Theo ghi nhận tại bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện Xanh-Pôn, khoa Nhi (bệnh viện Bạch Mai)… số bệnh nhi hiện đang tăng đột biến do thời tiết nắng nóng. Các bệnh nhi khám và nhập viện với bệnh lý chủ yếu như: Viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản, tiêu chảy, sốt virus...

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi (bệnh viện Bạch Mai) cho hay, với diễn biến thời tiết bất thường như hiện nay, các gia đình có trẻ nhỏ phải thường xuyên theo dõi dấu hiệu của trẻ như: Sốt, ho nhiều, tiêu chảy liên tục và phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế khám chữa bệnh. Không nên mua thuốc và cho trẻ tự uống tại nhà, tránh trường hợp biến chứng hoặc diễn tiến nặng sẽ gặp khó khăn trong công tác điều trị.

Thời tiết nắng nóng là nguyên nhân khiến trẻ dễ nhiễm một số bệnh liên quan đến hô hấp. (Ảnh minh họa)

Những ngày nắng nóng đầu mùa, trẻ thường gặp các bệnh về đường hô hấp, bệnh đường tiêu hóa, rôm sảy, sốt siêu vi, sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Các bác sĩ lưu ý, nhiệt độ cao là một trong những điều kiện khiến các loại vi khuẩn gây bệnh tiêu hóa, tiêu chảy cấp, siêu vi hô hấp… phát triển mạnh. Mặt khác, thời tiết nóng nực cũng làm cơ thể dễ mệt mỏi, sức đề kháng giảm là nguyên nhân khiến trẻ dễ nhiễm bệnh.

Để phòng bệnh mùa nóng cho trẻ, các bậc cha mẹ cần lưu ý một số điều sau:

- Phải cho trẻ uống đủ nước vì mùa nóng, mồ hôi tiết nhiều khiến cơ thể mất nước.

- Khi ra ngoài trời nắng cần đội mũ rộng vành, không cho trẻ ngồi lâu một tư thế khi có tia nắng mặt trời chiếu thẳng vào gáy.

- Tắm gội sạch sẽ hàng ngày, thay quần áo cho trẻ mỗi khi bị ướt hay ra nhiều mồ hôi để tránh bị cảm lạnh, nhiễm nấm.

- Để phòng bệnh tiêu hóa, trẻ cần được ăn chín, uống nước đun sôi để nguội. Thức ăn phải được chế biến đúng, kiểm tra thường xuyên vì thời tiết nóng thức ăn rất dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn.

- Giữ cho cơ thể trẻ thoáng mát bằng cách mặc quần áo bằng chất liệu mát, phòng ngủ cần thông thoáng, mát mẻ.

- Nên thường xuyên rửa đồ chơi cho trẻ, không để trẻ ngậm tay hay đồ chơi vào miệng, đặc biệt với trẻ đã bị tay chân miệng. Sau đó phải khử trùng đồ chơi, lau khử trùng nhà cửa.

- Cần phải nằm màn khi đi ngủ, kể cả ngủ ban ngày (muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường hút máu ban ngày).

- Cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm các loại vaccine để chủ động phòng bệnh. Đây là biện pháp hiệu quả để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm.

- Khi bị bệnh, phụ huynh nên cho trẻ đi khám sớm, tránh để bệnh diễn tiến nặng.

Theo dự báo, những ngày tới thời tiết sẽ còn diễn biến bất thường, bởi vậy việc tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ rất quan trọng. Cha mẹ cần bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết và cho cho trẻ uống nước giàu vitamin C, cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể để tăng sức đề kháng cho trẻ.

N.Giang

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top