Mới đây, tại Hội nghị Sản - Nhi tỉnh Đồng Nai mở rộng năm 2016, với sự góp mặt của những chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản đã giao lưu, chia sẻ kiến thức, góp phần ngăn ngừa, phòng chống và làm giảm tỉ lệ ung thư cổ tử cung, sinh non và các biến chứng của sinh non.

Theo đó, 2 vấn đề rất nóng mà Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế quan tâm hàng đầu là tỉ lệ tử vong ở trẻ sinh non ngày càng tăng và tình trạng ung thư cổ tử cung ở các quốc gia đang phát triển. Ung thư cổ tử cung là nguyên nhân đứng thứ 2 gây tử vong cho phụ nữ trên toàn thế giới, với ước tính cứ 2 phút có một phụ nữ chết vì căn bệnh này.

Liên quan đến thông tin trên, nhiều người tỏ ra lo lắng và tìm đến các trung tâm y tế để được tư vấn về căn bệnh này.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, các bác sĩ chuyên khoa cho biết: Có 5 loại ung thư phụ khoa chính gồm: Cổ tử cung, buồng trứng, tử cung, âm đạo và âm hộ. Cổ tử cung là bệnh dễ ngăn ngừa nhất qua xét nghiệm sàng lọc thường xuyên và theo dõi. Ngoài ra, đây là loại ung thư chữa được khi phát hiện và điều trị sớm.

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung- Trung tâm y khoa Thái Hà (Hà Nội).

Chia sẻ với PV, bác sĩ Lê Thị Kim Dung, phụ trách khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục, Trung tâm y khoa Thái Hà khuyến cáo: Ung thư cổ tử cung là loại ung thư ác tính hình thành trong các mô cổ tử cung. Ung thư cổ tử cung phát triển khi các tế bào bất thường ở niêm mạc cổ tử cung bắt đầu nhân lên một cách khó kiểm soát và sau đó tập hợp thành một khối u lớn.

Theo bác sĩ Dung, phụ nữ có tiền sử mắc bệnh viêm nhiễm đường tình dục do virus papilloma hoặc herpes nằm trong nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao. Đồng thời, việc vệ sinh bộ phận phụ khoa kém cũng là tác nhân ủ mầm bệnh.

“90% nguyên nhân dẫn tới ung thư cổ tử cung là do loại viruts nhóm papilloma có tên gọi là Human Papilloma Virus (HPV) gây ra.Ngoài ra, có một số yếu tố khác phối hợp gây ung thư cổ tử cung như hoạt động tình dục sớm, quan hệ tình dục với nhiều người, vệ sinh sinh dục kém và hút thuốc lá”, bác sĩ Dung nói.

Cũng theo bác sĩ Dung, khi người phụ nữ bắt đầu quan hệ tình dục là họ bắt đầu có nguy cơ nhiễm HPV gây ung thư cổ tử cung. Tùy vào độ tuổi cùng mức độ quan hệ tình dục mà virus HPV có thể phát triển nhanh.

Thông thường, phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung ở tuổi trung niên, độ tuổi từ 35-55. Bệnh ung thư cổ tử cung ít ảnh hưởng đến phụ nữ dưới tuổi 20. Ngoài ra, phụ nữ sinh nở từ trên 4 lần cũng nằm trong đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung.

Để giúp phụ nữ kiểm soát sức khỏe, bác sĩ Dung cho hay, ung thư cổ tử cung hầu như không có dấu hiệu đặc biệt nào để nhận biết. Rất nhiều chị em phụ nữ thường chủ quan, để bệnh phát triển nặng mới đến viện khám.

Người bị ung thư cổ tử cung thường có triệu chứng đau bụng dưới hoặc đau thắt lưng (Ảnh minh họa).

Vì thế bác sĩ khuyến cáo, khi có những triệu chứng như tiết dịch âm đạo nhiều (huyết trắng kèm theo có mùi và thay đổi màu sắc đó là hiện tượng của ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu; Xuất hiện triệu chứng đau bụng dưới hoặc đau thắt lưng, đôi lúc còn đau ở bụng trên, đùi và các khớp, mỗi khi đến kì kinh, đại tiện hoặc quan hệ sẽ đau trầm trọng hơn; Xuất huyết âm đạo bất thường; Chảy máu khi quan hệ... cần phải đến viện khám để bác sĩ tư vấn.

Bác sĩ chuyên khoa sản cho hay: “Ung thư cổ tử cung có thể phát hiện sớm và chữa trị kịp thời bằng phẫu thuật hoặc xạ trị, hóa trị. Đặc biệt, ở gia đoạn tiền ung thư có thể điều trị bằng phương pháp đốt điện, khoét chóp, không gây tốn kém và hiệu quả. Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn, không chữa trị kịp thời thì sẽ gây ra tử vong”.

N.G

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top