Căn nhà hai tầng của vợ chồng anh Tuyến (32 tuổi, quận 9, TP HCM) nằm trong con hẻm lớn, dân cư yên tĩnh. Sợ bị ngập vào mùa triều cường và mưa lớn, họ quyết định xây nền cao, nhưng gặp phải vô vàn rắc rối. Dưới đây là chia sẻ của anh.

Cuối năm 2017, chúng tôi bán được căn nhà cũ sát đường xe tải với giá gần 1,6 tỉ. Cùng với 300 triệu tiền tiết kiệm, tôi và vợ quyết định mua mảnh đất rộng 80m2, giá gần 2 tỉ trong khu dân cư yên tĩnh, đường trước nhà rộng 8m. Chẳng phải nói, vợ tôi rất vui, vì chọn được chỗ thuận tiện cho việc làm ăn, lại có nơi để xe ôtô. Tôi quyết định vay ngân hàng 600 triệu, xây nhà hai tầng, chừa hiên rộng để xe. Tầng một là khu bếp và phòng khách. Hai phòng ngủ và phòng thờ ở lầu trên.

Anh Tuyến phải dùng ván kê làm đường lên con dốc vào nhà, nhưng không cải thiện, còn làm căn nhà trở nên mất thẩm mỹ. Ảnh: P.T

Anh Tuyến phải dùng ván kê làm đường lên con dốc vào nhà, nhưng không cải thiện, còn làm căn nhà trở nên mất thẩm mỹ. Ảnh: P.T

Lúc khởi công, bố mẹ tôi bảo, vợ chồng làm ăn thì nên xây nên cao để vừa rước may mắn, vừa có thể chống ngập khi triều cường lên và mưa lớn. Ý kiến này được tôi đồng ý, quyết định sửa thiết kế ban đầu một chút để xây nền nhà cao hơn với mặt đường gần 1m. Bậc thềm lên xuống là con dốc chuồi.

Gần ba tháng khởi công công trình cũng xong. Nhìn căn nhà cao ráo, trang trí đẹp, tôi rất mãn nguyện. Nào ngờ khi dọn vào ở, tôi mới thấy lựa chọn của mình không khoa học. Khu tôi ở không bị ngập, hệ thống cấp thoát nước khá tốt. Vợ chồng tôi rất đau đầu vì đường lên nhà quá dốc làm một số việc trở nên rất khó khăn và rắc rối. 

Đầu tiên là việc đưa chiếc xe ô tô vào nhà. Nền nhà cao, con bậc lên xuống dốc quá, vì thế, tôi cứ rồ ga mà chẳng lái lên được. Dùng ván kê chẳng ăn thua, tôi quyết định để xe ngoài trời, dù xót vô cùng.

Tiếp đến, mỗi lần đưa hai chiếc xe máy lên xuống là một cực hình. Hôm nào tôi đi vắng, vợ phải hì hục mãi mới có thể nổ máy, chạy vào được. Cuối cùng là việc đi lại của cậu con trai hơn 2 tuổi. Cháu bị té liên tục cũng vì không thể tự leo lên xuống được. Nói thật, giờ tôi vô cùng mệt mỏi khi chỉ việc đó mà vợ chồng liên túc cãi nhau. Tôi muốn đập lại cái dốc để làm lại, nhưng nghe nhiều người bảo, nhà mới xây thì không nên sửa hay làm gì cả. Bây giờ, Sài Gòn đang mùa mưa, tôi đã dùng đồ che, nhưng chiếc xe ô tô phải nổ máy mãi mới được. Vợ chồng tôi tính bán nhà này mua căn khác mà chưa được giá và thấy tiếc. 

Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền, thông thường trong quy định của giấy phép xây dựng ghi rõ, cao độ nền cao hơn cote vỉa hè bao nhiêu thì mới đạt chuẩn. Tuy nhiên, với tình trạng vỉa hè hiện nay của các đô thị lớn thì không chuẩn, nơi cao nơi thấp nên làm người dân khó thực thi, phía quản lý xây dựng khó kiểm soát cho dúng giấy phép. Chính vì thế, không chỉ anh Tuyến mà hiện nay, nhiều gia chủ ở các thành phố lớn đều xây nền nhà cao so với mặt đường, gây ra nhiều bất lợi khi sử dụng. 

Nguyên nhân là do tâm lý sợ ngập nước vào nhà. Đây là yếu tố đầu tiên làm cho người dân luôn luôn “trừ hao” cao độ nền nhà để lỡ có nâng đường trước nhà thì nền nhà không bị thấp. Thứ hai là yếu tố dị đoan của một số gia chủ. Họ quan niệm, nhà mình phải cao hơn nhà hàng xóm một chút thì làm ăn mới được. 

Cách làm này chỉ có ưu điểm duy nhất là phòng nước tràn vào nhà khi đường ngập. Còn hầu hết là nhược điểm: người già, trẻ em, người tàn tật... khó di chuyển, khó tiếp cận vào công trình. Đưa xe cộ ra vào đều bất tiện.

Kiến trúc sư Truyền cho rằng, anh Tuyến có thể cải thiện bằng cách, hạ cốt nền tầng một xuống nếu được. Tạo thang nâng nếu diện tích cho phép và chiều cao nền quá cao. Hoặc có thể làm ray trượt di động để việc di chuyển dễ hơn. 

Thảo Nguyên (ghi)

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top