Hiện nay, nhiều thai phụ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ khiến tâm lý của họ bị ảnh hưởng trong quá trình mang bệnh. Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này, đồng thời giúp thai phụ phòng tránh, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé trong quá trình mang thai cũng như sau sinh, PV báo Người Đưa Tin đã có buổi trò chuyện cùng BS. Dương Trường Giang, hiện là giảng viên tại trường cao đẳng Y Dược Pasteur Hà Nội.
Theo BS. Giang, bệnh tiểu đường thai kỳ là một loại bệnh tiểu đường mà chỉ xảy ra trong thai kỳ. Cũng giống như các hình thức khác của bệnh tiểu đường, bệnh tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng đường (glucose), nguồn nhiên liệu chính của cơ thể. Bệnh tiểu đường thai kỳ có thể gây ra mức đường huyết cao mà không có khả năng gây ra vấn đề cho bản thân, nhưng có thể đe dọa sức khỏe thai nhi.
BS. Giang cũng nhấn mạnh, nhóm phụ nữ có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cao nhất là những người đang mắc bệnh tiểu đường hoặc đã từng mắc bệnh này trong lần mang thai trước đó; hay những người sinh một hoặc nhiều con có trọng lượng trên 4.000g khi mới chào đời. Những phụ nữ thừa cân và những phụ nữ từng sảy thai hay tiền sản giật cũng có nguy cơ cao.
Tất cả phụ nữ mang thai đều cần phải khám sàng lọc đái tháo đường thai kỳ. |
BS. Dương Trường Giang khuyên các bà mẹ thuộc nhóm này nên đi khám ngay từ khi có ý định mang thai. Trong quá trình mang thai, nên khám thai kết hợp với xét nghiệm đường huyết thường xuyên để phát hiện sớm tiểu đường thai kỳ.
Chia sẻ về dấu hiệu khi mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, BS. Giang cho hay, bệnh tiểu đường khi mang thai rất khó phát hiện nếu thai phụ không làm các xét nghiệm máu. Vì vậy, tất cả phụ nữ mang thai đều cần phải khám sàng lọc đái tháo đường thai kỳ để sớm phát hiện và có hướng điều trị, tránh những nguy cơ biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới cả mẹ và bé. Thời gian làm xét nghiệm để xác định thai phụ có mắc tiểu đường thai kỳ hay không tốt nhất là vào tuần 24 - 28 của thai kỳ.
Để phòng tránh tiểu đường thai kỳ cho các thai phụ sao cho hiệu quả và an toàn, BS. Giang chỉ ra:
Điều đầu tiên, các thai phụ nên có chế độ ăn uống hợp lý, cần kiểm tra sức khỏe định kỳ và chỉ số đường huyết khi mang thai nhằm phát hiện sớm tiểu đường khi mang thai (nếu có).
Chế độ dinh dưỡng cho một thai kỳ khỏe mạnh các bà bầu nên tuân thủ theo những nguyên tắc sau:
Nguyên tắc thứ nhất: Các bà bầu không nên ăn quá nhiều. Khi ăn quá nhiều, nguồn năng lượng dư thừa sẽ tích tụ dưới dạng mỡ thừa, làm cho các mẹ bầu di chuyển nặng nề hơn, khó sinh hơn và nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ tăng cao hơn những phụ nữ mang thai nhưng có cân nặng bình thường.
Nguyên tắc thứ hai: Bổ sung chất béo đúng cách. Axit Docosahexanoic (DHA) và axit Arachidonic (AA) là hai loại chất béo quan trọng và cần thiết trong chế độ dinh dưỡng của bạn khi mang thai.
Các axit béo này rất cần thiết cho sự phát triển thị lực và trí não của thai nhi. Cách tốt nhất để đảm bảo thai phụ được khỏe mạnh là bổ sung đủ lượng dầu cá cần thiết từ các loại cá như cá hồi, cá mòi và cá thu. Nếu không ăn được cá, thai phụ tìm cách bổ sung dưỡng chất thay thế. Trong trường hợp này nên thảo luận trước với các chuyên gia tư vấn sức khỏe.
Nguyên tắc thứ ba: Các bà bầu nên tăng cường các chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống khi mang thai, ăn đầy đủ chất, ăn đa dạng các loại thực phẩm và trong thời gian mang thai các bà bầu nên bổ sung thêm sắt, đặc biệt là sắt từ các loại rau củ và acid folic...
Nguyên tắc thứ tư: Luyện tập thể dục thể thao hợp lý. Đừng nghĩ rằng khi mang thai thì không cần luyện tập. Các bà bầu nên luyện tập ở mức trung bình và tránh một số hoạt động nhất định cho đến sau khi sinh nở. Trong tập luyện, các mẹ cần giữ nhịp tim không vượt quá 140 lần/phút, không nên để tình trạng nhịp tim nhanh kéo dài và tránh tập luyện quá sức.
Nguyễn Huệ
Post a Comment