Loài vật này thuộc họ Cánh cụt (Staphylinidae), bộ Cánh cứng (Coleoptera), lớp Côn trùng (Insecta), ngành Chân đốt (Arthropoda). Trên thế giới đã phát hiện được hơn 46.000 loài, 3.200 giống, 31 phân họ, trong đó 2/3 số loài sống ở vùng nhiệt đới.
Trao đổi với PV Báo Người Đưa Tin, PGS.TS. Nguyễn Văn Châu (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương) cho biết: “Đặc điểm của nước Việt Nam là vùng nhiệt đới khí hậu nóng ẩm cho nên các loài kiến khoang trong giống Paederus thường gặp nhất. Trong dân gian thường gọi là kiến khoang, kiến lác, kiến gạo, kiến cong đít...Kiến ba khoang xuất hiện nhiều nhất vào mùa thu đông (từ tháng 9 đến tháng 12).
Chúng ẩn náu ở ven ruộng, gần vùng nước, ruộng rau và sinh sản trong các đống thực vật mục nát có nhiều chất mùn như rơm rạ, cỏ mục, cành cây…
“Kiến ba khoang rất nhạy cảm với ánh sáng vì thế chúng thường bị thu hút bởi bóng đèn. Chúng bay vào trong nhà, sau đó không biết đường ra và đậu vào giường chiếu, quần áo hay thậm chí rơi lên cổ, mặt, phần hở thân mình của người đứng dưới ánh đèn”.
Kiến ba khoang có độc tố gấp 15 lần rắn hổ mang. ảnh internet |
Loài kiến ba khoang không đốt người vì phần phụ miệng kiểu nghiền và đuôi không có bộ phận chích hút, nhưng trong cơ thể côn trùng này có chứa độc tố (pederin). Chất này độc gấp 12 lần nọc độc rắn hổ mang, khi bị dập nát, độc tố trong cơ thể kiến dây lên da gây hiện tượng phồng rát và viêm da.
Chuyên gia côn trùng học chia sẻ rằng: “Khi làm việc dưới ánh đèn vào buổi tối, con người cần tránh phản xạ quệt tay khi có cảm giác côn trùng rơi vào cổ, mặt. Nếu thấy kiến bò trên da người thì không nên đập giết chúng để hạn chế chất độc lan rộng.
Người dân cần thổi nhẹ để kiến bay xuống đất, sau đó dùng giấy ăn khô để giết kiến. Nếu lỡ đập chết kiến ba khoang cần rửa sạch bằng xà phòng bàn tay và vùng da dính độc tố càng nhanh càng tốt”.
Trước khi sử dụng chăn màn, khăn mặt hay quần áo cần chú ý giũ mạnh hoặc khua khoáng nhiều lần phòng trừ côn trùng ẩn náu trong đó. Do tính ưa ánh sáng đèn nên có thể áp dụng đèn huỳnh quang để ngoài cửa để dẫn dụ và tiêu diệt kiến ba khoang.
Chúng ta có thể để chậu nước dưới bóng đèn khiến kiến lao vào khi thấy bóng sáng đèn dưới nước. Chú ý đeo bao tay khi xử lý xác kiến. Nếu nhiều kiến ba khoang cần phun hóa chất diệt: chlorpyrifos + deltamethrin.
Sự nguy hiểm mà kiến ba khoang tạo ra cho con người. Ảnh internet |
“Tuy nhiên đây là biện pháp tình thế vì chỉ có hiệu quả sau 24 – 48 giờ. Điều quan trọng nhất là phải vệ sinh môi trường, xung quanh nơi ở, gom xác cây mục, cỏ khô đem đốt để xua đuổi, diệt nơi cư ngụ và sinh sản của kiến ba khoang”, PGS.TS. Nguyễn Văn Châu chia sẻ.
Tuy có thể gây hại cho con người, nhưng bản thân kiến ba khoang đóng vai trò quan trọng trong đấu tranh sinh học để phòng chống một số côn trùng nơi ruộng lúa và góp phần cân bằng sinh học trong thiên nhiên.
Được biết, triệu chứng khi bị kiến ba khoang đốt (Theo Viện Da liễu Trung ương): Khi bị kiến ba khoang đốt, ban đầu bệnh nhân thấy hơi ngứa rát, căng da, biểu hiện đỏ một vùng da. Sau 6-12 giờ thành một đám hơi nề, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều 1-5mm, 1-3 ngày sau thành phỏng nước phỏng mủ.
Lúc này thấy cảm giác đau, rát càng tăng. Có thể kèm theo ngây ngấy sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương. Nếu tổn thương ở gần mắt có thể sưng húp cả 2 mắt, 2-3 ngày mới đỡ, ở bẹn có thể nổi hạch bẹn sưng đau đi lại khó.
Các phỏng mủ tiến triển ngoài 3 ngày thì đóng vẩy tiết khô dần, khi rụng vẩy để lại vết xẫm màu, toàn bộ đợt tiến triển có thể kéo dài 5-20 ngày. Có một số ít bệnh nhân chỉ nổi vết đỏ, lấm tấm mụn nước nhỏ hơi ngứa lặn sau 3-5 ngày, không thành phỏng nước phỏng mủ.
Cách điều trị:
- Khi bắt đầu thấy rát ở một vùng da có thể rửa vùng đó bằng nước muối, xà phòng... để ngăn không nổi thành phỏng nước, phỏng mủ.
- Dùng các dung dịch dịu da, sát khuẩn nhẹ như dung dịch Jarish, oxýt kẽm, mỡ kháng sinh.
- Nếu mủ nhiều, đau có thể dùng kháng sinh chung, kháng Histamin tổng hợp, thuốc giảm đau có thể dùng corticoid bôi hoặc đường toàn thân.
Công Đức
Post a Comment