Sau khi được các bác sĩ tiến hành nội soi lấy ra 9 trong tổng số 13 viên bi, ngày 21/4, 4 viên bi còn lại trong bụng bệnh nhi cũng đã tự ra qua đường hậu môn mà không cần can thiệp phẫu thuật.
Trước đó, báo Người Đưa Tin đăng tải bài viết: “Sốc: 13 viên bi 'nằm gọn' trong dạ dày bé 2 tuổi” khiến dư luận bàng hoàng. Theo các bác sĩ, ngày 15/4, bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Hữu T. S (2 tuổi, ở Nghệ An), được bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An chuyển lên do nuốt phải hàng chục viên bi nam châm. Tại bệnh viện Nhi Trung ương, ngày 18/4, cháu S đã được các bác sĩ tiến hành nội soi và lấy ra 9 trong tổng số 13 viên bi.
9 viên bi được các bác sĩ khoa Nội soi (bệnh viện Nhi Trung ương) gắp ra. |
Sau 3 ngày được các bác sĩ theo dõi, cho dùng thuốc nhuận tràng kết hợp vận động nhẹ nhàng, 4 viên bi còn lại đã ra theo đường hậu môn mà không cần can thiệp phẫu thuật. Hiện cháu khỏe mạnh, tỉnh táo, ăn uống tốt, được ra viện.
Theo TS.BS Nguyễn Việt Hà – Trưởng khoa Tiêu hóa, bệnh viện Nhi Trung ương, dị vật đường tiêu hóa là vấn đề rất hay gặp ở trẻ nhỏ do trẻ có bản tính hiếu động, tò mò và hay có thói quen cho các vật cầm ở tay vào miệng. Dị vật rơi vào đường thở hoặc thực quản gây ra những hậu quả khôn lường, thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.
“Các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý không để trẻ chơi các đồ chơi nhỏ, sắc nhọn, không nên đeo đồ trang sức cho trẻ, luôn giám sát, không để trẻ chơi một mình”, BS. Hà khuyến cáo.
Mẹ cháu S. cầm trên tay những viên bi nam châm các cháu nhỏ ở khu phố nơi chị sinh sống thường hay chơi. |
Những ai dễ mắc dị vật đường tiêu hóa?
Trường hợp của bé S. không phải là hi hữu. Trả lời báo chí, BS. Nguyễn Thị Lan (khoa Khám Bệnh, bệnh viện Đa khoa MEDLATEC) cho hay, nguy cơ mắc dị vật có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt tuổi tác và giới.
Tuy nhiên, theo BS. Lan, những đối tượng thường mắc là: Trẻ em hay có thói quen ngậm, mút các đồ vật trong khi chơi; người có răng kém, hoặc có răng giả; người cao tuổi, người mắc bệnh tâm thần; người có thói quen ăn uống không cẩn thận (ăn nhanh, nuốt vội… ); có tiền sử phẫu thuật dạ dày - tá tràng (cắt dạ dày - tá tràng, nối vị tràng… ); người có bệnh lý ở dạ dày - tá tràng: Hẹp môn vị, làm ứ đọng thức ăn trong dạ dày - tá tràng... ; hoặc người có bệnh viêm tụy mạn.
Dấu hiệu mắc dị vật đường tiêu hóa
Các dấu hiệu khi mắc dị vật đường tiêu hóa liên quan đến tính chất và vị trí (to hay nhỏ), thời gian mắc dị vật. Tuy nhiên, trên thực tế có một số bệnh nhân bị mắc phải dị vật lúc nào không biết, chỉ đến khi có các dấu hiệu nặng, đi khám bệnh bác sĩ mới phát hiện ra. Có thể phân chia các triệu chứng mắc dị vật làm 2 nhóm:
1. Tại thực quản: Bệnh nhân thường có các triệu chứng như nuốt vướng, nuốt nghẹn, đau khi nuốt, đau sau xương ức; ở trẻ em có thể quấy khóc hoặc buồn nôn và nôn; có thể khạc ra máu nếu các dị vật gây biến chứng ở thực quản như viêm, áp-xe,...
2.Tại dạ dày: Bệnh nhân có dấu hiệu đau vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, đầy bụng, chậm tiêu.
Các biến chứng có thể gặp
Nếu mắc phải dị vật sắc nhọn trong thời gian dài có thể gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, gây xuất huyết tiêu hóa. Dị vật có thể đâm thủng ống tiêu hóa gây áp-xe trong thành ống tiêu hóa, áp-xe trung thất, áp-xe dưới hoành, áp-xe trong ổ bụng,... Nguy hiểm nhất là dị vật ở thực quản có thể đâm vào động mạch chủ gây tử vong tức thì. Một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị ngộ độc do các thành phần là các chất độc có trong dị vật...
Các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện dị vật, điều quan trọng là phải đến ngay các bệnh viện, cơ sở y tế, đặc biệt các trung tâm can thiệp qua nội soi để nhanh chóng chẩn đoán và xử trí kịp thời. Tuyệt đối không nên chữa bằng thuốc nam hoặc bằng mẹo vì không sẽ khỏi mà để muộn có thể nguy hiểm đến tính mạng.
N.GIANG
Post a Comment