Cà phê là một thức uống phổ biến ở nhiều quốc gia. Có lẽ không có một chất kích thích nào được sử dụng rộng rãi và hợp pháp trên toàn thế giới như loại thức uống này. Cà phê có thể được bày bán dưới dạng hạt, dạng bột, dạng thức uống… tại khắp các cửa hàng, siêu thị. Bất kỳ ai cũng có thể mua cho mình một tách cà phê vào mỗi sáng.
Thành phần chủ yếu của cà phê là cafein. Cafein có tác dụng kích thích hoạt động của hệ thần kinh, làm gia tăng các hoạt động thể chất có liên quan đến hệ thần kinh như hoạt động trí não, gia tăng trạng thái thức tỉnh, gia tăng hoạt động tư duy, làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, tăng hoạt động của cơ bắp... Qua đó, nó có tác dụng làm tăng sự hưng phấn tinh thần, tăng sự tập trung trí óc và hiệu quả làm việc.
Có không ít nghiên cứu chỉ ra rằng, những người uống cà phê ít có nguy hơn mắc các bệnh nguy hiểm hơn những người không uống. Và những người này thường chọn cách uống một tách cà phê vào mỗi buổi sáng. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, uống cà phê cũng nên theo một khung giờ nhất định.
Uống cà phê sau 9h sáng sẽ tốt hơn vì nó thúc đẩy cơ thể sản sinh cortisol. |
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, muốn cà phê phát huy tác dụng hiệu quả nhất, mang lại sự tỉnh táo cho người uống thì phải biết chọn thời điểm, chứ không nên "uống theo hứng".
Theo Telegraph, Tiến sĩ Steven Miller, bác sĩ chuyên khoa thần kinh tại Trường Đại học Quân y ở Bethesda, Maryland, Mỹ cho hay, thời điểm tốt nhất để uống cà phê là từ 9h30 - 11h30 sáng. Vì cafein tương tác với một nội tiết tố chủ đạo trong cơ thể có tên là cortisol giúp điều hòa đồng hồ sinh học và thúc đẩy sự tỉnh táo.
Thời điểm không nên uống cà phê gồm:
Không nên uống trước 9h30 sáng: Khi bắt đầu tỉnh giấc, nồng độ cortisol trong cơ thể tương đối cao và duy trì cho đến 8-9h sáng. Nhưng sau đó khoảng 1 giờ, nồng độ này bắt đầu giảm xuống, lúc đó bạn sẽ cảm thấy rất mệt mỏi. Uống cà phê sau thời điểm này sẽ tốt hơn vì nó thúc đẩy cơ thể sản sinh cortisol.
Hãy chọn thời điểm thích hợp để uống cà phê (Ảnh minh họa). |
Không nên uống lúc 12h - 13h và 5h30 - 6h30: Bởi khi đó, tỷ lệ cortisol tăng ở mức cao nhất, khi đó sự kích thích của caffein với cơ thể không rõ ràng, cà phê sẽ không phát huy hiệu quả.
Lưu ý: Nhiều người thường "lạm dụng" uống thật nhiều cà phê để có thể thức đêm làm việc. Tuy nhiên, ít người biết rằng, sau thời gian tỉnh táo, dưới tác dụng của cà phê, các giấc ngủ thường kéo dài hơn, nếu không cơ thể sẽ mệt mỏi, lừ đừ. Đó là quy luật sinh lý của cơ thể cần được tôn trọng, để các tế bào thần kinh có thời gian nghỉ ngơi sau khi hoạt động gắng sức.
Bạn nên nhớ, nếu uống cà phê liên tục để kích thích trí não có thể dẫn đến tình trạng suy nhược thần kinh, gia tăng nhạy cảm, gây stress hoặc gây nghiện, tức là phải có cafein kích thích tế bào thần kinh mới chịu làm việc.
Khuyến cáo trẻ em và phụ nữ có thai hay đang cho con bú tuyệt đối không nên dùng cà phê. Các tác hại tuy chưa được chứng minh rõ, nhưng những chất có tác dụng kích thích thì về nguyên tắc thì nên hiểu là không tốt.
Với một số bệnh như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, loét dạ dày tá tràng, viêm ruột kích thích, các bệnh nhân có các bệnh lý thần kinh như rối loạn thần kinh thực vật, suy nhược thần kinh... cũng nên hạn chế uống loại thức uống này.
Thanh Bình (Tổng hợp).
Post a Comment