Bài chia sẻ dưới đây là một câu trả lời cho câu hỏi "Có phải giá nhà quá cao ở Bắc Kinh đã hủy hoại sự đam mê và sáng tạo của thế hệ trẻ" trên diễn đàn Zhihu (Trung Quốc) hồi đầu tháng 3. Mặc dù là một nhà nghiên cứu xuất sắc, tác giả bày tỏ, việc giá nhà đắt đỏ và những chính sách liên quan tới cư trú khiến anh phải từ bỏ công việc đáng mơ ước để chuyển tới nơi có thể xin học cho con. Bài viết được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc thời gian qua.
Tôi tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh (một trường được coi là hàng đầu ở Trung Quốc) với bằng thạc sĩ rồi tiến sĩ và sau đó làm việc tại Viện khoa học tại Bắc Kinh trong 3 năm. Đầu năm nay, tôi bỏ việc và chuyển tới Nam Kinh để làm cho một trường đại học tại đó.
Tại sao tôi rời Bắc Kinh? Lý do thì nhiều nhưng chốt lại vẫn ở vấn đề nhà cửa.
Nhiều người dùng mạng nói rằng họ cảm thấy tuyệt vọng vì lương tăng không kịp so với mức tăng giá nhà ở Bắc Kinh. Nhưng với tôi, đây không phải yếu tố quan trọng nhất. Hơn hết, tôi đã từ bỏ việc làm lương cao để làm nghiên cứu tại Viện khoa học với thu nhập chưa đầy 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng (gần 33 triệu đồng). Tôi đã chuẩn bị tâm lý để làm việc với mức lương thấp này nhưng cuối cùng đành từ bỏ tất cả để rời đi khi con trai đến tuổi đi học.
Ảnh minh họa: Kel Murphy Photography. |
Việc xét vào tiểu học ở Bắc Kinh thường theo khu vực và hộ khẩu cũng như tình trạng an sinh xã hội của bố mẹ. Chẳng hạn, tôi và vợ xếp hạng 6 vì chúng tôi thuê nhà tại khu vực đó. Cơ quan của tôi cũng nằm trên địa bàn này. Chúng tôi chỉ đứng cao hơn một bậc so với dân di cư không có nhà đất ở khu đó, như thợ cắt tóc hay người bán rong.
Những năm trước, con cái của nhân viên Viện khoa học được hưởng khá nhiều lợi ích về giáo dục. Vào thời điểm đó, một số trường tiểu học nổi tiếng ở Bắc Kinh đã liên kết với Viện và con của viên chức chúng tôi được suất vào học tại đó.
Tuy nhiên, với việc tăng giá nhà ở các quận có trường tốt, Viện không còn có mối quan hệ với các trường này nữa mà phải liên kết với một số trường kém hơn.
Ở khía cạnh nào đó, tôi vẫn có thể chịu được sự thay đổi ấy. Hơn nữa, trường địa phương và Viện đều hứa là con của cán bộ nhân viên sẽ được học ở các trường này. Nhưng thực tế hoàn toàn khác: Không phải tất cả con cái nhân viên Viện đều được đảm bảo học ở đó, bởi ưu tiên hàng đầu vẫn là dành cho trẻ đang sống trong khu vực. Tôi không biết những đứa trẻ còn lại sẽ thế nào và tôi không thể đợi tới cuối cùng để nhận câu trả lời nên đã quyết định rời đi.
Tôi cũng tự hỏi liệu mình có đúng không khi từ bỏ công việc ở một viện nghiên cứu hàng đầu và bỏ Bắc Kinh để tới một "vùng có trường học tốt" theo tưởng tượng của bản thân. Theo lời cha tôi thì tôi đang hủy hoại tương lai của chính mình.
Cuối cùng, ngay cả khi con tôi được học ở một trường tốt, chẳng có gì đảm bảo con sẽ thành công. Điều khiến tôi thất vọng hoàn toàn chính là thực tế này. Nhìn lại đời mình, tôi đã đi con đường học thuật suôn sẻ và được vào làm ở nơi danh giá. Tôi có hộ khẩu Bắc Kinh nhưng vẫn không thể đem lại cho con mình yếu tố thuận lợi như cha tôi đã mang lại cho tôi, dù ông cả đời chỉ sống ở một thị trấn nhỏ.
Tôi có bằng tiến sĩ và từng đi du học. Tôi từng đứng trong top các nhà khoa học mũi nhọn. Tôi đã tưởng mình là một người quan trọng bởi từng trình bày nghiên cứu bằng tiếng Anh tại hội thảo khoa học quốc tế, được bao bạn bè thế giới chú ý. Tuy nhiên, khi bước ra khỏi bục giảng, tôi vẫn phải đối mặt với chủ nhà và trả tới 2/3 tiền lương tháng cho họ. Lương tôi cũng không đuổi kịp lạm phát. Các sếp cũ của tôi từng nói con của những cán bộ nhân viên chưa có nhà sẽ nằm ở cuối danh sách đợi được nhận học của các trường.
Ở trường, tôi được dạy là chớ tôn sùng tiền bạc và rằng tri thức là của cải. Khi bắt đầu đi làm, tôi được nhắc nhở là phải bình tĩnh và tập trung vào nghiên cứu thay vì lo lắng về tiền. Tôi đã làm theo tất cả những lời khuyên đó. Nhưng thực tế dạy tôi rằng tri thức không cân bằng với sự giàu có và nó không thể dùng để đem thế chấp. Cần mẫn đăng các bài báo khoa học có tầm ảnh hưởng không giúp tôi được thăng tiến và khiến con tôi được nhận vào trường. Các trường tư của Viện khoa học có chi phí 60.000 nhân dân tệ (gần 199 triệu) một năm. Những người có quan hệ đặc biệt với Viện hoặc rất giàu có mới dám gửi con vào đó.
Bài học ở đây chính là câu chuyện của tôi - cứ thầm lặng làm việc chăm chỉ, kiên nhẫn và tin tưởng rằng mọi thứ sẽ thành công - cuối cùng lại thất bại hoàn toàn.
Vương Linh
Post a Comment