Thông tin gần 70% nước mắm chứa asen (thạch tín) vượt ngưỡng quy định vừa được hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố khiến không ít người tiêu dùng hoang mang và lo lắng.

Công bố trên chỉ ra, khảo sát 150 mẫu nước mắm đóng chai cho thấy hơn 50% độ đạm thấp hơn công bố. Đáng chú ý, độ đạm càng cao, tỉ lệ nhiễm asen càng lớn. Cụ thể 95,65% mẫu có độ đạm từ 40 trở lên đều có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định.

Công bố nước mắm chứa thạch tín vượt ngưỡng khiến không ít người lo lắng.

Trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - ĐH Bách Khoa Hà Nội thẳng thắn cho rằng: “Thông tin nước mắm vượt ngưỡng chứa asen (thạch tín) vượt ngưỡng quy định của hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng rất mập mờ.

Mập mờ ở chỗ không công bố cụ thể asen ở đây là vô cơ hay hữu cơ. Bởi asen vô cơ rất độc hại còn asen hữu cơ gần như vô hại. Thông tin không rõ ràng này sẽ khiến người dân không dám ăn mắm và hoang mang.

Công bố trên khiến người dân ngầm hiểu nước mắm đóng chai bán trên thị trường hiện nay rất độc. Bởi, từ trước đến nay thạch tín là chất rất độc dùng để làm thuốc diệt chuột...

Thực tế, nước mắm nguyên chất làm từ cá, mà trong cá đã có chứa sẵn hàm lượng asen hữu cơ cao. Và asen hữu cơ cũng sinh ra trong quá trình hải sản tự phân hủy. Như vậy, không phải cứ nước mắm chứa asen là độc.

Độc hay không phải chỉ ra trong thành phần nước mắm nhiễm asen vô cơ là bao nhiêu? Nếu nắm nhiễm asen vô cơ thì cực độc đối với sức khỏe con người. Thông tin đó mới quan trọng, nhưng công bố chưa đưa ra được”.

PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh.

Không chỉ công bố chung chung, mập mờ gây hoang mang dư luận, mà việc lấy mẫu cũng chưa đúng quy trình.

“Việc khảo sát với 150 mẫu đã đưa ra thông tin về quy trình lấy mẫu là chưa khách quan và khoa học. Việc khảo sát mẫu mắm phải lấy mẫu nhiều lần, tại nhiều nơi và cách lấy mẫu, phân tích phải chuẩn.

Ngoài ra, lấy mẫu khảo sát cần làm nhiều lần, số mẫu trên chỉ là thăm dò chứ chưa thể kết luận vội vàng được. Và việc công bố trên là quá vội vàng và không thuyết phục dễ gây hiểu lầm và tác động xấu đến xã hội”, chuyên gia Nguyễn Duy Thịnh nói.

Sợ độc, nhiều người đã tìm mua nước mắm truyền thống về ăn.

Trước thông tin gây hoang mang trên, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh cũng khuyến cáo: “Người tiêu dùng không nên lo lắng nước mắm chứa asen là độc, gây ung thư. Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng có quyền làm và nên làm đối với các sản phẩm liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng. Nhưng lần này đưa ra kết luận là vội vàng.

Lẽ ra trước khi công bố, Hội nên kết hợp với cục ATVSTP (bộ Y tế), cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (bộ NN&PTNN) thì thông tin sẽ đảm bảo tính khoa học và chính xác tránh gây ảnh hưởng dư luận xấu”.

Vũ Phương

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top