Đôi khi những đứa trẻ không vâng lời cha mẹ. Tuy nhiên, nếu đứa trẻ thường xuyên có những hành vi xấu thì đó không phải là ngoại lệ nữa. Nếu cha mẹ không ngăn chặn sớm sẽ khiến hành vi của trẻ tồi tệ hơn.
1. Không nhất quán
Bạn nói con không được ăn thêm bất kỳ chiếc kẹo nào nữa. Con phản ứng lại bằng một cơn giận dữ, ăn vạ nhiều hơn và bạn rút lại yêu cầu trước đó của mình. Với cách hành xử này, bạn đã vô tình gieo vào đầu trẻ suy nghĩ rằng mỗi khi chúng nổi giận là có thể nhận được mọi thứ chúng muốn.
2. Những hình phạt "nói mà không làm"
Có thể tất cả các bậc cha mẹ đều ít nhất một lần mắc phải sai lầm này. Bạn thường nói với con kiểu như: "Nếu con tái phạm chuyện này một lần nữa, con sẽ không được xem ti vi" hay "Mẹ sẽ không bao giờ đưa bạn đến chơi với con một lần nữa nếu con cư xử như vậy"... Nhưng sau đó nếu trẻ có lặp lại hành vi, bạn cũng quên không thực hiện lời đe dọa này. Về lâu dài, đứa trẻ sẽ lặp lại hành vi đó nhiều hơn vì chúng biết sẽ không bị phạt.
Ảnh: Mykindofparenting. |
3. Luôn bào chữa cho con
"Nó đang mệt", "Nó chỉ là một đứa trẻ thôi", "Nó đang đói"... Có phải bạn từng đưa ra những lý do này để giải thích cho hành vi chưa tốt của trẻ? Chúng có thể cảm thấy đói, mệt mỏi hoặc ở trong tâm trạng không tốt, đặc biệt là với những đứa trẻ còn nhỏ chưa biết thể hiện cảm xúc rõ ràng. Nhưng cứ thường xuyên châm chước cho trẻ như vậy là không đúng, bạn sẽ tạo ra tính đổ thừa, ỷ lại ở trẻ.
4. Đe dọa
Theo các nhà tâm lý học, đe dọa là phong cách làm cha mẹ sai lầm nhất, thậm chí còn rất tai hại. Một nhóm các nhà khoa học đã làm thí nghiệm cho thấy những đứa trẻ bị cha mẹ đe dọa thường hay nói dối.
5. Quát mắng
Thực tế, khi bạn nói to không có nghĩa là con sẽ nghe thấy và đáp ứng yêu cầu của bạn. Trong một số trường hợp, việc quát tháo, gào thét với trẻ có thể đem lại hiệu quả ngắn hạn nhưng bằng cách này, chính bạn sẽ phá vỡ mối quan hệ với các con mình.
6. Đánh đòn
Theo các nghiên cứu khác nhau, nếu một đứa trẻ bị đánh đòn thường xuyên thì sẽ trở nên hung hăng hoặc nhút nhát. Thậm chí, sự tự trọng của chúng cũng giảm sút. Những đứa trẻ sống trong gia đình dạy con kiểu này thường sẽ tìm cách làm thế nào để tránh được đau đớn hơn là hiểu được điều cần thiết phải thay đổi hành vi.
7. Dung túng
Con bạn chẳng thể đẹp nổi khi ngồi chễm chệ nơi công cộng, nói to làm phiền người khác, hoặc ăn bằng tay... Bạn cười vì thấy "con đáng yêu quá". Song những người xung quanh sẽ khó chịu. Nếu cha mẹ không nhắc nhở con trong trường hợp này sẽ khiến trẻ phát triển những thói quen mà người khác không ưa được.
Việc nhận thức tốt và xấu ở trẻ phụ thuộc vào độ tuổi. Rất ít đứa trẻ không phân biệt được đúng sai mà chúng sẽ tiếp thu những lời dạy của cha mẹ như bọt biển, càng đổ nước càng thấm nhiều. Bố mẹ cần dạy trẻ từng chút, ngày qua ngày để trẻ biết phân biệt - đúng sai và chính điều này sẽ tạo nên tương lai của trẻ.
Bảo Miên
Post a Comment