Trong ngôi nhà bày trí đậm phong cách trí thức ở Cầu Giấy (Hà Nội), ông Bùi Khắc Cư (83 tuổi) ngồi sát vợ, vừa ôm vừa dành cho bà ánh mắt âu yếm. "Hồi còn trẻ bà ấy là 'hoa hậu' ở Vinh đấy", người đàn ông với nước da hồng hào, mái tóc bạc phơ, đặc biệt đôi tai to và chất giọng sang sảng nói. Cụ bà đẹp lão tủm tỉm cười hiền hậu.

Nghỉ hưu đã hơn 20 năm nay, ông Bùi Khắc Cư - từng là trợ lý thứ trưởng Bộ Giáo dục - vẫn đang điều hành vài tổ chức giáo dục. Ông vẫn phong độ như thời trai trẻ, vẫn lái xe ôtô, vẫn sôi nổi hào hứng với mọi việc và đặc biệt chưa bao giờ hết yêu và lãng mạn với vợ mình - bà Minh Châu.

cu-ong-83-tuoi-khong-ngai-hon-vo-chon-dong-nguoi

Đến giờ ông Cư vẫn lưu giữ được 4 tập thư và 8 cuốn nhật ký ông viết trong thời yêu và mới cưới. Ông cũng giữ cả trăm bức ảnh của ông bà từ ngày đó đến giờ. Ảnh: Phan Dương.

"Càng ở chốn đông người, ông ấy càng không ngại thể hiện tình cảm với tôi", bà Châu, từng công tác trong Bộ Tài chính cười tiết lộ. Theo bà, gần 60 năm bên nhau, ông Cư vẫn không thôi làm thơ, ca hát, viết thư và ghi nhật ký về vợ.

Mới đây thôi, trang Facebook của ông vừa đăng bức ảnh bà bên chiếc xe tập, cùng lời nhắn nhủ: "Mua tặng em chiếc xe, hàng ngày chịu khó đạp để phòng chống suy giãn tĩnh mạch. Cố lên em nhé!".

Video: Ông hát tặng bà

Tình yêu của ông bà nảy nở trong thời chiến một cách trong veo. Ngày ấy, ông Cư là chàng trai khóa trên trường Huỳnh Thúc Kháng (Vinh, Nghệ An), nổi tiếng hào hoa. Bà Châu là cô em học dưới hai khóa, có nụ cười lém lỉnh. Năm ông Cư đi học đại học thì bà Châu cũng phải nghỉ để phụ giúp bố mẹ nuôi 10 người em. Sau 5 năm cách biệt, ông Cư tình cờ gặp lại cô bé ngày nào trong buổi xem văn công.

Đó cũng là đêm nghỉ hè cuối cùng của chàng sinh viên năm cuối, sắp phải về Hà Nội. Do đang làm nhiệm vụ ở bến xe nên bà Minh Châu xung phong mua vé giúp ông Cư. Hai ngày tận mắt chứng kiến cảnh nàng chạy vạy kiếm vé cho mình và công việc kiểm hàng vất vả, ông Cư vô cùng thương xót. Những tình cảm nhanh chóng nảy nở trong lòng. Suốt hai ngày sau đó, ngồi trên xe ra Hà Nội mà hình bóng cô gái cứ choán hết tâm trí ông và bức thư tình đầu tiên cho bà ra đời ngay trên chuyến xe đó.

Trong cuốn nhật ký cũ sờn, ngày 29/4/1956, ông Cư đã viết về những rung động đầu đời.

"Ta còn nhớ rất rõ - rõ lắm cơ - đêm ấy trời không sáng lắm đâu, ngồi sau ta rồi lên ngồi cùng hàng với ta một cô gái nhỏ nhắn với chiếc áo phin trắng nõn nà...

Trời không sáng nhưng ta nhìn rõ em lắm. Tuy vẫn nhỏ nhắn nhưng đã ra dáng thanh nữ lắm rồi. Khuôn mặt em tròn trĩnh với mái tóc thề, đôi mắt em mở to đen lay láy. Tiếng em nói dịu dàng, nét mặt em hiền hậu. Tất cả những nét đó tự nhiên đã gieo vào lòng ta một cảm giác êm đềm và khoan khoái"... (Xem thêm nhật ký tình yêu chớm nở tuổi 20).

tinh-yeu-tron-tria-6-thap-ky-cua-ong-cu-va-ba-chau

Có thời điểm gia đình bà Châu không đồng ý chuyện tình cảm của hai người vì nghĩ ông Cư công tác xa quê. Nhưng tình yêu của đôi trẻ đã thuyết phục được gia đình. Ảnh: NVCC.

Từ đó, những cánh thư tay từ Hà Nội về Vinh và ngược lại góp phần nuôi dưỡng hạt mầm tình yêu của họ. Đến cuối năm đó hai người chính thức xác định mối quan hệ. Cũng trong dịp này, ông Cư biết tin bố của bà Châu - là giám đốc tài chính liên khu IV - ra Hà Nội họp. Đánh liều đến thăm, chàng sinh viên mạnh dạn thưa chuyện mình đã cảm mến người con gái cả của vị giám đốc này.

Sau 9 tháng yêu nhau, đám cưới của đôi uyên ương diễn ra giản dị mà ấm cúng. Nhớ lại ngày 3/8/1957 ấy, ông Cư đặt tay bà vào lòng bàn tay mình, siết nhẹ: "Đêm tân hôn có một chuyện cười ra nước mắt, đó là do sợ có con sớm, bị đàm tiếu mà em đã cấm vận tôi 10 ngày. Lạ là tôi ngoan ngoãn nghe lời, nằm ôm em ngủ ngon lành".

Sau ngày cưới, ông Cư ra Hà Nội công tác tại Trường trung cấp Nông lâm, một năm sau vợ mới ra theo, công tác ở Sở tài chính. Cuộc sống tự lập thời bao cấp của đôi vợ chồng trẻ bắt đầu với bao khó khăn, thiếu thốn.

Họ đã ở trong căn phòng từng có người tự tử, không ai dám ở, rồi được cấp một căn nhà tí hon từng là... nhà vệ sinh, hay một căn nhà 20m2 khác dùng rido ngăn đôi cho hai cặp vợ chồng trẻ. Mãi năm 1979, cơ quan ông Cư mới phân cho họ một căn hộ tập thể ở Thành Công.

Những khóa học nâng cao trình độ, những lần đi lao động sản xuất hay cả những chuyến tu nghiệp ở nước ngoài... không ngăn cách được tình yêu mãnh liệt của đôi vợ chồng. Thời gian này vẫn những cánh thư tay, vẫn những trang nhật ký đã giúp nuôi dưỡng tình yêu của ông bà.

cu-ong-83-tuoi-khong-ngai-hon-vo-chon-dong-nguoi-2

Ông Cư không ngại thể hiện tình yêu với vợ ở chốn đông người. Đây là nụ hôn kỷ niệm 40 năm ngày cưới tháng 8/1997. Ảnh: NVCC.

Vẻ ngoài bảnh bao và tính tình hào sảng đôi khi khiến ông Cư rơi vào khó xử vì được phái nữ cảm mến. Nhưng lúc đó tình yêu và cách hành xử khéo léo của bà Châu đã giữ gia đình êm ấm. "Cuộc sống của gia đình chúng tôi thỉnh thoảng cũng bị những đám mây đen bao phủ, nhưng thường chỉ kéo đến 'ngoại thành' là mây đen đã bị đánh tan", ông ví von. Ông Cư yêu vợ và trân trọng bà nhiều hơn vì những điều đó nữa. 

Khó khăn dần qua khi 3 con đã trưởng thành. Ông Cư chuyển công tác qua nhiều cơ quan, chức vụ, từ làm thầy giáo, nhà báo, đến làm trợ lý Thứ trưởng Bộ giáo dục. Nghỉ hưu hơn 20 năm nay, ông vẫn đam mê nghiên cứu khoa học, còn bà hoạt động chính quyền phường xã.

Chùm ảnh: Tình yêu tròn trịa của vợ chồng ông Cư

Chia sẻ về bí quyết sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long, ông Cư tâm sự: "Để được hạnh phúc đến ngày nay thì trước hết là đáp ứng được tối đa các nhu cầu của bà. Bà cần đi siêu thị, đi thăm con cái, bạn bè…thì tôi luôn sẵn sàng, mời bà lên xe. Về phần tôi, luôn vui vẻ và tự giác chấp nhận sự chăm sóc theo ý của bà trong ăn uống, giặt giũ hàng ngày", ông cười và kể thêm về nhiều lần bị bà ép ăn nhưng phải "ngoan ngoãn" chấp hành.

Đôi vợ chồng đã cùng nhau kỷ niệm 40 năm, rồi 50 năm ngày cưới trong nụ hôn say đắm, trước sự chứng kiến của gia đình, bằng hữu. Họ cũng hy vọng sẽ được làm điều tương tự trong đám cưới kim cương cùng sinh nhật vợ lần thứ 80 trong năm 2017 tới. Một tháng trở lại đây ông tỉ mỉ biên tập hàng trăm tấm ảnh để làm một video về tình yêu của hai người sáu thập kỷ qua.

Kỳ Nam - Phan Dương

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top