Sau vài năm kể từ đợt lui tới Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng TP HCM, anh Ng.Tr.N - nhân viên văn phòng ngụ tại quận Bình Thạnh, TP HCM - trông như một con người khác: vui vẻ, yêu đời, bản lĩnh và rất siêng tham gia các hoạt động cộng đồng. “Lối sống của tôi thay đổi đến mức mẹ tôi cũng không tin nổi” - anh cho biết.

Sửa cả chất giọng và phong thái

Suốt những năm học phổ thông và đại học, N. từng là một chàng trai hết sức khép kín và mặc cảm, ít giao du với mọi người do tự ti với giọng nói “như nữ giới” của mình.

“Tôi từng bị bạn bè trêu chọc rất nhiều. Họ bảo tôi như con gái, nói tôi “bóng”. Mỗi lần tôi phát biểu trước lớp là y như rằng có tiếng khúc khích, rì rầm từ các bạn. Dù học giỏi, nghiêm túc nhưng lúc nào tôi cũng thấy mặc cảm, khó khăn.

Đến lúc tôi ra trường, đi xin việc, người tuyển dụng đã buột miệng rằng qua điện thoại, anh ấy tưởng tôi là… một cô gái trẻ. Dẫu biết họ không có ác ý nhưng tôi cảm thấy buồn lắm” - anh T. nhớ lại.

Rất may là sau đó, một người bạn của N. đã chỉ cho anh nơi điều trị. “Ngờ đâu, 2 buổi trị liệu không chỉ mang lại cho tôi chất giọng đàn ông mà cả một cuộc sống mới” - anh hào hứng.

Nhiều bệnh nhân cho biết họ đã mừng rơi nước mắt khi gọi điện thoại và nghe từ đầu dây bên kia hỏi một câu đơn giản: “Anh cần gì?”. Đấy là một trong những điều khiến PGS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nhớ nhất khi còn làm việc tại BV Tai Mũi Họng TP HCM.

Trước đây, khi gọi điện thoại, nhiều người đàn ông bị tưởng nhầm là “cô” hay “chị” nào đó. Theo BS Dung, những người có nhu cầu tìm lại chất giọng “đàn ông” này chiếm một lượng không nhỏ trong số các bệnh nhân cần điều trị âm ngữ trị liệu.

Việc điều trị không chỉ nhằm giúp bệnh nhân có chất giọng đúng với giới tính hơn mà còn phải điều chỉnh phong thái của họ, từ dáng đi, cách giao tiếp… cho “ra dáng đàn ông”. Lý do là đa số những người không may sở hữu “giọng mái” thường mặc cảm và điều này đã ảnh hưởng đến lối sống cũng như phong thái của họ.

BS Trần Thị Thu Trang - Đơn vị Thanh học, Khoa Nhi Tổng hợp BV Tai Mũi Họng TP HCM - đã cho chúng tôi xem đoạn clip ghi lại tiến triển của một nam thanh niên khi trị liệu.

Ảnh minh họa

Trong giai đoạn đầu, có thể thấy rõ anh rất mặc cảm, luôn cúi mặt và nói lí nhí bằng một giọng rất giống phụ nữ. Còn trong đoạn clip cuối cùng, anh tỏ ra là một thanh niên vui vẻ, tự tin với chất giọng nam tính khá rõ ràng.

Anh cho biết bây giờ đã có thể đi tìm người yêu bởi suốt gần chục năm nay, từ khi biết mơ mộng, anh chưa từng dám trò chuyện với các cô gái mà mình để ý!

Cần đến âm ngữ trị liệu

Rắc rối mà dân gian vẫn gọi nôm na là “giọng mái” này trong y khoa mang tên “rối loạn giọng dậy thì”.

“Rối loạn giọng dậy thì liên quan đến giọng âm vực cao vượt ngoài độ tuổi. Ví dụ, một người nam trưởng thành lẽ ra đã nói giọng trầm nhưng vẫn còn nói giọng cao. Đây là vấn đề chính ở nam giới.

Còn ở nữ giới, mức độ rối loạn này không đáng kể và ít gặp. Trong thực tế, một số người nam có giọng âm vực cao gặp khó khăn khi xin việc hoặc gặp trở ngại trong giao tiếp” - điều dưỡng Bùi Thị Duyên, chuyên viên âm ngữ trị liệu Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết.

Theo BS Thu Trang, hầu hết các nam bệnh nhân mắc chứng rối loạn giọng dậy thì mà chị từng gặp tỏ ra rất tự ti, thậm chí không nhìn thẳng vào BS đối diện. Thông thường, rắc rối này xảy ra từ giai đoạn vỡ tiếng nhưng gây khó khăn nhất cho người bệnh là ở giai đoạn trưởng thành và khi bước ra ngoài xã hội.

Thế nhưng, vấn đề tưởng chừng quá phức tạp này lại có thể được điều trị một cách đơn giản. Bệnh nhân thường chỉ mất 1-9 buổi (nhiều trường hợp chỉ cần 1-2 buổi) điều trị bằng âm ngữ trị liệu là thành công.

Theo bác sĩ Trần Thị Thu Trang, phần lớn người bị rối loạn giọng dậy thì đã có sẵn một tông giọng trầm hơn, nam tính hơn nhưng họ lại không biết cách sử dụng. Mục đích của âm ngữ trị liệu là giúp họ tìm ra chất giọng trầm đó và sử dụng thành thạo nó.

Theo NLĐ

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top