... cần ngừng thuốc ngay và tìm tới sự trợ giúp kịp thời của y tế.
Trường hợp người bệnh đã bị dị ứng với azithromycin tôi trước đó hoặc bất kỳ kháng sinh nào trong nhóm macrolid chúng tôi thì nhất định không được dùng, bằng cách báo cho bác sĩ biết để bác sĩ tránh kê đơn dùng azithromycin tôi.
Theo SKĐS
Post a Comment