Chị Thu Hà - mẹ của hai cô con gái, đồng thời là một nhà báo, tác giả của vài cuốn sách nuôi dạy con - mới đây đã gặp một phụ nữ kiên quyết không sinh con vì e rằng không lo nổi một cuộc sống tốt cho con sau này. Người phụ nữ đó làm kinh doanh, nên nhanh chóng tính ra những chi phí và cả chi phí cơ hội, để chăm sóc và nuôi dạy một em bé. Trong khi đó, nhiều người dùng mạng xã hội cũng đang bàn tán vì bản kê chi phí của một bà mẹ để nuôi một bé tới 6 tuổi tốn hơn nửa tỷ đồng.
Chị Hà cho rằng, những lo lắng như trên là đúng nhưng hơi thái quá, và một phụ nữ đơn thân như chị nhưng biết cách thu vén vẫn nuôi 2 con ổn thỏa. Dưới đây là bí quyết của chị:
Chị Thu Hà - Ảnh: FBNV |
Nuôi Xu, Sim tôi chưa ngồi tính, nhưng nếu liệt kê ra thì có vài mục sẽ ít hơn và có nhiều mục còn cao hơn bảng tính này. Ví dụ, kinh phí đi lại, quê tôi ngoài Bắc, mỗi năm vài lần đèo bòng bay ra bay vào, tốn bộn luôn! Tết vừa rồi, 3 vé khứ hồi cho 3 mẹ con đã khoảng 20 triệu.
Rồi con ốm đau… Xu ngày nhỏ hầu như tháng nào cũng phải đi viện. Tiền taxi, tiền khám bệnh, tiền thuốc, tiền bồi dưỡng, tiền giúp việc chăm sóc... 15 triệu/tháng có thể không đủ.
Chi phí nuôi con thực sự là rất nhiều. Và không có mức trần!
Nhưng, bạn ơi đừng sợ! Đơn thân, yếu đuối, xa nhà như tôi mà còn thu xếp đủ thì ai cũng có thể làm được! Một số kinh nghiệm nuôi Xu Sim xin được chia sẻ với các bạn:
1. Không mua sắm quá nhiều
Thực ra tiêu cho con, chẳng mẹ nào thấy mình mua dư, mua quá nhiều. Tuy nhiên, rất nhiều mẹ đang chi nhiều tiền cho tã giấy, khăn ướt, đồ chơi, quần áo, rồi túi nhai, nhiệt kế phòng tắm, đồ treo nôi... Tôi thấy cái gì bớt được thì bớt ngay, mua sắm quá nhiều cũng hại môi trường: hại môi trường khi sản xuất, khi vận chuyển, và nhất là khi thải ra.
Về đồ chơi, tôi ưu tiên những đồ chơi xài nhiều lần như lego, xếp lắp hình, sách và không bao giờ mua đồ Trung Quốc bán lẻ ven đường. Với một bộ đồ chơi gỗ hoặc lego, con có thể chơi tới 5-10 năm.
2. Tận dụng mọi cơ hội để tái sử dụng
Tiền nào của nấy, tôi thà dùng lại một món đồ tốt còn hơn là mua mới hàng rẻ tiền. Ví dụ, cũi trẻ em, xe đẩy, tôi mua hàng xịn thanh lý.
Hàng rẻ tiền có thể sẽ trục trặc bánh xe, giặt sẽ khó, gấp lại cũng dễ hỏng, rồi lưng bé nằm không thẳng, rồi chất liệu không thoáng khí, chưa nói là vải có thể nhiễm formandehit độc hại cho sức khoẻ của con.
Tái sử dụng còn là văn minh, bảo vệ môi trường. Ở những nước giàu như Mỹ, Australia, hay châu Âu... người ta thường cho, tặng hay bán lại đồ cũ. Họ thường tổ chức những hội chợ thanh lý, bán những thứ còn tốt mà không dùng tới nữa, đôi khi giá rẻ như cho.
Ngày xưa những năm 2006, 2007, khi mới sinh Xu Sim, tôi hay vào nhóm thanh lý của mấy trang web dành cho các bà mẹ. Bây giờ, trên mạng có thêm nhiều trang rao vặt, bán đồ cũ nữa. Cứ vào mục Mẹ và Bé, bạn sẽ thấy tràn ngập các mặt hàng, cái gì cũng có, từ bỉm tã đồ chơi tới xe đẩy, cũi nôi, máy hút sữa… Ngoài mua sắm, bạn có thể thanh lý, chuyển nhượng những thứ khác như đồ điện tử, xe cộ... Lúc chuyển nhà, nhờ có mạng, tôi cũng thanh lý bếp, đồ điện tử giường tủ bàn ghế, vài ngày là bán hết sạch.
3. Đừng mua sắm quá nhiều, hãy dành tiền cho những thứ quan trọng
Đừng quá áp lực nuôi con tốn kém, vì mẹ nào cũng có sẵn rất nhiều thứ quý giá mà chẳng cần phải mua:
Chỉ cần ba mẹ giơ bàn tay khi con cần tập phản xạ cầm nắm. Chỉ cần ôm con thật nhiều, nhìn thật lâu vào đôi mắt con.
Chỉ cần lau nhà thật sạch và dọn dẹp đồ đạc cho quang đãng, che chắn các góc nhọn, để con bò trườn, tập bước, rồi chạy, tự do tung hoành.
Chỉ cần cho phép con ăn vui, bằng bốc, bằng nghịch, thậm chí trây trét thức ăn lên mặt mũi tóc quần áo.
Chỉ cần để con nghịch đất cát, được cảm nhận bàn chân trần trên nền gạch, trên cỏ, trên sỏi, đá…
Bởi vì, tình yêu không phải vật chất mà chính là thời gian bên con! Bởi vì hoạt động và trải nghiệm là cách tốt nhất để con thông minh.
Không có quần áo nào, cũi đệm nào đủ êm ái bằng vòng tay của ba mẹ. Không có đồ đạc nào tốt bằng bầu không khí yêu thương.
Đừng mua sắm quá nhiều, hãy dành tiền cho những thứ quan trọng sau này, như một môi trường giáo dục tốt, như những buổi tối đầm ấm, cả nhà được quây quần bên nhau; như một chuyến đi chơi cuối tuần, như du lịch trải nghiệm các nền văn hoá khác trên thế giới...
Khi muốn mua bất cứ đồ gì, tôi đều phải tự hỏi chính mình 2 câu: "Mình có thực sự cần nó không?", "Nếu thiếu nó thì mình có còn sống tốt được không?". Nếu câu trả lời là 1 có, 2 không thì mới mua.
Các bà mẹ trẻ ơi, đừng vì áp lực chi phí nuôi con rồi phải lao đầu vào làm việc mà bỏ quên con. Thời nào thì cũng thế, các em bé cần tình yêu của ba mẹ hơn là cần tiền của ba mẹ đấy.
Thu Hà
Post a Comment