Bác sĩ Lương Quốc Chính (khoa Cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo vể các triệu chứng, cách xử trí khi bị sốc nhiệt và khi nào nên đi khám bác sĩ.
Sốc nhiệt có thể xuất hiện do:
- Tiếp xúc với môi trường nóng: Một loại sốc nhiệt, vẫn được gọi là sốc nhiệt không gắng sức hoặc sốc nhiệt cổ điển, là do nạn nhân ở trong môi trường nóng khiến cho nhiệt độ cơ thể tăng. Loại sốc nhiệt này thường xảy ra sau khi tiếp xúc với thời tiết nóng và ẩm, đặc biệt trong thời gian dài, ví dụ hai hoặc ba ngày. Thường gặp nhất ở người cao tuổi và ở những người có bệnh lý mạn tính.
- Hoạt động gắng sức: Sốc nhiệt do gắng sức gây ra bởi tăng nhiệt độ cơ thể do hoạt động thể lực với cường độ cao trong thời tiết nóng. Bất cứ ai luyện tập hoặc làm việc trong thời tiết nóng đều có thể bị sốc nhiệt do gắng sức, nhưng thường gặp nhất là ở những người không thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ cao.
Sốc nhiệt nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ vô cùng nguy hiểm (Ảnh minh họa). |
Đối với cả hai loại sốc nhiệt, chúng có thể xuất hiện do:
- Mặc quá nhiều quần áo khiến cho mồ hôi khó bay hơi để làm mát cơ thể.
- Uống bia rượu có thể ảnh hưởng tới khả năng điều hòa thân nhiệt.
- Mất nước do uống không đủ nước để bổ sung dịch cơ thể mất qua mồ hôi.
Triệu chứng của sốc nhiệt:
- Nhiệt độ cơ thể tăng cao: Nhiệt độ cơ thể lớn hơn hoặc bằng 40oC (104oF) là dấu hiệu chính của sốc nhiệt
- Thay đổi trạng thái tâm thần hoặc hành vi: Các tình trạng như lú lẫn, lo lắng, nói lắp, cáu kỉnh, mê sảng, co giật và hôn mê có thể là hậu quả của sốc nhiệt.
- Thay đổi bài tiết mồ hôi: Trong trường hợp sốc nhiệt do thời tiết nóng, bạn sẽ cảm thấy da nóng và khô khi chạm vào. Tuy nhiên, trong trường hợp sốc nhiệt do gắng sức, bạn sẽ cảm thấy da ẩm ướt.
- Buồn nôn và nôn: Bạn có thể cảm thấy khó chịu ở bụng hoặc nôn.
- Da đỏ ửng: Da có thể chuyển thành màu đỏ khi nhiệt độ cơ thể tăng lên.
- Thở nhanh: Có thể thở nhanh và nông.
- Tăng nhịp tim: Mạch có thể tăng đáng kể bởi vì ứng xuất nhiệt đặt một gánh nặng rất lớn lên tim nhằm giúp làm mát cơ thể.
- Đau đầu: Đầu có thể đau nhức nhói.
Khi nào cần phải đi khám bác sĩ?
Nếu bạn nghĩ rằng nạn nhân có thể bị sốc nhiệt, cần tìm kiếm sự giúp đỡ của y tế ngay lập tức. Gọi dịch vụ cấp cứu 115 hoặc số điện thoại của dịch vụ cấp cứu tại địa phương. Tiến hành làm mát ngay lập tức nạn nhân bị quá nóng trong khi đợi điều trị cấp cứu.
- Đưa nạn nhân vào bóng râm hoặc vào trong nhà.
- Cởi bỏ bớt quần áo cho nạn nhân.
- Làm mát cho nạn nhân bằng bất cứ phương tiện nào có sẵn: Đặt nạn nhân vào bồn nước mát hoặc để nạn nhân dưới vòi tắm hoa sen nước mát; xịt nước mát lên người nạn nhân bằng vòi tưới cây; lau người nạn nhân bằng nước mát; quạt phun sương bằng nước mát cho nạn nhân; đặt túi chườm nước đá hoặc khăn tắm ướt lạnh lên đầu, cổ, nách và bẹn của nạn nhân.
N.Giang
Post a Comment