Theo thông tin từ bệnh viện Bạch Mai, sản phụ Nguyễn Thị Mơ (30 tuổi, xã Đông Mỹ, Thái Bình) suy thận từ 7 năm nay, chạy thận chu kỳ tại bệnh viện Đa khoa Thái Bình, đã sinh con an toàn.
TS. Nguyễn Hữu Dũng (Trưởng khoa Thận nhân tạo, bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Từ năm 2015 đến nay, đây là sản phụ thứ 3 suy thận giai đoạn cuối lọc máu chu kỳ, sau khi được các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai điều trị quản lý thai kỳ đã sinh con an toàn.
Chương trình nghiên cứu Đa trung tâm của châu Âu trong hơn 10 năm tại một số quốc gia như Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Anh... ghi nhận 23 trường hợp có thai trong khi chạy thận nhân tạo được đăng ký theo dõi, chăm sóc sinh con thì chỉ có 52% trẻ được sinh ra và sống bình thường.
Sản phụ Mơ và con. (Ảnh do bệnh viện cung cấp) |
Theo TS. Dũng, khi phát hiện có thai do lỡ kế hoạch, chị Mơ đã đến bệnh viện Bạch Mai thăm khám, xin ý kiến tư vấn của các bác sĩ.
Trong bối cảnh thai đã lớn trên nền bệnh nhân chạy thận nhân tạo 7 năm, việc đình chỉ thai cũng có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.
Sau nhiều cuộc hội chẩn, cân nhắc kỹ lưỡng giữa các thầy thuốc khoa Sản, khoa Thận nhân tạo của bệnh viện Bạch Mai, với thể trạng của thai phụ cùng sự quyết tâm của chị Mơ và gia đình, bệnh nhân đã được nhập viện để điều trị, theo dõi thai chờ ngày sinh nở.
TS. Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh: "Người bình thường có thai khó một thì bệnh nhân suy thận mạn tính lọc máu chu kỳ có thai khó hơn cả trăm lần và rất khó duy trì được thai nghén đến khi đủ tuổi thai.
Để đảm bảo sức khỏe của mẹ và thai nhi, lọc máu sẽ được thực hiện với một quy trình đặc biệt và có sự kết hợp theo dõi với nhiều chuyên khoa. Bởi lẽ, với bệnh nhân suy thận, các độc tố trong máu thường cao nên thai nhi khó có thể phát triển bình thường".
Niềm hạnh phúc của người mẹ sau 7 năm chạy thận vẫn được nghe tiếng cười con trẻ. (Ảnh do bệnh viện cung cấp) |
Các bác sĩ khoa Thận nhân tạo phối hợp chặt chẽ với bác sĩ khoa Sản theo dõi từng ngày điều chỉnh tăng cân, từng chỉ số, tình trạng nước ối, siêu âm kiểm tra sự phát triển của thai nhi, rau thai…
Đến tuần thứ 33 (tuổi thai cho phép đối với thai nhi trên nền sản phụ suy thận mạn tính), các bác sĩ đã thống nhất chỉ định mổ lấy thai. Ngày 4/4, bé Bảo Châu nặng 2,2kg chào đời và được chăm sóc đặc biệt tại khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai. Ngày 10/4, bé đã được ra viện trong niềm vui của gia đình và tập thể thầy thuốc khoa Thận nhân tạo, khoa Sản và khoa Nhi. Đó là một kết quả tốt đẹp không phụ sự nỗ lực của các thầy thuốc và gia đình bệnh nhân.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Hữu Dũng khuyến cáo, các bệnh nhân suy thận khi quyết định sinh cần hết sức cân nhắc và được theo dõi, tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa để có thể quản lý và duy trì thai nghén an toàn cho cả mẹ và con.
Nguyễn Huệ
Post a Comment