Mắc ung thư là nhận “án tử”?

Thời gian gần đây, nhiều người đang khỏe mạnh bỗng nhiên phát hiện ra mình bị ung thư. Không chỉ người bệnh mà người nhà cũng suy sụp vì nghĩ rằng, cứ mắc bệnh ung thư là nhận “án tử”.

Các bác sỹ cũng cho rằng, bệnh nhân ung thư thường trải qua 5 giai đoạn: Phủ nhận, phẫn nộ, thương lượng, trầm cảm, chấp nhận. Nhiều người lẩn tránh việc điều trị vì lo lắng. Thậm chí có người còn muốn kết thúc cuộc sống của mình càng nhanh càng tốt để tránh những tổn thương cho gia đình mình.

Câu chuyện về bà Hoàng Thị V. (52 tuổi, tại Mỹ Đức, Hà Nội) là một ví dụ. Cách đây 3 năm, bà V. phát hiện ra mình bị ung thư vú. Vì đi khám một mình nên bà cũng không nói cho gia đình biết.

“Đau đớn, bàng hoàng và tuyệt vọng, đó là tâm trạng của tôi khi được bác sĩ thông báo mình bị ung thư vú. Tôi cứ lẳng lặng dùng một vài thứ lá cây mà người dân kháo nhau có thể chữa được ung thư. Và chấp nhận cái chết sẽ đến với mình”, bà V. chia sẻ.

Nhưng bệnh tình không những không thuyên giảm mà còn tiến triển xấu hơn. Khi mọi người trong gia đình phát hiện ra, ai cũng sốc. Căn nhà bao phủ một không khí ảm đảm, không ai nói với ai câu nào. Gia đình bà xưa nay chưa ai phải đối mặt với căn bệnh ung thư, giờ thực sự là một cú sốc.

Cú sốc lớn khi tôi phát hiện ra mình bị ung thư (ảnh minh họa).

Chị Nguyễn Thị Ng. (27 tuổi) con dâu bà V. cho biết: “Khoảng thời gian đó, gia đình tôi ai cũng bàng hoàng, nhất là mẹ chồng tôi. Bà tự khóa trái cửa, nhốt mình trong phòng. Bà gần như tuyệt thực và chỉ khóc. Cho dù gia đình có động viên an ủi rất nhiều nhưng mẹ tôi vẫn nhất quyết không mở cửa. Hằng đêm, gia đình tôi lại nghe thấy tiếng nấc nghẹn của bà.

Được vài ngày, vì quá lo lắng cho bà nên gia đình tôi đã quyết định phá cửa. Tôi đau lòng vô cùng khi thấy mẹ chồng mình ngồi một góc phòng, không còn một chút sức lực nào. Quá hoảng sợ, gia đình tôi vội vàng đưa đến bệnh viện”.

Cũng theo chị Nga, không chỉ có gia đình mà bạn bè, dân làng hàng xóm ai cũng tỏ vẻ xót xa. Bởi bà V. đang khỏe mạnh, làm việc quần quật suốt ngày thì làm sao có thể mắc căn bệnh ung thư quái ác đó.

“Vào lúc ấy, bác sỹ nói, chỉ cần tế bào ung thư di căn, chắc chắn tôi sẽ chết. Tôi vẫn nhớ như in những ngày điều trị tại bệnh viện, tôi thực sự suy sụp, khủng hoảng”, bà V. chia sẻ.

Lấy niềm tin chiến thắng bệnh tật

Quả thực, những ngày đầu, bà đau đớn bàng hoàng, không tin vào những gì mình nghe thấy mà cứ hỏi đi hỏi lại: “Bác sỹ có chắc không? Bác sỹ có nhầm lẫn gì không? Làm sao tôi lại bị ung thư được?”

Căn bệnh đến bất ngờ và thay đổi cuộc đời bà mãi mãi. Gia đình bà cũng vậy. “Ban đầu, gia đình đưa tôi vào viện K để kiểm tra lại. Sau khi bác sỹ nói tôi cần cắt bỏ một phần ngực của mình, tôi thực sự choáng hơn. Thà cứ để như vậy, chịu đau một chút còn hơn để dao kéo can thiệp vào người. Tôi một mực đòi về.

Các bác sỹ tại viện K nói rằng, nếu tôi không điều trị theo phác đồ thì bệnh sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Họ cũng đưa ra một vài ví dụ ung thư vú điều trị khỏi bệnh. Cộng với sự động viên của gia đình khiến tôi dũng cảm đối mặt với nó”.

Dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần nhưng bà cũng không ngờ quá trình chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác lại khó khăn đến vậy. Phải cắt bỏ phần ngực, sau đó là xạ trị và cuối cùng là hóa trị.

Nói chuyện với PV, bà V. cho biết, nhiều lần bà đã nản lòng không muốn làm tiếp nhưng chồng bà là người luôn bên cạnh động viên bà vượt qua nỗi đau thể xác để tiếp tục được điều trị vì ngừng điều trị nghĩa là chết.

Hơn 3 năm qua, dù điều trị có đau đớn đến đâu nhưng khi nghĩ đến nụ cười hồn nhiên của những thành viên trong gia đình, bà lại có thêm hy vọng và sức mạnh đi tiếp.

“Tôi luôn luôn lấy niềm tin để chiến thắng bệnh tật và để hiểu rõ hơn về “kẻ thù” mình đang đối diện,ư tôi chăm chỉ luyện tập thể dục, nghe theo sự hướng dẫn của bác sỹ điều trị và tìm đọc tất cả các loại sách về ung thư”, bà V. chia sẻ.

Phương Quỳnh

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top