Lấy chồng là con trai một gia đình giàu có ở Đà Lạt, chị Hảo những tưởng đời mình sẽ êm đềm, nhẹ nhàng như cuộc sống ở thành phố này. Nhưng 30 năm qua, hôn nhân của chị chỉ hạnh phúc vài tháng đầu, khi vợ chồng đi đâu cũng quấn quýt, còn mặc áo đôi do chính tay chị may.
Gần một năm sau, vì chưa có tin mừng, chị được mẹ chồng dẫn đến nhà thầy cúng xem rồi mời họ về xông phòng ngủ. Suốt 2 năm với không biết bao nhiêu lần cúng bái cũng không ăn thua, vợ chồng chị lại dắt nhau sang tỉnh khác để xem bói nhà một ông thầy có tiếng. Người này nói anh chị không có con là do chị Hảo có số "sát phu" nên cả hai lại mang lễ đi hóa giải. "Tôi đã rất biết ơn chồng vì anh không vì nghe lời ông thầy bói mà bỏ vợ hay về mách với gia đình mà chỉ âm thầm cùng tôi đi chữa", chị Hảo nhớ lại.
Sau gần chục năm ròng rã "vái tứ phương", anh chị nản lòng, thậm chí không còn trò chuyện, ngủ chung nữa. Cũng thời điểm này, gia đình chồng chia tài sản, ai cũng có phần trừ chồng chị vì không có con. Chán chường, anh đổ lỗi cho vợ khiến mình trắng tay rồi bỏ tới Sài Gòn làm ăn, thỉnh thoảng mới về, để chị thui thủi chịu đủ lời ra tiếng vào.
Mỗi lần nhìn con gái bé nhỏ, chị Hảo vừa hạnh phúc vừa cay đắng, chua chát. Ảnh: MT. |
Vài năm sau, anh đón chị về thành phố, vợ ở nhà may vá, chăm sóc nhà cửa, chồng nhận công trình đi giám sát. Biết chồng qua lại với nhiều phụ nữ khác để có con, chị Hảo nhắm mắt làm ngơ như không biết gì. "Tôi vẫn nghĩ lỗi ở mình nên nếu chồng may mắn có con chỗ khác thì tôi sẵn sàng đón về nuôi", chị kể.
Mười năm trước, anh chị tới bệnh viện khám thì mới hay anh bị teo tinh hoàn do biến chứng quai bị hồi nhỏ, không có tinh trùng. Năm 2012, cả hai quyết định mổ để tìm "con giống" và làm thụ tinh ống nghiệm khi phát hiện được vài con hiếm hoi. Tuy nhiên, ba lần chuyển phôi đầu đều không thành công. May mắn mỉm cười vào lần thứ 4 nhưng chỉ giữ con trong bụng được 5 tháng, chị Hảo bị vỡ tử cung, may cấp cứu kịp nên giữ được tính mạng.
Một năm sau, khi nguôi ngoai nỗi đau, vợ chồng chị lại tiếp tục mổ nhưng không có kết quả. Suốt từ đó, cả hai đã ra Bắc vào Nam, sang nước ngoài chữa trị nhưng vẫn chẳng ăn thua.
Năm ngoái, chị Hảo rủ chồng uống thuốc đông y và vài tháng sau thì có kết quả. Chị bị bác sĩ mắng khi xin làm thụ tinh khi đã ở tuổi 52. "Nhưng tôi thương chồng lắm khi thấy anh cứ gần con nít là cưng nựng, vỗ về. Tôi quyết phải sinh cho anh một đứa con, dù sau đó mình ra sao cũng được", người vợ bày tỏ. Trời không phụ lòng người, cuối cùng chị cũng có bầu.
Cuối tháng 5 vừa rồi, chị Hảo sinh non bé gái ở tuần thứ 30. Niềm hạnh phúc lần đầu làm mẹ vỡ òa. Chị lúc nào cũng lâng lâng, tràn đầy năng lượng dù ngày phải tất tả ra vào bệnh viện vài lần thăm con, đưa sữa vì bé còn ở phòng chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, chị thấy lạ là chồng tỏ ra hững hờ, thường xuyên cáo bận không đến dù anh là sếp ở công ty.
Ngờ vực, chị nhờ một người quen tìm hiểu thì mới hay, ngay khi biết mình có tinh trùng, chồng chị đã nhờ một cô sinh viên mang thai hộ vì sợ vợ cao tuổi, khả năng đậu thai kém. Cô gái đó sinh được một bé trai trước chị và không muốn nhận tiền trăm triệu như thỏa thuận ban đầu, mà muốn làm vợ anh. Chồng chị đã mua cho cô ta một căn hộ cách không xa nhà mình rồi thường xuyên lui tới chung sống.
"Tôi như người thất thần khi vỡ lẽ. Vậy là bao hy sinh, bao cố gắng đổ xuống sông sao?", chị Hảo chia sẻ. Đau đớn, giận dữ nhưng chị không dám thể hiện ra mặt mà phải tỏ ra như không có chuyện gì. "Giờ làm to chuyện thì thể nào họ cũng rũ ra, tôi ra đi tay trắng, con cũng chẳng được gì. Tôi giả mù giả điếc, cố gắng chăm con và sớm kiếm cho mình một việc để có chút kinh tế, sau này tự lo được cho con nếu có bị hất ra đường", chị nghẹn ngào.
Người mẹ tóc đã điểm bạc mắt lấp lánh nước khi nựng nịu cô con gái yêu vừa tròn hai tháng tuổi. Chị chia sẻ, hình như biết thương mẹ, con gái chị tuy sinh non nhưng rất khỏe mạnh, tăng cân đều và đêm ngày đều ăn ngoan, ngủ ngon, không quấy khóc gì.
Lương y Nguyễn Thị Kim Tuyền (Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, dù đã tiếp xúc với hàng nghìn bệnh nhân đến chữa vô sinh, chị vẫn nhớ như in trường hợp chị Hảo do tuổi tác và hoàn cảnh quá đặc biệt. "Tôi ấn tượng nhất hai khoảnh khắc: khi chị ấy khẩn khoản nói phải có con bằng được dù sinh xong có qua đời vì chồng quá khao khát làm bố, và lúc chị suy sụp tới mức suýt hậu sản khi biết anh đã có con riêng", lương y Tuyền chia sẻ.
Theo lương y, phần lớn những người phụ nữ chữa vô sinh đều gặp vô vàn khổ cực nhưng cay đắng nhất có lẽ là khi hy sinh tất cả, cố vượt qua đủ thử thách mà cuối cùng bị bạn đời phản bội, ruồng rẫy.
Vương Linh
Post a Comment