Mụn cơm là một tổ chức dày sừng gồm các tổn thương da và niêm mạc do một loại virut gây sùi ở người gọi là Human Papilloma Virut (HPV) gây ra. Mụn cơm có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể, tuy không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ và khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày nên cần được điều trị triệt để.

Một trong những thuốc thông thường để điều trị mụn cơm là acid salicylic. Đây là thuốc có tác dụng làm tróc mạnh lớp sừng da và sát khuẩn nhẹ khi bôi trên da. Có nhiều dạng thuận tiện khi sử dụng như thuốc mỡ, kem, gel, thuốc dán, nước gội đầu hoặc xà phòng… Do thuốc tác dụng rất mạnh trên niêm mạc tiêu hóa và các mô khác nên các chế phẩm của acid salicylic chỉ được dùng ngoài mà không dùng đường toàn thân (đường uống).

Cần đi khám để phát hiện bệnh và có phương pháp điều trị. (Ảnh minh họa)

Khi bôi thuốc, cần bôi tại chỗ trên da từ 1-3 lần/ngày. Đối với dạng thuốc mỡ, thuốc nước hoặc kem bôi, bôi lượng vừa đủ lên vùng da cần điều trị, xoa nhẹ. Dạng thuốc gel, trước khi bôi làm ẩm vùng da cần điều trị trong ít nhất 5 phút để tăng tác dụng của thuốc. Nếu dùng dạng thuốc dán, rửa sạch và ngâm vùng da có mụn cơm trong nước ấm 5 phút, lau khô vùng da đó rồi cắt miếng thuốc dán vừa với mụn cơm. Tùy thuộc vào chế phẩm, dán thuốc 2 ngày một lần hoặc dán khi đi ngủ, để ít nhất 8 giờ, bỏ thuốc dán ra vào buổi sáng và dán thuốc mới sau 24 giờ. Trong cả hai trường hợp, cần tiếp tục dùng thuốc có thể tới 12 tuần, cho đến khi tẩy được hạt cơm. Không dùng các chế phẩm có nồng độ acid salicylic trên 10% cho các mụn cơm vùng da bị nhiễm khuẩn, viêm, kích ứng, ở mặt, bộ phận sinh dục, mũi, miệng, các mụn cơm có lông mọc, nốt ruồi hoặc vết chàm. Cũng không dùng các chế phẩm này cho những người bệnh bị đái tháo đường hoặc suy tuần hoàn.

Cần lưu ý, tránh bôi thuốc vào miệng, mắt, niêm mạc, hoặc vùng da bị nứt nẻ. Không bôi thuốc trên diện rộng vì có thể gây tác dụng toàn thân khi dùng quá nhiều. Mặc dù salicylat dùng tại chỗ ít được hấp thu hơn nhiều so với uống nhưng vẫn có thể xảy ra phản ứng phụ. Ví dụ, dùng dài ngày acid salicylic trên diện rộng có thể bị ngộ độc salicylat với các biểu hiện: Lú lẫn, chóng mặt, đau đầu nặng hoặc liên tục, thở nhanh, tiếng rung hoặc tiếng vo vo trong tai liên tục. Ðiều trị các mụn cơm với thuốc nồng độ cao có thể gây ăn da, và do đó làm các mụn cơm dễ lan rộng. Ngoài ra, các tác dụng phụ thường gặp khi bôi thuốc là kích ứng da nhẹ hoặc cảm giác bị châm đốt, loét hoặc ăn mòn da (đặc biệt khi dùng chế phẩm có acid salicylic nồng độ cao).

Ngoài điều trị mụn cơm, thuốc còn được dùng để điều trị triệu chứng các trường hợp như viêm da tiết bã nhờn, vảy nến ở mình hoặc da đầu; vảy da đầu và các trường hợp bệnh da tróc vảy khác; chứng tăng sừng khu trú ở gan bàn tay, gan bàn chân và trứng cá thường…

Theo Sức khỏe & Đời sống

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top