Vào mùa nắng nóng, môi trường sống và điều kiện sinh hoạt hằng ngày của người dân khá thuận lợi cho bệnh thương hàn phát triển, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Vì thế, người dân cần quan tâm đến vấn đề này để chủ động phòng ngừa, vì từ lâu bệnh thường ít khi được chú ý như trường hợp dịch bệnh sởi, thủy đậu... xảy ra trong thời gian vừa qua.

Đặc điểm của bệnh thương hàn

Thương hàn là một bệnh truyền nhiễm có thể phát triển thành dịch được lây truyền qua đường tiêu hóa do vi khuẩn thương hàn và phó thương hàn gây nên. Vi khuẩn gây bệnh đột nhập qua đường tiêu hóa tới lách, sau đó phát triển nhân lên rồi xâm nhập vào máu và gây ra bệnh cảnh lâm sàng nhiễm trùng nhiễm độc với dấu hiện khá điển hình là mạch nhiệt phân ly.

Thực tế ghi nhận, tỉ lệ mắc bệnh do vi khuẩn thương hàn và vi khuẩn phó thương hàn là 10/1. Loại vi khuẩn này có sức đề kháng cao, chúng có thể sống trong thời gian hàng tháng trời ở ngoài môi trường. Ở nhiệt độ 55oC trong vòng 30 phút, vi khuẩn có thể bị giết chết.

Trực khuẩn thương hàn.

Bệnh thương hàn thường xảy ra ở những nơi có điều kiện sinh hoạt kém vệ sinh. Các nhà khoa học đã thống kê hằng năm, trên toàn thế giới có khoảng 17 triệu trường hợp mắc bệnh với khoảng 600.000 người chết do bệnh thương hàn.

Tại nước ta, thời gian trước đây ghi nhận mỗi năm có khoảng từ 10-20 ngàn trường hợp mắc bệnh thương hàn làm cho hàng chục người bị tử vong nhưng đến năm 2013 giảm xuống chỉ còn 653 trường hợp mắc và không có trường hợp nào bị tử vong. Tuy vậy, dịch bệnh có thể quay trở lại bất cứ lúc nào nếu chủ quan không tiếp tục duy trì tích cực các biện pháp phòng bệnh chủ động. Bệnh thường lưu hành, tản phát ở nhiều tỉnh; hay gặp trong các vụ dịch nhỏ ở đồng bằng sông Cửu Long, ven biển miền Trung, một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ và kể cả ở miền núi phía Bắc.

Thực tế cho thấy người bệnh và nhất là người lành mang trùng là ổ chứa chính của mầm bệnh thương hàn. Vi khuẩn thương hàn thường sống trong túi mật người bệnh, người lành mang trùng và được đào thải ra môi trường bên ngoài qua phân trong một thời gian dài. Ổ chứa của vi khuẩn phó thương hàn đôi khi được phát hiện ở các động vật nuôi trong nhà. Người bị mắc bệnh do dùng thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm trực khuẩn thương hàn và phó thương hàn.

Phương thức lây nhiễm bệnh

Những phương thức lây nhiễm khá phổ biến là uống nước chưa đun sôi bị nhiễm mầm bệnh như: Nước lã, nước đá; ăn phải thức ăn bị nhiễm vi khuẩn nhất là ăn các loại động vật như trai, hàu, nghêu, sò, ốc, hến... nhiễm mầm bệnh từ nguồn nước bị nhiễm bẩn nhưng không nấu chín kỹ.

Đồng thời, việc sử dụng các loại rau quả trồng bón bằng phân tươi khi ăn sống không được xử lý sạch; dùng sữa và các chế phẩm từ sữa bị nhiễm vi khuẩn thương hàn qua quá trình chế biến, bảo quản không tốt cũng là tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, ruồi nhà cũng là nguyên nhân gây nhiễm bẩn các loại thực phẩm và trong môi trường thực phẩm đó, vi khuẩn sẽ phát triển nhân lên đủ khả năng gây bệnh cho người.

Khi bị mắc bệnh, bệnh cảnh lâm sàng thường có triệu chứng sốt tăng dần, người bệnh bị rối loạn tiêu hóa, bụng trướng và có dấu hiệu ùng ục bên hố chậu phải; bị phát ban dạng sởi ở vùng quanh thắt lưng. Độc tố thương hàn tác động vào các mảng bạch huyết ở họng và ruột gây ra loét họng, loét ruột gây chảy máu ruột. Độc tố cũng gây nhiễm độc cơ tim, làm viêm cơ tim, trụy tim mạch. Đồng thời khi độc tố nhiễm vào não thất 3 gây triệu chứng mạch nhiệt phân ly, viêm não rất đặc thù của bệnh thương hàn.

Các trường hợp nhẹ thường có triệu chứng giống như viêm dạ dày, viêm ruột gây nên tiêu chảy thông thường. Chẩn đoán xác định bệnh khi cấy máu thấy mọc vi khuẩn thương hàn. Ngoài ra, các xét nghiệm khác bổ sung cũng giúp cho việc chẩn đoán bệnh là dùng phản ứng Widal hoặc sử dụng kháng thể đơn dòng phát hiện kháng nguyên H trong máu bệnh nhân.

Phòng bệnh bằng vắc-xin

Bệnh thương hàn có thể phòng ngừa bằng cách sử dụng vắc-xin để bảo vệ. Trên thị trường hiện nay có loại vắc-xin thương hàn dùng để tiêm và vắc-xin dùng để uống.

Theo Sức khỏe & Đời sống

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top