Theo tin từ phòng Cấp cứu Khoa Nhi- Bệnh viện Bạch Mai, trong một tháng qua, khoa đã tiếp nhận 3 trẻ dưới 5 tuổi bị rắn cắn.
Mới nhất là bệnh nhân 4 tuổi ở Bắc Ninh được đưa đến với vết cắn ở mu bàn chân gây sưng nề. Loại rắn cắn bệnh nhi này là rắn lục đuôi đỏ. Hai bệnh nhi khác ở Nam Định cũng bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Do được đưa đến viện sớm, cả 3 trẻ đều tỉnh táo, nhanh chóng được truyền huyết thanh kháng nọc rắn nên hồi phục nhanh, sau một tuần điều trị đã được xuất viện.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo, hiện đang là mùa rắn cắn, số bệnh nhân cả người lớn, trẻ em bị rắn cắn tăng lên. Đa phần bệnh nhân bị rắn cắn bất ngờ khi đang chơi đùa trên bãi cỏ, làm vườn… giẫm vào rắn.
Rắn lục đuôi đỏ rất nguy hiểm (Ảnh minh họa) |
“Các bậc phụ huynh cần chú ý đến con, không để trẻ em chơi đùa ở những khu vực rậm rạp như bụi cây, đống lá rụng, khu vực xếp củi khô, gạch… bởi đây thường là những nơi cư trú của rắn. Khi làm vườn nên đi ủng”, PGS.Dũng nói.
Các bác sĩ khuyến cáo, cần phát quang xung quanh khu vực sinh sống, khi ngủ cần mắc màn, chèn kỹ để rắn không bò vào, cắn người trong khi ngủ.
Theo PGS.Dũng, khi bị rắn độc cắn, cần rửa vết thương, cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn tránh gây chèn ép khi chi sưng nề cho bệnh nhân. Đặc biệt, không để bệnh nhân tự đi lại, bất động chi bị cắn bằng nẹp.
Trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn, tuyệt đối không chích rạch tại vết cắn, thay vào đó có thể nặn hút máu tại vết cắn để loại trừ bớt nọc độc…
N.G
Post a Comment