Dưới đây là chia sẻ của anh Quang Đại, 34 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội, về những khó khăn anh đang phải đối mặt chỉ vì thời trẻ mải kiếm tiền, không lấy được bằng đại học:

Tôi sinh ra trong một gia đình khá khó khăn về kinh tế. Bố mẹ tôi đều là lao động tự do. Dưới tôi có một em gái kém 3 tuổi. Khi còn học cấp 3, tôi đã tự đi kiếm tiền, lo những chi tiêu cá nhân cùng vài thằng bạn. Khoảng những năm 98-99, mỗi buổi tối đến giờ quay xổ số, chúng tôi tụ họp lại để xem rồi đi in những tờ kết quả, bán cho người đi đường. Mỗi thằng đứng một đoạn đường, thi nhau rao bán. Mỗi tờ được 500 đồng, dần dần tăng giá lên thành 1.000 đồng. Mỗi tối cũng bán được khoảng 15 - 20.000 đồng, đủ tiền ăn sáng, ăn trưa và chơi điện tử.

Tôi học khối A, thuộc thành phần "lười nhưng thông minh" nên kết quả hồi cấp 3 cũng không đến nỗi tệ. Tôi cũng được vào đội tuyển Toán đi thi thành phố nhưng vì không chú tâm, mải chơi điện tử, nên bị loại ra trước ngày thi. Tôi quyết tâm dành thời gian ôn thi đại học, và mục tiêu là khoa Công nghệ thông tin, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Tôi cũng đi học lò nọ, thầy kia nhờ số tiền tự kiếm được, nhưng thi năm thứ hai mới đỗ.

Mải mê kiếm tiền từ thời sinh viên, tôi giờ mới nhận ra hậu quả cay đắng. Ảnh mang tính minh họa.

"Mải mê kiếm tiền từ thời sinh viên, tôi giờ mới nhận ra hậu quả cay đắng". Ảnh mang tính minh họa.

Năm đầu học đại cương là chuỗi ngày trốn học triền miên của tôi và đám bạn. Đứa nào đứa đấy mang tiếng cắp sách đi học nhưng toàn điểm danh ở quán game. Trước ngày thi cả lũ mới tán loạn đi photo tài liệu, cắm đầu cắm cổ học, có môn qua môn không. Nhưng với lũ con trai chúng tôi, việc thi lại, học lại không phải vấn đề to tát lắm. Lúc đó, tôi chỉ tặc lưỡi "sinh viên thi lại là điều tất nhiên".

Đến cuối năm thứ hai, tôi bắt đầu theo chân ông anh khóa trên đi sửa máy tính cho người ta, rồi trợ giúp viết code. Mỗi tháng cũng kiếm được khoảng 400-500 nghìn. Nhưng bù lại tôi phải nghỉ học khá nhiều, vì đi sửa máy cho công ty toàn vào trúng giờ học, tối lại hì hụi ngồi lập trình đến gần sáng, có tới được lớp cũng bò ra ngủ.

Cứ như thế, tôi mải mê lao vào kiếm tiền, tự nhận máy về nhà sửa, rồi lại cộng tác viết bài cho một tờ báo về công nghệ. Thu nhập hàng tháng của tôi khi đó có tháng tới hơn 1 triệu, một số tiền rất lớn với một đứa sinh viên thời điểm đó. Tôi rủng rỉnh không phải xin tiền bố mẹ, thi thoảng cho đứa em, rồi lại mua máy về nghịch ngợm. Nhiều đứa cùng lớp nhìn tôi với con mắt ngưỡng mộ.

Nhưng đổi lại những xấp tiền hàng tháng là danh sách dài những môn tôi phải học lại. Tôi vẫn bảo vệ luận án, được loại khá nhưng chưa thể có bằng vì còn tới 5 môn chưa trả xong. Đăng ký học lại đồng nghĩa với việc phải học với các em khóa dưới, tôi cố gắng lắm mới hoàn thành được 2 môn, vẫn còn 3 môn nữa. Văn phòng khoa nhiều lần gọi điện nhắc nhở lên đăng ký học và đi thi nhưng vì khi đó đã đi làm tại một công ty truyền thông nên cứ lần lữa mãi. Cuối cùng tôi không thể lấy bằng vì quá hạn.

Lúc đầu đi làm tại công ty này, tôi nộp tạm giấy chứng nhận tốt nghiệp, nhưng khi họ yêu cầu phải nộp bằng chính thức, tôi không biết phải làm sao nên đành nghỉ việc. Mang tiếng là có việc làm "ngon lành" ngay khi ra trường, tôi phải nhận gáo nước lạnh khi chính mình phải chủ động ra đi. Khi đó, mức lương của tôi là 4 triệu đồng, khá cao so với nhiều đứa bạn.

Tôi sau đó lăn lội qua nhiều công ty về công nghệ khác, nhưng đều là tư nhân, vì không có bằng. Mức lương cũng chỉ xấp xỉ hoặc cao hơn vậy một chút, trong khi mấy đứa bạn vào làm ở những tập đoàn lớn, lương cao gấp đôi, gấp ba tôi. Tôi biết năng lực của mình không kém, thậm chí hơn nhiều người, nhưng không thể vào làm những công ty to, chế độ đãi ngộ tốt. Khi đó tôi mới cảm thấy hối hận và thấy tầm quan trọng của tấm bằng đại học.

Năm 2010, tôi kết hôn với cô bạn cùng đại học nhưng khác khoa. Vợ biết rõ hoàn cảnh của tôi trước đây, cô ấy còn từng rất ngưỡng mộ vì tôi lúc nào cũng bận rộn đi làm và kiếm được tiền kha khá khi còn ngồi trên giảng đường, trong khi cô ấy và đại đa số sinh viên vẫn nhận tiền trợ cấp từ bố mẹ. Vợ cũng biết tôi mải mê kiếm tiền sớm nên không tốt nghiệp được. Có lẽ vì thế mà cô ấy luôn tôn trọng tôi, dù tôi không kiếm ra nhiều tiền.

Vợ tôi sinh em bé sau đó một năm. May mắn vợ là một người tháo vát, làm truyền thông, giỏi tiếng Anh nên thu nhập cũng khá. Tiền lương của cô ấy gấp 4 lần tôi. Mọi chi tiêu trong nhà một tay cô ấy lo liệu hết. Mỗi tháng tôi đưa vợ 4 triệu, gọi là có góp chi phí. Vợ tôi cũng không kêu ca vì biết tôi cũng chỉ còn vài triệu để tiêu. Đi ra ngoài, cô ấy luôn giữ thể diện cho tôi, cái gì cũng nói chồng mua tặng, chồng mua cho con. 

Dù vậy, trong thâm tâm, tôi nhiều khi thấy chán nản với chính mình, thấy mình thua kém mọi người quá. Đứa con thứ hai sắp chào đời, mọi gánh nặng tài chính sẽ lại tăng thêm, tôi không muốn vợ mình phải lo toan quá nhiều vì cô ấy đã rất vất vả. Vợ động viên tôi nên đi học thêm đại học tại chức, hay các khóa đào tạo chuyên sâu ít ra cũng sẽ có cơ hội tìm việc làm tốt hơn. Đã 34 tuổi, bắt đầu mọi thứ từ đầu, sẽ rất khó khăn nhưng tôi nghĩ học không bao giờ là muộn.

Tôi chỉ tiếc một điều là đáng lẽ ra mình đã rút ngắn thời gian hơn rất nhiều nếu tập trung học cho xong trước khi đi làm. Có lẽ tôi đã có một công việc tốt hơn. Giờ mọi thứ đã trễ... nhưng cánh cửa chưa hẳn đã đóng lại.

Quốc Đại

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top