Sốt cao, đái ra mủ

Ông Trần Văn Đạo trú tại Văn Giang, Hưng Yên vừa nhập viện trong tình trạng sốt cao, đi tiểu ra dịch trắng.

Ông Đạo kể, cách đây 7 năm, ông đã mổ sỏi thận. Vài tháng gần đây lại thấy xuất hiện cơn đau quặn lưng nhưng do sợ mổ nên ông lấy thuốc nam về uống. Được hơn 1 tháng, triệu chứng lại nặng lên, lúc này ông đã có triệu chứng đi tiểu rắt, tiểu buốt. Ông Đạo chỉ nhập viện khi thấy sốt cao, đi tiểu ra mủ. Tại đây, bác sĩ phát hiện ông bị biến chứng do sỏi thận gây nên.

Theo con ông Đạo, trước đây, ông rất lười uống nước. Bản thân ông cả ngày chỉ uống hai cốc nước trà nhỏ lúc sau ăn cơm, cộng với thói quen cả nhà ăn mặn nên ông và con trai lớn 34 tuổi đã bị sỏi thận phải tán sỏi thận ngoài cơ thể 2 lần.

PGS Đỗ Gia Tuyển – Trưởng Khoa Thận - Tiết Niệu, bệnh viện Bạch Mai cho biết, ông Đạo bị nhiễm trùng do ứ sỏi. Với các trường hợp nhiễm trùng nhẹ, các triệu chứng có thể là tiểu rắt, đau lưng, thử nước tiểu thấy có bạch cầu một + hoặc hai +.

Trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể bị tiểu ra mủ, sốt cao. Nếu phối hợp với bế tắc đường tiểu có thể gây ra thận ứ mủ hoặc thận hoá mủ.

Ảnh minh họa

Nếu bệnh nhân bị sỏi thận không được phát hiện sớm, để đến giai đoạn bị nhiễm trùng thì việc điều trị sẽ gặp khá nhiều khó khăn.

Các bác sĩ thường chỉ dám đặt 1 ống vào thận để dẫn lưu mủ ra ngoài rồi chờ cho tình trạng nhiễm trùng giảm đi, bệnh nhân khá hơn mới dám điều trị triệt để.

Trường hợp của bà Đỗ Thị Hà 54 tuổi, trú tại Hà Tĩnh không bị ứ mủ thận nhưng bà Hà bị suy thận cấp do sỏi thận mà không biết.

Bà Hà kể, bà không biết mình bị sỏi thận. Đến khi 3 – 4 ngày, bà không đi tiểu được đi khám bệnh mới phát hiện thận teo lại dấu hiệu của suy thận cấp.

Sau điều trị tích cực gần 1 tháng, thận của bà Hà không phục hồi nên bác sĩ chuyển sang điều trị chạy thận nhân tạo chu kỳ.

Hãy ăn nhạt, uống nhiều nước

PGS. Tuyển cho biết bệnh, sỏi thận có nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Tuy nhiên, bệnh này hay xảy ra đối với những người có thói quen ăn mặn, uống ít nước.

Theo giải thích của bác sĩ, khi uống nhiều nước sẽ làm nước tiểu loãng ra và nên uống mỗi ngày từ 2,5-3 lít nước sôi để nguội. Nên uống nhiều nước cam, chanh, bưởi vì những thức uống này chứa nhiều citrat giúp chống lại sự tạo sỏi thận.

Vì thực phẩm chứa nhiều muối và nhiều chất đạm sẽ làm giảm độ pH nước tiểu, kích thích bài tiết chất calcium và cystine gây sỏi, nên bạn tránh ăn nhiều thực phẩm chứa chất purine có trong cá khô, thịt khô, mắm, lòng, vì dễ gây ra sỏi niệu.

Ngoài ra, nên giảm ăn uống các thực phẩm chứa nhiều oxalat như trà đặc, cà phê, chocolate, bột cám, ngũ cốc, rau muống...

Ảnh minh họa

Triệu chứng của sỏi thận khó phát hiện. PGS. Tuyển cho biết quá trình hình thành sỏi không có triệu chứng nên bệnh nhân thường không biết. Chỉ đến khi sỏi đã lớn, gây đau đớn hay đi tiểu ra sỏi mới biết.

Thông thường, triệu chứng thường gặp của bệnh này là xuất hiện các cơn đau vùng thắt lưng, lan xuống hố chậu, kèm nôn hay trướng bụng. Có khi bệnh nhân chỉ đau âm ỉ vùng thắt lưng do sỏi không gây tắc.

Bệnh nhân có thể đau khi đi tiểu, nước tiểu đục, đi tiểu ra máu do sỏi gây tổn thương đường tiết niệu hay do nhiễm khuẩn, làm thận chảy máu. Người bệnh có thể sốt cao 38-39 độ C, hoặc ớn lạnh, thận có cảm giác bỏng rát.

Sỏi thận cũng có thể được phát hiện bất ngờ qua chụp X quang kiểm tra sức khoẻ. Vì vậy, để tránh biến chứng của sỏi thận, mọi người nên có thói quen đi kiểm tra sức khoẻ. Bác bác sỹ khẳng định, chỉ cần siêu âm và thử nước tiểu có thể phát hiện ra sỏi thận.

Theo Trí Thức Trẻ

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top