“Ngộ độc nấm” luôn là một trong những “ca khó” và có tỉ lệ tử vong cao, đặc biệt xảy ra đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi như Hà Giang, Bắc Kạn, Lai Châu, Điện Biên, Thái Nguyên, Yên Bái, Sơn La... Đó là những thông tin được chia sẻ bởi Ths. BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc (bệnh viện Bạch Mai).
“Ngộ độc nấm” xảy ra thường là các vụ gồm nhiều người, ít khi lẻ tẻ 1 – 2 người bị. Nguy cơ tử vong do ăn phải nấm độc khoảng trên 50%”, BS. Nguyên thông tin.
TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc, người đã trực tiếp có những tìm hiểu, nghiên cứu và tiếp xúc trực tiếp với các loại nấm ở vùng rừng núi Cao Bẳng kể lại một số vụ ngộ độc nấm mà ông từng chứng kiến.
Bệnh nhân bị ngộ độc nấm đang điều trị tại Trung tâm Chống độc – bệnh viện Bạch Mai. |
Theo thống kê từ TS. Dũng, riêng ở Cao Bằng, từ năm 2003 – 2009, khi chưa có sự can thiệp của truyền thông, có 81 ca ngộ độc do ăn phải nấm độc, trong đó 17 người tử vong.
Trong số 17 người đó có 1 gia đình 9 người ở huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng bị ngộ độc do sau khi xây nhà xong họ đi hái nấm rừng về để... ăn khao, thì 8 người tử vong, chỉ còn duy nhất cháu Hoàng Văn S. (10 tuổi) “thoát án tử” sau khi được cấp cứu tại Trung tâm Chống độc.
Từ năm 2010 đến năm 2014, tổng số người bị ngộ độc nấm giảm xuống ở con số 12, trong số đó có một nữ bệnh nhân quê ở huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng đang mang thai ở tháng thứ 4 bị tử vong.
“Đối với trường hợp này, trước đó thấy nấm được côn trùng ăn nhưng côn trùng không bị sao nên cũng ăn. Thực tế, tất cả các loại nấm độc đều bị kiến, ốc sên, sâu bọ ăn.
Một số người còn cho gà, chó ăn nấm để biết đó có phải nấm độc hay không. Điều này chỉ đúng với nấm tác dụng nhanh, còn nấm gây chết người thường có tác dụng chậm từ 12- 24h.
"Một sai lầm khác khi xác định nấm độc là người dân dùng thìa, đũa, dây chuyền bạc, nếu thay đổi màu sắc thì chứa độc. Điều này hoàn toàn sai, bởi độc tố của nấm không có tác dụng với bạc nên không đổi màu”, bác sĩ Dũng chia sẻ.
Một số cây nấm độc (ảnh Trung tâm chống độc cung cấp). |
TS. Dũng cũng cho hay, rất khó có thể phân biệt được nấm độc và không có độc tố. Vì nấm độc cũng có nón, thân, rễ giống như nấm không độc. Thậm chí có một số loại nấm độc tán trắng có hình dáng màu trắng trông rất đẹp và rất ngon.
Người bị ngộ độc nấm thường có những dấu hiệu về đường tiêu hóa sau khi ăn bị nôn, tiêu chảy. Những loại nấm độc có những dấu hiệu rối loạn đường tiêu hóa sớm sau khi ăn thường không gây nguy hại cho sức khỏe bằng nấm có biểu hiện muộn. Ngộ độc các loại nấm có lượng độc ít chỉ cần truyền dịch sẽ khỏi.
“Những loại nấm có những biểu hiện muộn sau 6 tiếng rất nguy hiểm, dễ mất mạng. Bởi vì triệu chứng khi ngộ độc thường mơ hồ như: đi ngoài, nôn nhưng tự cầm sau đó. Khi các triệu chứng quay lại có thể gây tổ thương gan, thận, suy đa tạng và tử vong.
Chất gây độc dẫn đến tử vong là do chất amatoxin. Bệnh nhân ăn phải loại nấm có chứa amatoxin sau 6 tiếng mới xuất hiện triệu chứng gây chảy máu, tổn thương gan dẫn đến tử vong do suy đa tạng”, TS. Dũng nói.
Dẫn ra trường hợp này là gia đình 5 người bệnh ở Thái Nguyên ăn phải nấm độc, khi được đưa xuống Trung tâm Chống độc cấp cứu họ hoàn toàn tỉnh táo nhưng sau đó bệnh nhân dần lâm vào tình trạng hôn mê và cả 5 người đều tử vong.
Mới đây, Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận và cấp cứu cho 6 người trong một gia đình ở Điện Biên vì bị ngộ độc nấm. Bệnh viện và gia đình phải thuê cả một chuyến trực thăng chở 6 người xuống Hà Nội để được cấp cứu kịp thời.
Tuy nhiên, khi nhận dạng được loại nấm mà gia đình ăn phải, các bác sĩ đã cho bệnh nhân quay về bệnh viện tỉnh điều trị, vì loại nấm họ ăn chỉ gây rối loạn tiêu hóa, không có nguy cơ tử vong.
Nguyễn Huệ
Post a Comment