Được biết, kết quả xét nghiệm máu của một MC truyền hình phát hiện lượng chì gấp 3 lần ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, nữ MC cho biết, cô không dùng thuốc nam hay tiếp xúc thường xuyên với các nguồn nhiễm chì, ngoại trừ việc hàng ngày sử dụng son môi đậm màu đỏ, đỏ cam.

TS. Phạm Duệ (nguyên Giám đốc trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết, MC này có triệu chứng mất ngủ, táo bón, hay quên... nghi ngờ bị nhiễm độc chì. Bác sĩ kiểm tra răng phát hiện viền lợi của cô đã chuyển màu đen xám, lấp lánh ánh kim loại. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy lượng chì lên tới 32mcg/dL, gấp hơn 3 lần ngưỡng cho phép.

Trước kết quả này, TS. Phạm Duệ cho rằng nhiều khả năng cô bị nhiễm chì do son môi. Đây là trường hợp ngộ độc chì nghi ngờ vì dùng son môi đầu tiên mà vị tiến sĩ này gặp tại Việt Nam.

Theo TS, nữ MC được điều trị thải độc chì trong một thời gian dài và chia nhiều đợt. Nếu bệnh nhân bị ngộ độc mạn tính, chì sẽ lắng đọng ở nhiều bộ phận cơ thể, trong đó có xương.

Phụ nữ càng dùng son môi đậm màu, có độ bám dính càng dễ bị nhiễm độc chì (Ảnh minh họa).

Liên quan đến việc dùng son môi, phấn trang điểm hàng ngày, bác sĩ Văn Thế Trung (bệnh viện Da liễu TP.HCM) cho biết, qua thực tế khám chữa bệnh, bác sĩ đã gặp nhiều bệnh nhân sau khi dùng các loại son và phấn trang điểm không đảm bảo chất lượng. Điều đáng nói, khi tới bệnh viện khám, họ chủ yếu đều bị hội chứng Corticoid, tất cả đều bị tác dụng phụ với những chất độc hại trong mỹ phẩm làm giãn mạch, dị ứng da.

Theo bác sĩ, không phải tất cả son môi đều chứa chì, tuy nhiên nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, kim loại độc hại này có mặt trong son môi nhiều hơn mức mọi người thường nghĩ. Chì được nhà sản xuất cho vào thành phần son môi có tác dụng làm tăng độ bám dính. “Son càng nhiều chì thì càng có độ bám dính lâu. Chị em phụ nữ nên tránh dùng son môi màu đậm, khi đánh son thì không nên liếm môi và trước khi ăn cần lau sạch”, TS. Duệ khuyến cáo.

Cảnh báo về mức nguy hại của việc dùng son môi, BS. Trung cho rằng son môi rẻ tiền chứa rất nhiều phẩm màu và chì khiến người dùng đối diện với nguy cơ hỏng da. Điều nguy hại là chì có thể gây kích ứng da. Nếu dùng lâu dài, người dùng có thể gặp nhiều bệnh lý nghiêm trọng, thậm chí là vô sinh hoặc ung thư da. Nếu dùng phấn không đảm bảo chất lượng có thể khiến da bị sạm nhiều hơn, lỗ chân lông to hơn, mọc nhiều lông trên mặt, nám, tàn nhang, nổi mẩn ngứa...

Theo các bác sĩ da liễu, tùy thuộc sức khỏe, cơ địa của mỗi người mà tác dụng phụ của son phấn phát tác sớm hay muộn. Có người phát tác ngay sau khi dùng mỹ phẩm, có người sau 1-2 tháng hoặc 1-2 năm. Biểu hiện của tác dụng phụ là mặt mọc nhiều lông, nổi nhiều mụn trứng cá nhưng không có nhân và gây ngứa. Nếu bị ngộ độc chì, người lớn thường chán ăn, mất ngủ, đau đầu, thiếu máu, suy giảm sức khỏe, suy giảm trí nhớ và giảm năng suất lao động, tổn thương dây thần kinh...

Trẻ bị nhiễm độc chì thường có biểu hiện bất thường về tinh thần, thể lực và trí tuệ. Nếu nhiễm độc ở mức độ nhẹ thì trẻ khó tính, dễ cáu bẳn, hay quấy khóc hoặc bướng bỉnh, nghịch ngợm, không chịu nghe lời. Ở mức độ nặng hơn, nạn nhân có thể bị liệt cơ, mềm nhũn chân tay, thiếu máu, co giật và hôn mê.

N.Giang

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top