Trẻ đã biết những gì ở tuổi này?
Trẻ mẫu giáo thường có thể phân biệt các bạn cùng giới. Chúng đã khám phá ra những điều cơ bản về cơ thể mình cũng như của các bạn khác giới, nhưng thật ra các em vẫn có rất nhiều câu hỏi cần được giải đáp, như làm thế nào lại có em bé, hay tại sao cả bố lẫn mẹ đều có núm vú (đây là câu hỏi khá hay). Ở tuổi này các em đang học ở trường nên thường tiếp xúc với nhiều ý nghĩ, quan niệm và những tư tưởng sai lệch từ những bạn cùng tuổi hay các anh chị lớn hơn. Lúc này bạn bè là những người thực sự quan trọng với các em, vì thế chúng thường rất tin tưởng vào những gì chúng nghe thấy từ bạn bè, dù có kì quặc đến đâu đi chăng nữa.
Nhưng, trẻ mẫu giáo cũng đã sẵn sàng nghe những câu trả lời phức tạp hơn về tình dục. Ở tuổi này các em vẫn chưa thấy quá ngượng ngùng khi hỏi về những điều đó (thật ra, bố mẹ lại là người thấy xấu hổ và lảng tránh chủ đề này). Thêm vào đó, một đứa trẻ 5 tuổi không thể, và cũng chưa cần hiểu thấu đáo về những cơ chế của tình dục, nó cũng không hiểu được những xúc cảm đằng sau tình yêu của người lớn, và có thể bị khủng hoảng khi nghe những giảng dạy về sự cương cứng, chu kỳ kinh nguyệt, sự trở dạ, và những chức năng khác của cơ thể mà chúng chưa thể hiểu hết được.
Vậy nói về tình dục như thế nào?
Hãy bình tĩnh và thật thoải mái
Khi con hỏi về tình dục (hay những chủ đề tế nhị khác), tốt nhất bạn hãy tỏ ra đây là vấn đề hết sức bình thường để các con không cảm thấy đó là điều đáng ngượng ngùng hay bị ngăn cấm. Tất nhiên là nói vẫn dễ hơn làm. Rất nhiều bậc phụ huynh thấy bất tiện khi nói chuyện về tình dục với con mình bởi vì họ chưa từng có kinh nghiệm chia sẻ những chuyện đó bao giờ, và vì họ rất sợ phải nói quá sâu khi thảo luận với con cái. Dù có lạ lẫm hay lúng túng đến đâu, tốt nhất là bạn hãy cố gắng trả lời các câu hỏi một cách thật chân thành và bình tĩnh. Nếu nói về vấn đề này thực sự khó khăn với bạn, hãy thử tự tập luyện các câu trả lời trước, và có thể làm việc này một mình hoặc cùng với vợ, chồng mình. Hãy tận dụng các câu hỏi khi cả bạn và con đều thấy thoải mái – trong phòng chung lúc cả hai đang xem video, lúc tắm, hay trong lúc yên tĩnh khi bạn cho con đi ngủ. Ở trong ô tô cũng là chỗ lý tưởng để nói chuyện, vì lái xe phải nhìn đường nên bạn có thể tránh nhìn trực tiếp vào con, do vậy sẽ thấy thoải mái hơn.
Jerome Kagan, giáo sư tâm lý học trường Đại học Havard cho rằng “Điều quan trọng đối với bố mẹ là phân tích những vấn đề khó mà không tỏ ra mất tự nhiên. Bọn trẻ thường nghe âm điệu chứ ít khi nghe những lời bố mẹ đang nói”.
Hãy thật đơn giản
Ở tuổi này, câu trả lời tốt nhất là phải ngắn gọn và không quá phức tạp. “Em bé được tạo thành như thế nào? Đây đúng là điều rất thú vị. Một hạt giống từ cơ thể bố và một quả trứng từ cơ thể mẹ kết hợp với nhau trong bụng me. Đó là nơi em bé lớn lên, trong một cái bao đặc biệt, gọi là dạ con.” Trong lúc bạn không muốn mình giống như bác sỹ, hãy dùng các từ miêu tả cơ thể chính xác (“dương vật” hay “âm đạo”, không dùng những từ lái đi) Điều này sẽ làm giảm bớt cảm giác các chủ đề về giới tính bị cấm và đáng ngại ngùng.
Nhiều em sẽ thấy thỏa mãn với những câu trả lời như thế, song nhiều em sẽ tiếp tục với những câu hỏi khác, như “Ý mẹ là quả trứng giống như trứng trong tủ lạnh ạ? Bố giữ hạt giống ở đâu? Bố mẹ có phải tưới nước cho chúng không? Em bé có nhìn thấy hay nghe thấy điều gì lúc còn đang ở trong bụng không ạ?” Hãy tiếp tục trả lời những câu hỏi đó nếu con thực sự quan tâm, nhưng không nên làm con quá tải với các thông tin khi nó đã muốn dừng lại để đi chơi.
Khuyến khích trẻ
Dù câu hỏi của con là gì, bạn cũng không nên cáu kỉnh với con, như “Con có ý nghĩ đó từ đâu?” và không lái chuyện sang hướng khác. Một trong hai cách đó đều làm cho con bạn hiểu rằng câu hỏi của chúng bị cấm kỵ, và chúng thật tồi tệ khi nghĩ về điều đó. Giáo sư Pepper Schwartz, tiến sỹ xã hội học trường đại học Washington ở Seattle, đồng tác giả của cuốn 10 cuộc thảo luận với con trẻ về giới tính và tính cách mà bố mẹ phải thực hiện cho rằng: “Bạn cần phải là người bố, mẹ ‘có thể hỏi được’. Con trẻ cần biết là bạn thích nói chuyện về vấn đề này. Chúng thường liên tục hình thành hình ảnh trong đầu óc mình về những sự thật xung quanh – và không phải lúc nào các suy nghĩ đó cũng đúng. Bạn cần là người cho con biết sự thật và làm khuây khỏa những lo lắng của con.” Vì vậy, hãy trả lời mọi câu hỏi của con, và khen con đã biết hỏi: “Câu hỏi hay đấy! Nếu cần biết thêm, con có thể hỏi mẹ vào bất cứ lúc nào khác nhé!” Nếu bạn không biết câu trả lời, hãy nói thật “Mẹ không chắc lắm, nhưng mẹ con mình cùng đi tìm hiểu nhé.”
Tất nhiên, bạn không thể nào biết được khi nào thì con sẽ hỏi mình. Có thể ngay giữa đám đông trong tiệc mừng bé sắp chào đời, con có thể năn nỉ muốn biết em bé nhà dì Rachel sắp chui ra khỏi bụng bằng cách nào. Thậm chí nếu con gây ra cho bạn một tình huống khó xử, đừng đánh lạc hướng nó – những người lớn trong tầm nghe đã từng nghe thấy những câu hỏi tương tự, và điều trước tiên bạn nên làm là giúp con cảm thấy chúng có thể nói với bạn về bất cứ thứ gì. Sự tự nguyện chia sẻ trung thực với con của bạn là một món quà rất lớn vì sẽ giúp chúng xua tan những rắc rối, lầm lẫn của tuổi thiếu niên, thanh niên, hay sau này nữa.
Sử dụng mọi cơ hội hàng ngày
Bạn không cần phải đợi con hỏi mình. Ở tuổi này có thể con đã biết một chút kha khá về giới tính và sinh sản nhờ quan sát dê mẹ cho con bú ở vườn thú, hay nhờ hỏi bố mẹ về quả trứng đã nở mà chúng thấy trên vỉa hè. Rất nhiều phim ảnh và truyện trẻ em có nói về cách em bé được sinh ra. Nhiều bố mẹ dành thời gian đọc truyện cho con để giới thiệu những cuốn sách dành cho trẻ em nói về sinh sản. Ông Pearl Simmons, chuyên gia giáo dục, hiện đang giảng dạy các lớp học làm bố mẹ ở bệnh viện trẻ em Pittsburgh nói “Tôi rất khuyến khích cuốn sách “Trẻ em được sinh ra như thế nào” của Andrew Andry và Steven Schepp. Bạn có thể ngồi lại với con và nói rằng có một quyển sách tuyệt vời muốn đọc cho chúng nghe.”
Hãy dạy con về sự riêng tư
Con của bạn hiểu được nhu cầu thỉnh thoảng có “thời gian riêng tư”, và nó cần biết rằng nếu phòng bạn đang đóng cửa, thì phải gõ cửa trước khi vào phòng. Hãy thực hiện điều này khi con bạn đã đóng cửa phòng nó. Có thể ở tuổi này, con cần hoặc chưa cần riêng tư, song nó sẽ hiểu nội quy gia đình tốt hơn nếu bạn cũng thực hiện nội quy đó. Bé cũng cần biết những bộ phận kín đáo của cơ thể là riêng tư, và không ai được đụng đến đó trừ bố, mẹ, người chăm sóc, hay bác sỹ, và cũng chỉ được đụng đến đó khi giúp bé sau lúc đi vệ sinh hay kiểm tra sức khỏe. Hãy bảo với bé rằng, nếu có ai cố tình đụng đến những bộ phận đó, bé cần phản đối, và bảo với bố, mẹ hay người đáng tin cậy gần đó.
Điều con hỏi… Điều bố mẹ trả lời
“Bạn Sarah bảo con lúc ra chơi là Chúa đã mang lại em bé cho bố và mẹ. Có phải vậy không ạ?” Lúc này, có thể con đã biết nhiều hơn “Em bé đến từ đâu?” Nó biết là em bé sinh ra từ cơ thể người mẹ. Nhưng nó đang cố gắng kiểm tra lại thông tin nó nghe được từ sân chơi. Bạn có thể giải thích bằng một số cách khác về sự sinh sản, trong khi nhắc lại cho con những gì nó đã học được từ bạn: “Hãy nhớ rằng, chúng ta nói về em bé được sinh ra nhờ một hạt giống của bố và một trong những quả trứng từ cơ thể mẹ. Đó là sự thật. Nhưng rất nhiều người lại tin rằng trẻ em là một món quà từ chúa, và mẹ nghĩ điều đó cũng đúng”, hay tùy theo niềm tin của bạn và câu hỏi này ở mức độ nào.
Tất nhiên là trẻ em ở lứa tuổi này thường rất khác nhau về mức độ tò mò về các vấn đề giới tính mà chúng hỏi bạn, vì thế bạn đừng lo lắng nếu bé vẫn chỉ hỏi “Em bé sinh ra từ đâu?”, hay nhiều hơn nữa là “Tình dục là gì?”
“Tình dục là gì?”
Một đứa trẻ mẫu giáo rất dễ hỏi câu hỏi này nếu chúng được gợi mở từ việc xem được hay nghe thấy từ một đứa trẻ lớn hơn hay từ vô tuyến. Đừng lảng tránh câu hỏi này, dù bé vẫn quá nhỏ để có thể hiểu được chi tiết về tình dục. Hãy bảo với bé là, “Tình dục là lúc bố mẹ âu yếm nhau để thể hiện tình yêu dành cho nhau. Có thể phụ nữ và đàn ông sẽ có em bé khi họ quan hệ tình dục” Những câu hỏi có liên quan gồm “Sao con người lại quan hệ tình dục? Làm tình là gì? Quan hệ tình dục là giống như bố mẹ làm trên giường phải không?”
“Mẹ chỉ cho con thấy cách bố mẹ tạo ra em bé được không?”
Một khi bé đã nghe về “cách đặc biệt” mà bố và mẹ âu yếm, hôn nhau rồi tạo ra em bé, thì cũng không phải là quá đáng nếu 1 đứa bé tò mò chỉ mới 5 tuổi muốn được xem thực tế. Hãy chân thành, nhưng trực tiếp: “Không, các bố mẹ tạo ra em bé một mình trong thời gian riêng tư của họ. Vào những lúc như thế bố mẹ muốn âu yếm nhau để thể hiện tình yêu cho nhau. Đó là cách bố mẹ đã tạo ra con – nhưng trong thời gian đặc biệt dành riêng cho bố mẹ.”
“Con có thể có em bé không?”
Lúc này bạn có thể bảo cho bé biết một số thông tin về sự khác nhau của cơ thể người lớn và trẻ em. “Không, có em bé là điều chỉ người lớn mới làm được. Cơ thể con chưa sẵn sàng, nhưng con sẽ làm được khi lớn hơn.” Những câu hỏi tương tự có thể là “Những ông bố có con được không? Khi con lớn đến lúc con được xỏ lỗ tai thì có em bé được không? Sao con với mẹ không có em bé khi mẹ hôn tạm biệt con ở trường?” (“Vì cách mà người lớn ôm hôn nhau lúc tạo ra em bé khác với như thế, và bởi vì chỉ có hai cơ thể người lớn mới có thể tạo ra em bé được thôi.”)
”Em bé sắp ra khỏi bụng mẹ bằng cách nào?”
Trẻ mẫu giáo thường rất thích thú với việc mang bầu và sinh nở, và thường tưởng tượng bất cứ thứ gì từ việc mẹ nôn ra em bé đến việc bố tháo khóa ở bụng mẹ để em bé đi ra. Câu trả lời đơn giản nhất là, “Em bé sẽ chào đời khi em cần nhiều thức ăn hơn mà bụng mẹ không cung cấp đủ nữa, và em quá to không ở vừa bụng mẹ. Lúc đó bố sẽ đưa mẹ tới bệnh viện, ở đó bác sỹ giúp em bé ra đời. Bà sẽ chăm con trong vòng hai hay ba ngày, rồi mẹ và em bé sẽ về nhà, và chúng ta sẽ ở bên nhau.” Nhiều bé thực sự muốn biết chi tiết hơn, và sẽ rất sẵn sàng nghe những câu như “Những cơ bắp khỏe mạnh trong bụng mẹ sẽ đẩy em bé xuống âm đạo, rồi ra ngoài ở giữa hai chân mẹ. Việc này sẽ mất vài tiếng đồng hồ, vì thế mẹ sẽ tới bệnh viện để bác sỹ giúp cho em bé ra ngoài và kiểm tra sức khỏe cho em ngay lúc đó.” Có thể có những câu hỏi liên quan đến thai nghén khác như “Trong đó em bé có buồn không? Có đói không? Có ngủ ở bên trong bụng mẹ không? Bây giờ trông em như thế nào? Sao lúc mẹ đi tiểu em không chui ra ngoài? Em có nghe thấy con nếu con nói với bụng mẹ không?”
”Mẹ và bố đang làm gì vậy?”
Rất nhiều bố mẹ thấy sợ hãi khi con mình vào phòng lúc họ đang quan hệ. Điều này lại hay xảy ra. Và cũng gần như không thể không bối rối, nhưng hãy thử bình tĩnh (và hãy lo cho phòng ngủ của mình một chiếc khóa). “Bố mẹ đang làm tình để thể hiện tình yêu cho nhau. Bình thường bố mẹ vẫn khóa cửa vì đây là chuyện riêng tư, nhưng lần này lại quên mất.” Tùy vào phản ứng của con mình lúc đó, bạn có thể hỏi “Điều đó có làm phiền con không? Con có cần gì nữa không?” Cần đảm bảo chắc chắn rằng con của bạn không hề thấy lo lắng hay sợ hãi bởi những gì nó nhìn thấy, và nhấn mạnh rằng nó không làm gì sai cả. (Đừng la mắng bé, “Con phải gõ cửa chứ!”) Tùy thuộc vào những gì con nhìn thấy, câu trả lời của con với việc nhìn thấy bố mẹ làm tình có thể là một điều lo lắng “Bố có làm đau mẹ không ạ?”, hay một sự tò mò “Sao bố mẹ lại gây ra tiếng ồn như thế?”, hay “Bố mẹ đang chơi trò đấu vật à?”
Nếu bé có vẻ không quan tâm, bạn có thể không cần giải thích điều gì đang xảy ra. Bé có thể không nhìn thấy nhiều nếu phòng tối và bạn đang có vải che trên người. Có thể chỉ cần nói đơn giản là “Bố mẹ đang dành thời gian riêng tư cho nhau” hay “Mẹ và bố chỉ đang ôm nhau vì rất yêu nhau mà thôi.”
Thảo luận tại diễn đàn: Giải thích với trẻ (5 tuổi) về sex như thế nào?
Bình luận với Facebook
Bình luận
Post a Comment