Tại viện Sức khỏe tâm thần - bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có khoảng 50 bệnh nhân trầm cảm tới khám, trong đó hay gặp nhất là độ tuổi 18 – 29. Thậm chí, một số bệnh nhân trầm cảm có ý định tự sát, đã tìm đến cái chết (tự tử) đang phải điều trị tại viện.

Dấu hiệu nhận biết bệnh trầm cảm

TS.BS Dương Minh Tâm - Trưởng phòng Điều trị các rối loạn liên quan đến stress - viện Sức khỏe tâm thần khuyến cáo, có đến 80% bệnh nhân trầm cảm không được điều trị đúng chuyên khoa.

TS. Tâm cảnh báo những biểu hiện mỗi người cần lưu ý như: Cảm giác buồn chán, trống rỗng; khó tập trung suy nghĩ, hay quên; luôn cảm thấy mệt mỏi, không muốn làm việc gì; cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng; mất ngủ, hoặc ngủ quá nhiều; hay cáu gắt, giận dữ; giảm thích thú trong các hoạt động hoặc sở thích hàng ngày; giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân hoặc ăn quá nhiều; nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.

Ngoài ra, nhiều bệnh nhân trầm cảm còn có các triệu chứng như đau đầu, đau tức ngực, các rối loạn tiêu hóa…

Một bệnh nhân đang được bác sĩ viện Tâm thần Quốc gia thăm khám.

Tuy nhiên, nếu xuất hiện 3 triệu chứng điển hình sau đây thì bạn nên lưu ý và tìm đến bác sĩ để được tư vấn. Đó là: Khí sắc giảm (luôn ủ dột, u sầu, chán chường); giảm ham thích so với trước đây (trước đây thích shopping, buôn dưa lê, xem phim nay cũng không thích thú); giảm năng lượng, dễ mệt mỏi (trước đây nói chuyện cả ngày không sao, nay vài phút thấy mệt mỏi).

Theo các bác sĩ chuyên khoa, trầm cảm là một rối loạn rất phổ biến, nhưng chỉ có tỷ lệ thấp được phát hiện và điều trị theo đúng chuyên khoa. Rối loạn trầm cảm có thể chữa được để bệnh nhân ổn định, tái hòa nhập với xã hội nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Việc phát hiện và điều trị trầm cảm cần có sự phối hợp của tất cả các chuyên khoa, sự hỗ trợ từ phía gia đình của người bệnh và từ cộng đồng.

Ngoài trầm cảm, cần lưu ý rối loạn cảm xúc gia tăng

Liên quan đến các căn bệnh làm giảm chất lượng cuộc sống, TS. Nguyễn Hữu Chiến - Phó giám đốc bệnh viện Tâm thần Trung ương I cảnh báo, các rối loạn cảm xúc ở trẻ nhỏ, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn lo âu, rối loạn cơ thể đang có chiều hướng gia tăng.

Theo các bác sĩ, rối loạn cảm xúc lưỡng cực (gọi tắt là rối loạn cảm xúc) là chứng bệnh tâm lý xếp thứ hai trong danh sách các bệnh rối loạn tâm thần phổ biến nhất thế giới. Thậm chí, căn bệnh này hiện đang đe dọa cuộc sống của 10% dân số các nước châu Âu và châu Mỹ.

Rối loạn cảm xúc là tình trạng rối loạn tại não bộ gây ra sự biến đổi bất ổn về tinh thần. Bệnh mang tính chu kỳ, tức là người bệnh có thể chuyển từ cảm xúc hưng phấn (vui vẻ tột độ) sang cảm xúc ức chế (trầm cảm) và ngược lại một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, do tính bất ổn định của bệnh, các trạng thái luân phiên nhau thường thay đổi một cách bất ngờ mà không hề báo trước.

Theo TS. Chiến, trạng thái đầu tiên của bệnh là cảm giác buồn bã; đánh mất ý chí, nghị lực; thờ ơ với cuộc sống cũng như mất đi những thú vui hằng ngày; xuất hiện những ý nghĩ bi quan, đau khổ, tang tóc về cuộc sống và thế giới xung quanh; dằn vặt bản thân vì lỗi lầm trong quá khứ; tự cho mình là vô dụng dẫn đến ý tưởng và hành vi tự sát. Các triệu chứng này thường gia tăng vào buổi sáng và giảm nhẹ vào buổi chiều.

Cùng với sự tác động từ cảm xúc, cơ thể người bệnh cũng phát ra những dấu hiệu như: Chán ăn, mất ngủ, gầy sút; hoạt động chậm chạp, mất tập trung, hay quên; không chú ý đến việc vệ sinh cơ thể, ăn mặc lôi thôi hơn so với thói quen hằng ngày.

Còn với các bệnh nhân hưng cảm, trạng thái này có biểu hiện trái ngược hoàn toàn với trầm cảm. Mới đầu, người bệnh sẽ ngủ ít dần đi, thậm chí là cảm thấy không cần phải ngủ cũng được. Khí sắc hưng phấn đột ngột như bị kích thích, vô cùng khoan khoái, học tập với khối lượng lớn bất thường mà không biết mệt mỏi.

N.Giang

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top