Vợ dặn, cứ khi nào em kêu đau bụng, anh phải đưa em đến bệnh viện ngay. Vì thế anh Tùng (Thanh Nhàn, Hà Nội) luôn sẵn sàng trong tư thế trực chiến, nằm lòng câu khẩu hiệu "cứ đau là chạy". Ai ngờ hôm đó, vợ anh ôm cái nhà vệ sinh, nhăn nhó kêu đau vì khó chịu do mãi không đi ngoài được, chứ chẳng phải đau đẻ gì. Đó chỉ là một trong 3 lần anh Tùng gặp phải "báo động giả" trong thời gian vợ ở nhà chờ sinh.
Một lần khác, khi anh đang họp ở công ty, bỗng nhận được tin nhắn của vợ "em đau bụng theo từng cơn, giống triệu chứng sắp sinh, chồng về ngay đi". Anh lại tức tốc phi về nhà, xách giỏ hành lý, hộ tống vợ vào viện. Khám xong xuôi, bác sĩ nói vẫn chưa có cơn co, dự tính 2 tuần nữa mới sinh, nhiều khả năng đau bụng do rối loạn tiêu hóa. Lúc này vợ anh mới cười hì hì, thú thật "có làm chục cái nem chua buổi sáng" vì thèm quá.
Một tuần trước ngày dự sinh, anh Tùng lại được phen hốt hoảng vì đang ngủ, vợ dậy đi WC rồi hốt hoảng vì thấy ra máu báo. Đọc trên mạng thấy đây là dấu hiệu sắp sinh, hai anh chị lại dắt díu nhau vào viện, chắc mẩm sáng sẽ đẻ luôn. Thế nhưng 3 ngày trong viện, vợ anh vẫn không có dấu hiệu đau bụng, không mở tử cung nên bác sĩ lại cho về.
3 lần đi đẻ hụt khiến ông bố 27 tuổi có phần mệt mỏi. Đến hôm vợ kêu đau thật, anh không vội vã, cũng chẳng lo lắng như những lần trước mà bình thản ngồi tra hỏi: "Hôm nay em có ăn gì lạ không? Có làm chục trứng lộn, sushi hay bò nhúng dấm không? Chắc đau đẻ thật mới đi đấy nhé".
Nghe thấy chồng hỏi dồn dập, vợ anh cũng "chột dạ", vì lần đầu sinh con đã biết thế nào là "đau thật, đau giả" đâu. Thế là khi cơn đau dồn dập kéo đến, chị vẫn cố chịu ở nhà. Đến lúc đau toát mồ hôi, chị mới gọi chồng. Hai người tức tốc vào viện, chị đã mở được 7 phân và được chuyển thẳng vào phòng đẻ. Bác sĩ nói chỉ cần muộn một chút là chị có thể sinh trên đường. Anh Tuấn tái mặt, lòng áy náy vô cùng. Suốt hơn một tiếng chờ vợ đẻ, anh không dám nói một câu nào với bố mẹ hai bên. Chỉ đến khi ôm đứa con bé bỏng trên tay, anh mới thở phào, mừng rơi nước mắt.
Một bức ảnh nằm trong bộ ảnh từng gây sốt "Cùng vợ vượt cạn" của nhiếp ảnh gia Đà Lạt Phạm Anh Khoa. |
Cũng rơi vào hoàn cảnh gần giống như anh Tùng nhưng anh Đức Cường (Hòa Bình) còn "thảm" hơn. Vợ anh dự kiến thai to, tràng hoa quấn cổ 3-4 vòng, lại có tiền sử huyết áp nên anh cẩn thận đưa vợ xuống Hà Nội khi ngày dự sinh sắp đến gần. Một tuần ở trong bệnh viện chăm vợ, anh cũng dần kiệt sức vì chẳng có chỗ ngủ, suốt ngày phải vạ vật hành lang, ghế đá, sút 3 cân.
Vốn đã gày guộc, thiếu ngủ, lại thêm đầu óc rối bù, chẳng tắm gội chỉn chu nên trông anh xác xơ, không khác gì mấy ông nghiện. Thế là lần nào đi qua cửa, bảo vệ cũng nhìn anh từ đầu đến chân. Có lần một anh bảo vệ yêu cầu kiểm tra cái túi đen anh mua vào cho vợ, vì nghi trong đó có kim tiêm hay chất cấm. Anh nhất quyết không cho xem, họ lại càng nghi ngờ. Mãi về sau, anh đành chấp nhận mở túi ra, trong ánh mắt ngượng ngùng của cả mấy người vì đó là mớ quần lót dự trữ cho bà đẻ.
Đến lúc vợ đẻ thật, thì anh Cường đang bận "ngủ bù" ở ghế đá công viên do đêm trước thức trắng. Điện thoại hết pin anh cũng không để ý, ngủ mê mệt liền 5 tiếng. Lúc anh tỉnh dậy, trời đã lờ mờ tối. Anh tức tốc chạy về phòng vợ nằm thì không thấy đâu, sốt ruột chạy khắp nơi đi tìm vừa đi vừa mếu máo "Vợ em đâu rồi". Đến khi đi qua phòng sau sinh, anh mới tá hỏa vì thấy mẹ vợ đang bế cháu. Bị mọi người mắng té tát, anh chỉ biết cười hì hì nhìn cô công chúa đáng yêu đang say ngủ.
Một năm sau khi sinh con trai đầu lòng, anh Trung Kiên (Hà Đông) vẫn nhớ như in ngày vợ trở dạ. Vốn tính hài hước, lại nghe người ta nói khi mang bầu phụ nữ phải vui vẻ nên anh rất chăm sưu tập chuyện vui trên mạng để kể cho vợ nghe.
Hôm đó chủ nhật trời mưa gió, hai vợ chồng ở nhà không biết làm gì. Anh lại lên mạng tìm chuyện kể cho vợ. Vừa kể anh vừa diễn: "Người ta bảo mổ đẻ như mổ gà thôi. Em có thấy con gà anh hay làm thịt không? Đấy, em cứ xem như mình là con gà là được rồi. Mà như con gà trống thiến ý, thiến xong nó vẫn chạy phăm phăm đi tìm mái đó thôi".
Vừa nghe chồng kể, vừa thấy anh diễn lại động tác như đang mổ gà, chị Huyền cười như nắc nẻ, cười lăn lộn mãi không dứt. Lúc sau, tự dưng chị thấy lên cơn đau bụng, mỗi ngày một dồn dập. Anh Kiên vội vã đưa chị vào bệnh viện. Bác sĩ nói tử cung đã mở được vài phân, phải nhập viện ngay. Chị sinh sớm gần 4 tuần, nhưng rất may em bé vẫn mạnh khỏe và nặng hơn 3 kg.
Khi kể lại chuyện, nghe bác sĩ phân tích, anh mới biết mình đã góp phần khiến vợ đẻ sớm. Bởi các thai phụ được khuyến cáo tránh cười nhiều, cười to vì nó làm cho cơ bụng co thắt mạnh, ảnh hưởng đến thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc sinh non. Anh Kiên tự hứa với bản thân "tập 2" sẽ không khiến vợ phấn khích nhiều như thế nữa.
Nhiều ông bố căng thẳng tột độ cho đến khi thấy con chào đời. Ảnh: Vương Đức Vũ. |
Mỗi lần nhắc đến chuyện sinh con, chị Quỳnh Anh (Văn Điển, Hà Nội) không giấu được vẻ hài hước trên khuôn mặt. Chị kể chồng chị đăng ký vào phòng xem vợ đẻ vì muốn được chứng kiến giây phút thiêng liêng con chào đời. Lúc chị được các bác sĩ hướng dẫn rặn, anh đã sợ tái mặt, mồm chỉ lí nhí: "Cố lên, vợ ơi". Đến giai đoạn cao trào, vợ gào thét đau đớn, anh mồ hôi vã ra như tắm, bấu tay hộ lý: "Trời ơi, vợ em đau quá, vợ em có chết không bác sĩ ơi? Bác sĩ ơi, cứu vợ em đi. Cho vợ em liều giảm đau không cô ấy không chịu nổi đâu".
Cứ mỗi lần vợ lấy hơi rặn, mặt chồng chị lại xìu xuống, rồi anh cũng hít vào, thở ra y như chị, khiến các hộ lý không nhịn được cười. Sau 30 phút vò đầu, bứt tóc, mặt tái xanh, anh mới được thấy con chào đời. Trong khị chị Quỳnh Anh mỉm cười mãn nguyện, thì chồng chị đứng bên, khóc tu tu như một đứa trẻ.
Đưa vợ đi đẻ, chứng kiến vợ sinh, các ông chồng dù có chuẩn bị kỹ đến mấy cũng không tránh khỏi sự lúng túng, bỡ ngỡ. Có ông bố lấy bỉm to người lớn, trải ra cho con nằm lên, vì tưởng đó là cái nệm; người lại chạy khắp hiệu thuốc mua "viên đạm đút đít giảm đau cho vợ" mà không có, (thực chất là thuốc viên đạn giảm đau); hay sáng dậy tỉnh giấc thấy mình nằm cạnh một sản phụ khác vì hết giường... Chứng kiến vợ đau đớn vật vã, nhìn các sản phụ khác rên la, phần đông các ông thừa nhận: "Có cho tiền tỷ tôi cũng chẳng dám đẻ".
Tuệ Minh
Chia sẻ câu chuyện đưa vợ đi sinh của bạn tại đây.
Post a Comment