Chàng trai trẻ ở Thái Nguyên mắc chứng rối loạn cảm xúc, không uống thuốc đều đặn nên đã tự cắt cả dương vật và hai tinh hoàn.

Kết quả kiểm tra một tháng, phần tinh hoàn màu vàng cho thấy có màu vào nuôi dưỡng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Thạc sĩ Vũ Trung Trực, khoa Phẫu thuật Hàm Mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết, người bệnh được sơ cứu tại y tế tuyến cơ sở, thắt mạch cầm máu, bảo quản bộ phận đứt rời sau đó chuyển đến Bệnh viện Việt Đức trong đêm.

Khi đó vùng mỏm cụt chảy máu nhiều, người bệnh tâm thần không kích thích nhưng ít giao tiếp. Hai tinh hoàn và dương vật đứt rời hoàn toàn tách thành 3 khối riêng không có chung mạch máu nuôi dưỡng. Khoa tiến hành cấp cứu cầm máu, truyền dịch, mời hội chẩn chuyên khoa tâm thần và hội chẩn đa chuyên khoa.

Theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm Mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức, nối lại cả dương vật và tinh hoàn đứt rời là một thách thức đối với các phẫu thuật viên tạo hình.

Quá trình này cần sự phối hợp nhịp nhàng nhiều khâu như sơ cứu, bảo quản, kíp phẫu thuật vi phẫu chuyên nghiệp, trang thiết bị hiện đại… Khoa đã phải huy động nhiều bác sĩ không có nhiệm vụ trực trong đêm hôm đó.

Dương vật, mỗi bên tinh hoàn đều có hệ thống cung cấp máu riêng, các bác sĩ phải nối vi phẫu động mạch, tĩnh mạch, ống dẫn tinh... Ảnh: Bệnh viện cung cấp.


Trường hợp này còn gặp nhiều khó khăn hơn vì người bệnh có rối loạn tâm lý, đến viện muộn (10 giờ sau tai nạn). Ngoài ra, việc bảo quản bộ phận đứt rời chưa thực sự tốt, dương vật và tinh hoàn không chung mạch nuôi, coi như đây là 3 phần cơ thể đứt rời riêng rẽ. Các mạch máu cần khâu nối có kích thước rất nhỏ.

“Người bệnh còn quá trẻ nên chúng tôi vẫn quyết định mổ vi phẫu nối lại cả hai tinh hoàn và dương vật dù biết rất khó”, tiến sĩ Hà nói.

Thạc sĩ Vũ Trung Trực, thành viên của kíp mổ cho biết, ca mổ kéo dài hơn 10 giờ đồng hồ với sự tham gia của hàng chục bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình, tiết niệu, gây mê hồi sức với đồng thời 3 kíp nối vi phẫu. Dương vật và cả hai tinh hoàn đứt rời đều được phục hồi không chỉ mạch máu, thần kinh mà cả đường dẫn nước tiểu, ống dẫn tinh... Sau mổ dương vật sống tốt, trên siêu âm có các tín hiệu tái lập tuần hoàn cho tinh hoàn.

Sau 3 tuần, bệnh nhân được xuất viện. Đến nay sau hơn một tháng, các vết mổ liền tốt, chức năng tiết niệu hoàn toàn bình thường, chức năng sinh dục đã có dấu hiệu cương. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần được theo dõi đánh giá lâu dài. Theo các báo cáo quốc tế, hầu hết trường hợp như thế này sẽ bị suy giảm một phần chức năng.

Cũng theo tiến sĩ Hà, trên thế giới, tổn thương đứt rời cả dương vật và tinh hoàn cực kỳ hy hữu. Trên thế giới mới có khoảng trên 5 ca ghép thành công tinh hoàn được ghi nhận. Tại Việt Nam chưa có trường hợp nào tương tự, ngoài các ca ghép dương vật thành công.

Bác sĩ khuyến cáo, khi xảy ra tai nạn đứt rời dương vật và tinh hoàn, khâu sơ cứu rất quan trọng. Cần đặt nhiều gạc vào mỏm cụt, ép chặt và băng vòng qua mông để cầm máu, tuyệt đối không nên kẹp hay thắt mạch. Bộ phận đứt rời cần được bảo quản đúng cách, sau đó chuyển bệnh nhân đến đơn vị y tế chuyên sâu càng sớm càng tốt.

Từ ngày 27/11 đến 3/12, các chuyên gia của bệnh viện hàng đầu ở Anh và Mỹ chuyên về phẫu thuật tạo hình dị tật sọ mặt và các khối u lớn đầu mặt hoặc thân mình, kết hợp bác sĩ khoa Phẫu thuật Tạo hình – Thẩm mỹ Bệnh viện Việt Đức, khám bệnh và phối hợp phẫu thuật cho bệnh nhân. Bệnh nhân khám tại khoa ở tầng 5 nhà D Bệnh viện Việt Đức (phố Phủ Doãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội) hoặc đăng ký lịch khám qua điện thoại 0438253531 (số máy lẻ 350).

Theo VNE

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top