Đó là chia sẻ của ĐBQH Nguyễn Anh Trí, Anh hùng lao động, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung Ương. Theo đó trong năm 2015, ông Trí đã đăng ký hiến tạng và đến tháng 8/2016 đã được đích thân Ths. BS Nguyễn Hoàng Phúc - PGĐ Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người – trao tấm thẻ xác nhận đồng ý hiến tạng sau khi chết não.

Ông Trí đã đăng ký hiến "tất cả những phần có thể hiến được" bao gồm thận, tụy, tim, gan, xương,... tuy nhiên chỉ có phần da là xin giữ lại.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí khoe tấm thẻ hiến tạng được Ths. BS Nguyễn Hoàng Phúc - PGĐ Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người trao (ảnh báo Sức khỏe đời sống)

Lý giải về điều này, ông Trí cho biết: "Lúc đó, tôi vẫn còn suy nghĩ sau khi chết thế nào cũng phải đem đi chôn mà đã chôn là phải có da. Tuy nhiên, nơi tôi đăng ký ứng cử ĐBQH là huyện Đông Anh, nơi mà có hơn 90% người dân sau khi chết thực hiện hỏa thiêu chứ không chôn cất. Điều này khiến tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ về bản thân mình.

Vì vậy, tôi đã thay đổi suy nghĩ bản thân. Nếu phần da của tôi có thể hiến được cho ai đó trong trường hợp không may gặp rủi ro bị chết não, tôi cũng sẽ tình nguyện hiến cho người đó", GS.TS Nguyễn Anh Trí cho biết, ông đồng tình với phương pháp hỏa thiêu sau khi chết.

Hiện, ông đang liên lạc với Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để “xin” lại tờ đơn tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau chết/chết não để “tích” thêm phần tự nguyện hiến da.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, nhu cầu hiến mô, tạng ở nước ta hiện nay đang rất lớn. Với vai trò là lãnh đạo viện Huyết học và truyền máu Trung ương, ông khẳng định, máu cũng là một loại mô lỏng, có thể được hiến tặng để cứu người.

Việc tuyên truyền hiến máu nhân đạo đã thực hiện ở nước ta trên 20 năm nay. Thời gian đầu, việc này vẫn còn rất hạn chế, thực hiện chủ yếu ở những người bán máu chuyên nghiệp. Điều này rất rủi ro cho cả người cho máu lẫn người tiếp nhận máu về tình trạng sức khỏe lẫn chất lượng nguồn máu.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhờ việc tuyên truyền của truyền thông và xã hội, nhận thức của người dân về vai trò của hiến máu nhân đạo đã được thay đổi rất nhiều.

Trong năm 2015, trên cả nước đã tiếp nhận được gần 1,3 triệu đơn vị máu, trong đó có gần 96,9% lượng máu tiếp nhận được là từ người hiến máu tình nguyện, không lấy tiền, lượng máu tiếp nhận tương đương 1,26% dân số.

Đỗ Huệ

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top