Theo chuyên gia y tế, thuốc tiêm truyền nào cũng có nguy cơ bị sốc phản vệ. Tuy nhiên, thuốc Lincomycin không được dùng phổ biến trong điều trị viêm phổi. Thuốc chỉ được dùng trong điều trị viêm phổi có vi khuẩn yếm khí.

Bé Phạm Thị Thu H. (9 tháng tuổi, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) bị sốc phản vệ sau khi được y sỹ ở gần nhà tiêm thuốc điều trị viêm phổi, trong đó có thuốc kháng sinh Lincomycin. Theo thông tin từ anh Phạm Văn Bốn và chị Nguyễn Thị Nhàn là bố mẹ bé H., dù hiện tại bé bảo toàn được tính mạng nhưng để lại di chứng bại não.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, BS. Nguyễn Văn Thường – nguyên Trưởng khoa Nhi tổng hợp, bệnh viện Xanh Pôn cho biết, viêm phổi có chỉ định dùng Lincomycin. Tuy nhiên, hiện nay thuốc đó được dùng ít hơn, trong một số trường hợp đặc biệt, loại thuốc này vẫn được sử dụng.

Tuy nhiên, theo khẳng định của BS. Thường thì khi tiêm bất cứ loại thuốc gì cũng có thể gây sốc phản vệ chứ không chỉ riêng Lincomycin. Để xác định Lincomycin có phải gây sốc phản vệ không, phải xem việc chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi đúng chưa, khi điều trị liều dùng có đúng không? Nếu đúng khi xảy ra sốc phản vệ, người làm ngành y có xử lý có đúng tốc độ hay không.

Sức khỏe - Vụ bé 9 tháng tuổi bị sốc phản vệ vì y sĩ làng: Thuốc tiêm không được dùng phổ biến

Thuốc mà y sỹ đã tiêm cho bé H. (Ảnh: Gia đình cung cấp).

Cùng bàn về vấn đề này, BS. Nguyễn Thanh Sang, đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh cho biết, sốc phản vệ là một trong những sự cố không mong muốn trong y khoa. Đây là phản ứng hệ thống cấp xảy ra khi có sự xâm nhập của dị nguyên (thuốc) vào cơ thể. Đặc điểm khi xảy ra sốc phản vệ có đặc tính thấm thành mạch, phù nề, xuất tiết niêm mạc, co thắt cơ trơ dẫn tới trụy tim mạch, suy hô hấp và dẫn tới tử vong.

Theo nguyên tắc tất cả các loại thuốc tiêm mạch đều có phần trăm rất nhỏ gây sốc phản vệ do thuốc. Đây là điều xảy ra không theo sự mong muốn của bác sĩ mà do cơ địa của trẻ bị sốc. Không chỉ có kháng sinh mà ngay cả các loại khoáng và vitamin C dạng tiêm truyền khi tiêm vào vẫn có thể gây ra sốc.

Từ những phân tích trên, BS. Sang đưa ra khuyến cáo: “Tất cả các loại thuốc tiêm truyền đều cần phải nhập viện để tiêm, truyền chứ không được tiêm ngoài bệnh viện. Nếu không nhập viện, bệnh nhân cũng phải vào trạm xá để tiêm, truyền. Khi chăm sóc trẻ, nếu trẻ có dấu hiệu chuyển biến nặng cần phải báo cáo với bác sĩ, tuyệt đối không tự ý bỏ điều trị ra bên ngoài để tiêm thuốc sẽ rất nguy hiểm”.

Cũng theo bác sĩ Sang, thuốc Lincomycin không được dùng phổ biến trong điều trị viêm phổi. Vì khi chỉ định dùng loại thuốc này sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra viêm phổi là gì và nguồn gốc bệnh nhân mắc ở đâu. Ví dụ cần phải xác định viêm phổi của trẻ nhỏ từ cộng đồng hay từ bệnh viện. Cộng với kết quả xét nghiệm đờm nuôi cấy phát hiện ra con vi khuẩn nhạy với kháng sinh Lincomycin sẽ được bác sĩ sử dụng. Đây là một loại thuốc kháng sinh dùng có chỉ định không được dùng phổ biến.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định dùng Lincomycin ngay nếu qua khám lâm sàng trẻ có triệu chứng nặng như nôn ra rồi hút mà không cần thiết phải xét nghiệm. Tuy nhiên phần lớn vẫn phải nuôi cấy đờm để biết nhiễm vi khuẩn gì để dùng kháng sinh nhạy với con đó.

“Thuốc Lincomycin chỉ được dùng trong các trường hợp có nhiễm trùng nặng. Đây là dòng kháng sinh điều trị viêm phổi khi có vi khuẩn yếm khí, nếu bị nhiễm loại vi khuẩn này trẻ sẽ bị rất nặng”, bác sĩ Sang nói.

Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai cũng đưa ra ý kiến, thuốc tiêm truyền nào cũng có nguy cơ bị sốc phản vệ. Theo nguyên tắc khi dùng kháng sinh không cần phải thử vì nếu cơ địa bị sốc phản vệ với loại thuốc đó thì dù liều lượng cực nhỏ (thử thuốc) vẫn có thể gây sốc phản vệ.

“Thuốc Lincomycin chỉ được dùng trong điều trị viêm phổi có vi khuẩn yếm khí. Tuy nhiên, vi khuẩn yếm khí rất ít khi gặp trong viêm phổi. Thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh khi bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có vi khuẩn yếm khí hoặc tụ cầu (thuốc có tác dụng một chút)”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.

Nguyễn Huệ

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top