Bài chia sẻ dưới đây là của tiến sĩ Lorelei trên trang Businessinsider về quá trình chị trở thành một phụ nữ thành công, giàu có dù sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo và phải mang khoản nợ lớn vì vay tiền để đi học. Chị Lorelei hiện 35 tuổi, sống tại Seattle, Mỹ, có 200.000 USD trong tài khoản và mức lương hơn một trăm nghìn USD mỗi năm.
Tôi tốt nghiệp Đại học Washington vào tháng 12/2010 với bằng tiến sĩ ngành kỹ sư điện và gánh khoản nợ 80.000 USD.
Tôi quyết định nghỉ một thời gian ngắn sau chặng dài miệt mài học tập. Tôi đã kiệt sức và cần tìm hiểu xem điều gì làm mình hào hứng khi bắt tay vào nghề kỹ sư. Lúc đó, hầu như tôi chỉ muốn ngủ.
Tôi đã sống bằng khoản còn lại của số tiền vay đi học. Hầu hết khoản nợ của tôi đều là vay từ trước khi tốt nghiệp nhưng tôi đã vay thêm một khoản nữa sau đó để lo thủ tục ly dị với người chồng đầu tiên.
Ảnh minh họa: Evelynjgreen. |
Sau khoảng 9 tháng ra trường, tôi nhận công việc làm nghiên cứu sinh. Tôi chỉ nhận lương 40.000 USD một năm - chẳng hề tương xứng với bằng cấp và bao năm tháng đã học tập. Nhưng không dễ dàng tìm được việc trong lĩnh vực này vì tôi chưa có kinh nghiệm.
Tôi chỉ trả được khoản tối thiểu cho món nợ của mình. Tôi rất lo là sẽ chẳng bao giờ trả xong số tiền này nhưng cũng luôn cố nhắc nhở bản thân: "Mình sẽ trả hết nợ".
Tôi sống tằn tiện. Tôi luôn ở chung phòng để tiết kiệm tiền thuê nhà. Có lúc, tôi còn sống chung với 5 người trong một căn hộ 5 phòng ngủ, hai nhà vệ sinh. Tiền thuê nhà tôi phải trả thường khoảng 500-600 USD/tháng. Ăn hàng là quá xa xỉ nên tuần tôi chỉ ra ngoài ăn 2-3 lần. Pizza đông lạnh luôn làm bạn với tôi những ngày cơ cực ấy.
Sống tằn tiện không có gì khó khăn với tôi bởi tôi lớn lên trong một gia đình nghèo khó. Bố tôi là công nhân xây dựng và gia đình tôi hồi đó chưa bao giờ đủ tiền để thuê nhà. Đôi khi, chúng tôi còn không có điện mà dùng (vì trả tiền chậm). Khi lên 8 tuổi, chúng tôi bị đuổi khỏi nhà vì không có tiền trả. Mọi thứ chúng tôi có được đều từ các cửa hàng bán đồ cũ. Trong đầu tôi khi ấy, chỉ những ai trong phim mới mua đồ từ các cửa hàng to đẹp. Tôi biết nhà mình nghèo. Những đứa trẻ khác trêu trọc vì tôi mặc quần áo cũ rích. Một số bạn bè cười chê vì tôi không đủ tiền đi xem phim. Nhưng những điều đó mang tới cho tôi động lực để quyết tâm đi học và thoát nghèo.
Vào tháng 5/2012, tôi chuyển tới sống với người chồng thứ hai và bắt đầu trả nợ. Tiền thuê nhà của tôi giảm xuống (do có chồng góp cùng) và chi phí thực phẩm cũng vậy. Tôi không nấu ăn nhưng chồng tôi làm việc đó và chúng tôi ăn uống rất đơn giản. Thu nhập mỗi tháng của chúng tôi khoảng 4.169 USD và chi phí hết hơn 3.000 USD. Số còn lại dùng để trả khoản nợ của tôi.
Năm sau đó, mọi thứ thay đổi đáng kể. Tôi được thăng chức lên làm quản lý dự án và lương tăng gấp đôi. Tôi đã cố gắng hết sức thương lượng cho việc tăng lương này. Người ta dự định phải thuê thêm nhân công bên ngoài thì tôi nhận việc đó và giúp tiết kiệm ngân sách cho cơ quan. Tôi đã thành công khi yêu cầu được trả mức lương mới là 80.000 USD mỗi năm.
May mắn thêm nữa là, tôi đã tránh được thói chi tiêu nhiều khi có lương cao. Tôi từng nghèo quá lâu nên đã quen với lối sống đó. Nguyên tắc ngân sách của tôi lúc ấy là: Không mua đồ. Hầu hết các đồ tôi và chồng có là từ các cửa hàng đồ cũ giá rẻ hay tái sử dụng những món đồ mình đã dùng từ nhiều năm. Chúng tôi bắt đầu trả được 4.000 USD mỗi tháng cho món nợ của tôi và tôi đã thanh toán hết khoản này vào tháng 8/2014. Gánh nặng nợ nần biến mất.
Tôi mang thai đứa con đầu lòng vào thời gian đó và thấy mừng vì con chào đời trong gia đình không có khoản nợ nào, mọi thứ ổn định. Đó là điều thực sự ý nghĩa.
Hai tháng trước, tôi nhận công việc mới với mức lương cao, 105.000 USD mỗi năm và một khoản phụ cấp nữa. Tôi thậm chí đã thương lượng để có thể làm việc vào giờ linh hoạt vì muốn dành nhiều thời gian cho con. Vợ chồng tôi dành riêng một khoản 3.000 USD mỗi tháng để góp mua một căn nhà. (Chồng tôi là kỹ sư phần mềm nên lương của anh ấy cũng là hàng trăm nghìn USD). Tôi cảm thấy mình đã chiến thắng số phận nghèo đói.
Nhưng điều buồn cười là, bạn kiếm được càng nhiều tiền thì càng thực sự khó nói chuyện cởi mở về tiền. Khi tôi và bạn bè đều nghèo khó, chúng tôi có thể thoái mái chia sẻ với nhau về tiền bạc bởi vì chúng tôi đều tay trắng. Nhưng mọi thứ thay đổi thật lạ khi tôi có chút địa vị kinh tế xã hội. Tôi rất sợ những lời dè bỉu kiểu như "cậu giàu rồi" và mọi người nghĩ rằng cuộc sống của tôi giờ dễ dàng lắm, có thể thích gì mua nấy và toàn đồ xịn. Việc này khiến tôi rất buồn. Tôi không muốn có sự ngăn cách giữa mình với bạn bè chỉ vì mình giàu lên.
Vương Linh
Post a Comment