Nên mong đợi gì ở tuổi này
Mong đợi những cử chỉ tôn trọng của trẻ hai tuổi giống như lấy máu từ đá vậy. Điều đó một phần là do các kĩ năng ngôn ngữ của trẻ hai tuổi vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển. Vì thế, khi bạn thông báo với con đã đến giờ đi ngủ, bé không thể nói, “Ôi, con thực sự đang chơi rất vui, và con băn khoăn không biết mẹ có thể cho con chơi thêm năm phút được không?” Bé rất có thể sẽ lờ bạn đi, lè lưỡi ra, hay hét lên, “Con ghét mẹ!”. Điều này không có nghĩa là bé hư- chỉ là do bé còn quá nhỏ và vẫn cần được dạy dỗ và thực hành nhiều năm nữa để biết cách thể hiện sự tôn trọng.
Bạn có thể làm gì?
dạy con biết tôn trọngHãy thể hiện những hành vi biết tôn trọng người khác. “Chúng ta thường không thể hiện sự tôn trọng đúng mực mà bạn mong muốn con thực hiện” Jerry Wyckoff, một nhà tâm lí học và là đồng tác giả của cuốn Hai mươi đức tính tốt có thể dạy được, nói. “Chúng ta lẫn lộn vì thường chúng ta đã lớn lên bằng sự giáo dục đánh đồng tôn trọng và sợ hãi. ‘Tôi thực sự tôn trọng bố tôi vì tôi biết ông sẽ đánh tôi nếu…’ Đó không phải là tôn trọng – đó là sợ hãi.” Thay vì như thế, hãy bắt đầu bằng việc lắng nghe. Có thể rất khó khăn để kiên nhẫn chờ đợi đứa con hai tuổi của mình nói hết, nhưng nên làm như vậy. Cúi xuống ngang tầm người của con, nhìn vào mắt con, và cho bé biết bạn đang chăm chú nghe những gì bé nói. Đó là cách tốt nhất để dạy con biết chú ý lắng nghe khi bạn nói.
Dạy con biết cách phản ứng lịch sự. Con bạn có thể thể hiện sự quan tâm và tôn trọng người khác thông qua những hành động đẹp. Ngay khi biết nghe, nói, bé có thể học cách nói “làm ơn”, và “cảm ơn”. Giải thích với con rằng bạn sẽ sẵn sàng giúp bé khi bé lịch sự với bạn, và rằng bạn không thích bé cứ ra lệnh cho bạn như thế. Và khi bạn tỏ ra biết tôn trọng con, như vậy sẽ có tác dụng tốt hơn là giảng giải. Hãy thường xuyên nói “làm ơn”, “cảm ơn” với con và những người khác, bé sẽ hiểu rằng những cụm từ đó là một phần của giao tiếp bình thường, cả trong gia đình và ngoài xã hội.
Tránh phản ứng quá mức. Nếu con bạn đánh bạn, hoặc gọi bạn là đồ dở hơi, cố gắng đừng quá buồn (thật ra thì bạn đâu có dở hơi). Đứa trẻ nào muốn khiêu khích thường sẽ sẵn sàng chịu đựng mọi điều để có thể có được điều nó muốn. Vì thế, hãy nhìn thẳng vào con và nói nhẹ nhàng nhưng cương quyết với con rằng, “Chúng ta không đánh nhau, hay nói chuyện kiểu đó trong gia đình mình.” Sau đó, hãy chỉ cho con cách có được thứ mình muốn một cách biết tôn trọng người khác: “Khi con muốn mẹ chơi với con, hãy nói với mẹ thật nhẹ nhàng. Hãy nói, “Mẹ ơi, con muốn mẹ đến đọc chuyện cho con nghe bây giờ.”
Hãy chuẩn bị cho sự bất đồng. Cuộc sống sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu trẻ luôn luôn vui vẻ nghe lời sai bảo của chúng ta, nhưng như thế thì không phải con người. Hãy cố gắng nhớ rằng, khi con không nghe lời, đó không phải là bé không tôn trọng bạn – đó chỉ là vì con có ý kiến khác mà thôi.
Dạy con rằng con sẽ trở nên tốt hơn nếu con học cách dừng những phản ứng thiếu tôn trọng người khác như “Mẹ không bao giờ đưa con ra công viên, mẹ thật là một người mẹ tồi”. Thay vào đó con cần học cách diễn đạt tích cực “Mình có thể ra công viên sau khi đi siêu thị không mẹ? Khi khả năng diễn đạt ngôn ngữ của bé tốt hơn, bé sẽ có thể tự nghĩ ra những câu yêu cầu lịch sự. Trong thời gian chờ đợi điều đó, bạn cần cung cấp những câu ví dụ cho con.
Đặt ra những giới hạn. “Một trong những cách tốt nhất để giải thích về sự kính trọng là phải tỏ ra tử tế và cương quyết trong kỉ luật,” chuyên gia giáo dục và đồng tác giả của cuốn Kỉ luật tích cực cho trẻ mẫu giáo, Jane Nelsen nói. “Tử tế cho con bạn biết rằng bé được tôn trọng, trong khi cương quyết thể hiện sự tôn trọng đối với những gì cần làm.” Vì thế, nếu bé 2 tuổi nhà bạn tỏ ra rất bực mình trong siêu thị, và không có biện pháp nào hiệu quả, bạn sẽ làm gì? “Nhẹ nhàng nhưng kiên quyết đưa bé ra ô-tô, ngồi và đọc tạp chí cho đến khi bé hết bực,” Nelsen khuyên. Sau đó bạn hãy nói bình tĩnh, “Bây giờ mẹ con mình đã sẵn sàng đi siêu thị tiếp được rồi,” và trở lại siêu thị. Cuối cùng, bé sẽ hiểu rằng nổi cơn thịnh nộ không thể thay đổi được thực tế.
Khen ngợi những hành vi biết tôn trọng. Hãy khuyến khích các biểu hiện lịch sự bột phát càng nhiều càng tốt. Nhưng phải cụ thể. “Lời khen nên miêu tả hành vi một cách chi tiết. Wyckoff nhấn mạnh như vậy. “Chúng ta thường nói, ‘một bé gái ngoan,’ ‘một bé trai ngoan,’ ‘làm tốt đấy’. Thay vì như vậy, hãy nói, “Cảm ơn con vì đã nói từ làm ơn khi xin quà,” hay “Cảm ơn con vì đã chờ đến lượt trong khi các bạn khác lấy kem.” Hãy nói thật rõ ràng, chi tiết, để con bạn biết rằng nỗ lực của mình đáng giá và được đánh giá cao.
Thảo luận tại diễn đàn: Trẻ biết tôn trọng: Dạy con biết tôn trọng như thế nào?
Bình luận với Facebook
Bình luận
Post a Comment