Căn nhà nhỏ của chị Nguyễn Thị Hà (36 tuổi) nằm trong con đường nhỏ, phía sau bạt ngàn rừng cao su của thị xã Gia Ray, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Hơn một tuần nay, từ lúc được nhận lại cậu con trai 27 tháng tuổi từ tay chồng cũ, chị lúc nào cũng đầu bù tóc rối vì việc nhà và sạp trái cây ở chợ, nhưng lại thấy vui và yêu đời hơn bao giờ hết. Chiều đến, được đón mẹ về, bé Bảo hát rồi nhảy múa, bày đồ chơi khắp nhà. Nhìn con, chị Hà cười tít mắt, để lộ hai má hóp sâu, da đen sạm vì thời gian dài mất ngủ, ăn uống không đầy đủ.
Chị Hà kể, sau đám cưới vào năm 2015, phát hiện mình mang thai thì rất vui và hạnh phúc nhưng bố mẹ chồng lại không thích điều đó. Bản thân từng có hai đời vợ và hai con gái, anh Thực sợ tiếp tục có thêm nàng công chúa nên cũng nghe theo bố mẹ, muốn chị bỏ thai. Chị Hà quyết định ôm bụng bầu về nhà bố mẹ đẻ, với suy nghĩ, sinh con xong sẽ tự nuôi một mình.
Biết vợ sinh con trai, anh Thực đi xin lỗi, hứa làm một người cha, người chồng tốt. “Vợ chồng ghét bỏ nhau, nhưng con thì phải có ba mẹ”, chị nghĩ. Vậy là chị tha thứ, cùng chồng về lại căn nhà cũ, những mâu thuẫn trước đây xí xóa hết. Nhưng khi bé Bảo hơn 7 tháng cũng là lúc mẹ em phải ra khỏi nhà chồng, mất quyền chăm con.
Để được nhận lại con, chị Hà không chỉ tốn hơn 100 triệu cho chi phí đi lại, nộp đơn... mà còn tốn bao nhiêu công sức, nước mắt. Ảnh: Phan Thân. |
Phải xa con khi ngực còn căng sữa, chị Hà như điên dại, chỉ biết mang hình con ra ngắm, nước mắt cứ thế rơi. “Đêm về, sữa căng cứng thấm ra áo, phải vắt bỏ đi trong khi đó, thằng bé đang khóc ngắt nghẽo vì đói khát, thiếu hơi ấm của mẹ, tôi chỉ muốn hét lên, ai nói gì cũng cáu gắt, quát mắng. Lúc đó, tôi như một đứa khùng điên”, chị Hà rưng rưng nhớ lại.
Nghĩ mình phải chịu bao nhiêu vất vả, đau đớn mới sinh được đứa con, vậy mà chẳng được ở bên chăm sóc, chị Hà quyết định nộp đơn ra tòa ly hôn, tranh chấp quyền nuôi con. Song song đó, chị nghỉ việc, dùng số tiền tiết kiệm làm lộ phí đi gõ cửa từng cơ quan chức năng tố cáo chồng giấu con.
Không biết viết đơn, đi thuê lại tốn kém, chị quyết định tự mình khai bút. “Phải mất 6 ngày viết, 2 ngày đánh máy, tôi mới làm xong một tờ đơn”, chị kể.
Từ chỗ ở đến thành phố Biên Hòa hơn 80km, đi lại khó khăn, tốn kém nhưng ngày nào chị cũng xách hành lý lên đường, ước mong được ôm con trai vào lòng cho thỏa nỗi nhớ mà chẳng được. Lần nào đến nơi, chị cũng phải ra về trong thất vọng, ê chề và nước mắt. Anh Thực cho rằng, vợ có vấn đề về thần kinh nên tìm đủ lý do để con trai không được tiếp xúc với mẹ.
Cả ngày phải ngồi trên xe người ê ẩm, nhức mỏi, mặt bơ phờ, trở về nhà, chị cứ thế nằm bất động một chỗ. Nhiều người biết chuyện khuyên chị đừng làm khổ mình nữa, sẽ chẳng có kết quả. Nhưng chị không cam tâm, càng thương con, khát khao được ôm con trong vòng tay. “Nếu không có thằng bé bên cạnh, tôi sống chẳng còn ý nghĩa gì cả”, chị nói.
Chị Hà cho biết, sẽ gắng làm kiếm tiền, tiết kiệm để nuôi bé Bảo học hành đàng hoàng, không cần chồng cũ phải cấp dưỡng. Ảnh: NVCC. |
Sau hơn hai tháng tiếp nhận đơn, TAND tỉnh Đồng Nai chấp nhận yêu cầu của chị Hà, vì bé Bảo còn nhỏ, rất cần bàn tay chăm sóc của người mẹ. Cơ quan thi hành án dân sự thành phố Biên Hòa cũng 3 lần ra quyết định cưỡng chế, buộc anh Thực giao con nhưng người cha ấy nhất quyết không hợp tác.
Tiền hết, chẳng được gặp con, sức khỏe cũng cạn kiệt nhưng khát vọng nuôi con của chị chưa bao giờ tắt. Chị quyết định bán mảnh đất được 200 triệu làm lộ phí, tiếp tục hành trình đi đòi công lý. Mặt khác, chị giảm bớt số lần đi thăm con chỉ còn một tuần hai lần, thời gian còn lại thì lấy trái cây về bán kiếm lời.
“Cứ rảnh là lại nhớ thằng bé, bỏ thời gian đi thăm chẳng được gặp, vì thế tôi làm việc ngày đêm. Thấy tôi cứ chạy nhong nhong ngoài đường giữa trời nắng, chẳng thèm bịt mặt, nhiều người xót lắm nhưng đẹp để làm gì khi không có con bên cạnh”, chị Hà nói.
Gần hai năm liền, các cơ quan chức năng cho biết sự việc bị bế tắc vì anh Thực cương quyết không giao con, chị Hà vô cùng chán nản, mệt mỏi và chẳng còn thiết tha điều gì nữa. Ngồi bán trái cây ở chợ mà chị cứ nghĩ, mình sẽ làm điều xấu để được nhìn con một lần rồi chết cũng được. Rồi chuông điện thoại của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) gọi báo, chị chuẩn bị giấy tờ để ngày 27/3 đến đón bé Bảo.
“Được người quen đồng ý bán hàng giúp, tôi chạy xe hơn 80km giữa trưa đi xác minh có phải mình bị nhầm không. Nghe họ khẳng định, tôi vui lắm, miệng cười nhưng nước mắt cứ trào ra. Lúc thấy thằng bé được ba bế đến, tôi muốn chạy đến ôm hôn một cái, nhưng sợ lâu không gặp mẹ nó lạ sẽ khóc. Tôi phải bảo anh Thực giả vờ đi làm, vậy là thằng bé ngoan ngoãn lên xe để mẹ chở về”, chị Hà nói. Dù không được ở bên mẹ thời gian dài, nhưng Bảo chẳng lạ.
Về nhà mới, em chơi ngoan, ngủ ngon, lúc nào cũng nói yêu mẹ. Chị Hà cũng đã tìm được trường gửi con gần chỗ làm để vừa yên tâm làm việc, vừa tranh thủ lúc rảnh ghé nhìn thằng bé một lúc cho đỡ nhớ. Chị cho biết hiện nay có thu nhập hơn 500 ngàn đồng/ngày từ việc bán trái cây, đủ lo cho cuộc sống của hai mẹ con và tiết kiệm sau này cho bé Bảo đi học. Chị cũng sẽ tạo điều kiện để con trai được gặp ba.
Một chấp hành viên của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) cho biết, sau khi tiếp nhận đơn của chị và bản án của tòa đã nhiều lần ra biện pháp cưỡng chế nhưng anh Thực không chịu hợp tác. Lần gần gây, nhận ra việc mình làm là sai, anh đã đồng ý mang con đến giao cho vợ cũ. “Tôi cũng là một người mẹ nên rất hiểu cho hoàn cảnh của chị Hà. Nhìn chị ấy chơi đùa cùng con sau gần hai năm xa cách, thương và rất cảm động. Đúng là, chẳng có gì có thể ngăn cách được tình mẫu tử", vị chấp hành viên nói.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Phan Thân
Post a Comment