Bác sĩ Nghiêm Trung Dũng (khoa Thận - Tiết niệu, bệnh viện Bạch Mai) cho biết bệnh nhân L.V.Đ (63 tuổi, ở Lạng Sơn) nhập viện trong tình trạng suy thận cấp tính: Bụng chướng, chân tay phù nề, vô niệu, nôn nhiều… Ông Đ. được lọc máu tích cực, rút dịch và không cần can thiệp ngoại khoa.

Đến ngày 21/4, sau 3 ngày điều trị tại bệnh viện Bạch Mai, tình trạng của bệnh nhân Đ. vẫn chưa hồi phục, chỉ số nhiễm độc vẫn tăng khi dừng lọc máu.

Trước đó 2 tháng, ông được xác định bị sỏi thận, chưa cần can thiệp. Nhưng vì sợ bệnh tiến triển, ảnh hưởng về sau, đồng thời cho rằng uống thuốc nam nếu không hết bệnh thì cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe nên ông đã mua thuốc về uống.

Bác sĩ đang chăm sóc cho bệnh nhân. (Ảnh Đ.Liên)

Thế nhưng, ông Đ. mới chỉ uống một liều thuốc nam mua của “lang vườn” gần nhà đã bị đau bụng, nôn nhiều, không đi tiểu được. Đến ngày thứ tư, ông vào bệnh viện tỉnh cấp cứu và được xác định bị suy thận cấp. Sau hai ngày điều trị tích cực, ông Đ. được chuyển lên bệnh viện Bạch Mai tiếp tục cấp cứu.

Theo các bác sĩ, chỉ tính riêng khoa Thận - Tiết niệu (bệnh viện Bạch Mai), trung bình mỗi tháng tiếp nhận từ 3-4 bệnh nhân bị suy thận cấp do sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc.

Với những bệnh nhân nhiễm độc thể nhẹ có thể được thải độc hoàn toàn, hết suy thận và không ảnh hưởng đến sức khỏe về sau. Nhưng cũng có những bệnh nhân nhiễm độc nặng bị suy đa tạng, việc điều trị rất khó khăn và tốn kém, nếu cứu được cũng bị di chứng rất nặng nề như suy thận mãn…

Điều đáng nói, phần lớn những bệnh nhân này tiên lượng rất khó khăn nhiễm độc nặng. Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh muốn điều trị bằng đông y thì nên đến các cơ sở khám chữa bệnh được cấp phép, sử dụng thuốc rõ nguồn gốc để tránh "tiền mất tật mang".

N.Giang

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top