Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, BS. Lê Viết Hải (bệnh viện đa khoa Trí Đức) cho biết, suy giãn tĩnh mạch chân là thuật ngữ chỉ sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân, dẫn đến hiện tượng khi cử động lại sẽ gây ra những biến đổi về khuyết động và biến dạng ở các mô xung quanh.

Bệnh suy giãn tĩnh mạch ngày càng trẻ hóa và nguyên nhân là do thói quen lười vận động, do yêu cầu công việc buộc phải đứng lâu, ngồi một chỗ trong thời gian dài. Khi ta ngồi hay đứng lâu làm tăng áp lực trong tĩnh mạch ở chân, khiến ứ máu, dẫn đến làm yếu thành tĩnh mạch và làm tổn thương các van. Khi đó, bệnh giãn tĩnh mạch sẽ dễ dàng xảy ra.

Chứng giãn tĩnh mạch kéo dài khiến cho việc đi của người bệnh rất khó khăn.

“Bệnh sẽ gây ra các hậu quả như nhức mỏi, nặng chân, phù chân, tê, cảm giác kiến bò, chuột rút về ban đêm, có thể dẫn đến chàm da, loét chân không lành (đặc biệt ở người già), chảy máu, viêm tĩnh mạch nông huyết khối, huyết khối tĩnh mạch sâu, suy tĩnh mạch”, BS.Hải khuyến cáo.

Cũng theo BS, bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ tĩnh mạch nào trong cơ thể. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn trường hợp mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch xảy ra ở chân do hệ thống tĩnh mạch ở chi dưới dài, phức tạp hơn và chịu ảnh hưởng của trọng lực khi phải đứng nhiều.

Triệu chứng:

Bệnh ở giai đoạn ban đầu, biểu hiện thường là đau, nặng và nhức mỏi chân khi đứng lâu hoặc ngồi nhiều. Thường bị chuột rút về ban đêm, cảm giác tê nhức như có kiến bò vùng cẳng chân…

Bệnh phát triển trong thời gian dài khi đứng lâu, ngồi nhiều liên tục chân sẽ bị phù, thường thấy sau cuối ngày làm việc. Vùng phù thường ở mắt cá chân, bàn chân. Thấy tĩnh mạch nổi li ti nhất là vùng cổ chân và bàn chân.

Ngoài ra người bệnh có thể nhìn thấy những đoạn tĩnh mạch bị giãn, ngoằn ngoèo, chân bị phù nề, ngứa ngáy, căng nặng, da đổi màu. Nổi nhiều gân xanh khi bị suy tĩnh mạch nông, chân bị sưng phù, vết thương lâu lành.

Biến chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân:

Tình trạng bệnh kéo dài khiến cho việc đi lại rất khó khăn, có thể không đi lại được. Khi tĩnh mạch bị tắc nghẽn có thể xuất hiện cục máu đông trong tĩnh mạch, chúng di chuyển làm tắc nghẽn mạch máu lưu thông - một biến chứng rất nặng có thể dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Phòng ngừa và điều trị bệnh như thế nào?

Suy giãn tĩnh mạch chân là bệnh lý mãn tính nên việc điều trị đòi hỏi sự kiên trì của người bệnh. Kết hợp giữa việc dùng thuốc với chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp.

Một trong những nguyên nhân làm cho bệnh suy giãn tĩnh mạch nặng hơn là chứng táo bón. Nghiên cứu chứng minh được rằng táo bón làm tăng sức ép lên thành mạch của đôi chân. Để tránh điều này, người bệnh nên thêm lượng chất xơ vào khẩu phần ăn kiêng của mình.

Khi bị suy giãn tĩnh mạch chân, người bệnh cần kiểm soát cân nặng. Việc bạn tăng cân sẽ làm tăng áp lực lên chân và là một trong những nguyên nhân chính của chứng suy giãn tĩnh mạch. Việc duy trì một mức cân nặng hợp lý sẽ mang lại lợi ích cho việc phòng tránh căn bệnh này.

Người bệnh nên giảm thời gian đứng, cố gắng tránh đứng trong thời gian dài để ngăn ngừa chứng suy giãn tĩnh mạch hình thành. Càng nhiều áp lực dồn lên trên đôi chân của bạn càng gây sức ép lên các tĩnh mạch và có thể là nguyên nhân gây bệnh.

Tập thể dục, đặc biệt là đi xe đạp, bơi lội và đi bộ có thể giúp cải thiện lưu thông ở chân và ngăn ngừa bệnh suy giãn tĩnh mạch.

N.Giang

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top