Căn nhà hai tầng của vợ chồng anh Nguyễn Văn Túy (50 tuổi) nằm ở cuối con đường bê tông nhỏ khang trang thuộc phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Chiều hè, khu phố rộn ràng vì tiếng đùa vui của cậu con trai 7 tuổi của anh Túy và mấy đứa nhỏ hàng xóm, đứa đạp xe, đứa đá bóng. Trong nhà, chị Thanh, 43 tuổi, tranh thủ gọt trái Sa kê để chiên cho cả nhà nhâm nhi ngày cuối tuần. Nhìn con trai cười tít mắt khi đùa với bạn, giọng anh Túy trầm ngâm: “Thằng bé chỉ được chơi với bạn khoảng một năm trở lại đây thôi. Trước đó, không được như vậy đâu”.
Tai ương ập đến với họ 7 năm trước khi anh đang làm ngành đường sắt, chị làm công nhân. Giáp tết năm 2011, anh được phân công lái chính tàu SE2, từ ga Sài Gòn đến ga Mương Mán (Bình Thuận). Lúc này, chị Thanh cũng sắp đến ngày dự sinh con trai thứ hai. Anh dự tính, sau chuyến tàu đó sẽ ở nhà chăm vợ, dọn dẹp nhà cửa đón tết và chăm con gái lớn.
Tối ngày 6/2/2011, khi đến gần cầu Gềnh (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) anh vẫn nhận tín hiệu đèn cho tàu vào cầu. Nhưng đến cầu, anh phát hiện có ôtô kẹt trên cầu nên phanh gấp. Tuy nhiên, tai nạn vẫn xảy ra khiến 2 người chết, 22 người bị thương.
Chị Thanh tâm sự từ lúc biết tin tai nạn, chị vẫn một lòng tin chồng mình vô tội: Phan Thân. |
“Mở cửa buồng lái bước xuống, trước mắt tôi là một cảnh tượng rất thương tâm. Tôi lạnh sống gáy, tay chân khựng lại”, anh Túy nhớ lại. Khẳng định mình thực hiện đúng quy trình, anh Túy vẫn bị bắt giam để thực hiện điều tra.
Tối hôm đó, chị Thanh đau bụng sinh. Nhà chỉ có chị và con gái 5 tuổi. “Gọi, anh ấy nói sắp về, tôi cứ thế chờ đến lúc bể ối mới gọi taxi đi đến bệnh viện một mình. Sinh được một ngày cũng không thấy chồng đâu, tôi lo và nghĩ có chuyện gì đó rồi”, chị Thanh kể.
Sợ chị bị sang chấn tâm lý sau sinh, cả hai bên nội ngoại cố giấu, vì họ nghĩ anh Túy chỉ bị giam 3 ngày rồi về. Nhưng rồi anh Túy bị giam thêm 9 ngày, thêm ba tháng, rồi đến tận 298 ngày… “Sinh đến ngày thứ ba, tôi mới biết. Tôi khóc rất nhiều, vì buồn và thương anh”, chị Thanh nhớ lại.
Dù sinh mổ, nhưng ngày thứ năm chị đã một mình đến cơ quan chồng hỏi cho rõ ngọn ngành. “Vết mổ chưa lành, đau lắm, mà tôi kệ. Nỗi đau của anh ấy đau hơn rất nhiều lần”, chị Thanh nói. Được mọi người cho biết anh làm đúng, chị tin chồng mình không có tội.
Anh Túy cho biết, anh đang kháng án lên cấp giám đốc thẩm để được tăng tiền bồi thường oan sai lên đến 2,4 tỷ. Ảnh: Phan Thân. |
Về nhà, chị vừa chăm hai con nhỏ, vừa dùng số tiền được hưởng thai sản và thăm hỏi của mọi người đi đòi công lý cho chồng. Tranh thủ bốn tháng nghỉ sinh, chị đi gõ cửa từng cơ quan chức năng của thành phố Biên Hòa trình bày hoàn cảnh, vừa thể hiện rõ quan điểm của mình. Lần nào chị cũng phải ra về trong thất vọng. Phía cơ quan điều tra và viện kiểm sát cho rằng, anh Túy trực tiếp gây ra vụ tai nạn thì phải chịu hình phạt của pháp luật. Chị vẫn không từ bỏ niềm tin.
Biết chuyện của chị, nhiều người gọi đến ngã giá làm chui để anh được tự do. “Tôi nghe cho biết chứ tiền đâu. Lúc đó, chúng tôi vừa xây nhà xong nên còn nợ. Cuộc sống của ba mẹ con vất vả, khó khăn đủ đường”, chị Thanh từ chối và quyết tâm tìm ánh sáng bằng con đường chân chính, vì không muốn phải nói dối con gái mãi "ba đang đi công tác".
Ở trong tù, ruột gan anh Túy nóng như lửa đốt. Một mặt anh sử dụng kiến thức về ngành đường sắt để chứng minh mình vô tội. Mặt khác, anh tha thiết xin được gọi về hỏi tình hình vợ con. “Nghe mẹ con cô ấy khỏe mạnh, tôi vẫn chưa yên tâm, vì sợ rằng ở nhà vợ không hiểu, bỏ tôi thì buồn lắm”, anh kể.
Con trai được 1,5 tháng, chị Thanh bế vào trại giam thăm chồng. Nhìn vợ mồ hôi nhễ nhại, tay bế, tay dẫn, lưng mang túi đồ ăn, nước uống và ít đồ dùng cho chồng, anh Túy như đứt từng khúc ruột. “Đó là lần đầu tiên tôi khóc, vì được gặp con và thương cô ấy”, anh Túy nhớ lại. Còn chị Thanh, nhìn chồng sút cân, mắt thâm quầng, tay bị xích, khoác trên mình bộ đồ tù nhân thì chỉ biết quay đi để anh không biết mình đang khóc.
Sau khi tại ngoại, anh Túy được cơ quan bố trí công việc ngay. Ảnh: Phan Thân. |
Hơn 9 tháng sau, anh Túy được thả ra, vì các cơ quan tố tụng không chứng minh được anh có tội hay không. Nhận tin báo khi đang làm việc ở xí nghiệp, chị Thanh hét lên vì bất ngờ. “Cả xí nghiệp ai cũng tò mò nhìn”, chị Thanh nhớ lại. Được nghỉ việc hai ngày, chị cùng hai con đi đón chồng.
Cũng từ đó, gia đình họ phải sống trong cảnh khép kín vì những lời dị nghị, những rào cản về mặt pháp lý. “Tôi chẳng dám đi đâu, chẳng dám giao lưu với hàng xóm suốt hơn 5 năm liền, vì mình đã đi tù. Nhìn các con hết lần này đến lần khác mếu máo về mách việc bạn không cho chơi cùng, tôi thương mà chẳng biết làm gì”, anh Túy nói. Một lần nữa, chị Thanh đồng hành cùng chồng trên con đường kêu oan.
Chị ở nhà thay chồng nuôi con, đối nội đối ngoại. Còn anh, với chiếc cặp đầy ắp đơn kêu oan, các quy định về ngành đường sắt, các điều, bộ luật tố tụng hình sự hơn 5 năm liền vào Nam ra Bắc gõ cửa các cơ quan công quyền tìm ánh sáng. “Đi đến đâu, người ta cũng xem tôi như một kẻ có tội, nhưng tôi kệ. Mình không làm sai thì chẳng việc gì phải cúi đầu. Nếu mình không quyết tâm thì cả đời còn lại phải chịu cảnh phạm tội”, anh Túy nói.
Tháng 4/2016, với sự đấu tranh không mệt mỏi, anh Túy được Viện kiểm sát thành phố Biên Hòa xác định không có tội và công khai xin lỗi, bồi thường gần 300 triệu đồng.
Hơn hai năm nay, dù số tiền đền bù chưa đủ bù lấp những chi phí tiền xe, tiền ăn, tiền đi kêu oan..., nhưng gia đình chị Thanh luôn tràn ngập tiếng cười hạnh phúc.
Nếu như trước đây, chị phải dặn con đóng cổng lại mỗi khi ra vào thì bây giờ lại luôn mở, đón mấy đứa nhỏ hàng xóm vào nhà chơi. Anh Túy cũng đã tự tin giao lưu với bạn bè, đưa vợ con về thăm quê, đi du lịch, đến các nơi công cộng. Hết giờ làm anh về phụ vợ đưa đón con đi học, dọn dẹp nhà cửa. Nhìn vợ bằng ánh mắt trìu mến, anh bảo, “Cô ấy đã vì tôi mà hy sinh rất nhiều. Tôi rất biết ơn vì có được cô ấy”.
Phan Thân
Post a Comment