Người xưa thường quan niệm những người có bàn chân bẹt, gan chân phẳng lì là có số phú quý, giàu sang, sung sướng.

Song, ít ai biết rằng, đó là một dạng dị tật phổ biến trên thế giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thần kinh cột sống. Theo giới chuyên môn, có khoảng hơn 30% trẻ em châu Á bị dị tật bàn chân bẹt.

Chứng bàn chân bẹt khiến các xương ở cẳng chân xoay khi đi lại, chạy nhảy, khiến các khớp đầu gối cũng xoay lệch, từ đó dẫn đến đau, viêm hoặc thậm chí thoái hóa khớp gối.

Sự lệch trục cũng có thể ảnh hưởng lên tới lưng, cổ và gây ra các rắc rối ở đó. Vấn đề bàn chân bẹt không được can thiệp có thể dẫn đến cấu trúc bất thường ở ngón chân cái, gai gót chân, viêm cân gan chân.

  Sự thật phũ phàng về bàn chân bẹt 'số sướng' - Ảnh 1

Ảnh minh họa.

Sự thật về bàn chân “sướng”

Theo TS-BS Tăng Hà Nam Anh - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM, những đứa trẻ có số “sướng” này thật ra đang mắc chứng “bàn chân bẹt” hay vòm thấp gây ảnh hưởng lên hệ trục chi dưới gồm xương bàn chân - cổ chân - gối - lưng.

Bàn chân chúng ta bình thường khi đứng có hình vòm. Các xương bàn chân sẽ tạo nên ba đường vòm, trong đó một đường vòm bên trong đi từ xương gót qua các xương chêm, xương bàn một và đến ngón một.

Đường vòm bên ngoài cũng đi từ xương gót qua xương bàn ngón năm và đến ngón năm. Với đường vòm ngang bàn chân, mỗi bàn chân sẽ là nửa đường vòm. Cấu tạo vòm nhằm giúp bàn chân giống cái giảm xóc, khiến chúng ta đi lại nhẹ nhàng, đồng thời giảm phản lực từ đất dội lên khi đặt chân xuống đất.
Trong khi đó, với bàn chân bẹt thì lòng bàn chân sẽ phẳng, không nhìn thấy được vòm chân. Trẻ có bàn chân bẹt vòm ngang bàn chân sẽ bị xẹp do gân cơ mác dài yếu, không tạo nổi vòm ngang bàn chân.

Nếu bàn chân đạp lên cát sẽ thấy toàn bộ bàn chân in lên cát, không có chỗ khuyết. Khi vòm bàn chân không bình thường, trọng lượng của cơ thể sẽ dồn xuống làm hư cấu trúc xương của bàn chân.

Một số người do cấu tạo sợi collagen không vững chắc nên mới có bàn chân bẹt, chân đầy hay nói nôm na theo quan niệm dân gian là bàn chân “số sướng”, nhưng theo bác sĩ Nam Anh, những người này sướng đâu chưa thấy, chứ trước mắt là nên đi gặp bác sĩ ngay.

Nhận biết bàn chân bẹt

Cách nhận biết bàn chân bẹt khá đơn giản, chỉ cần đặt chân xuống đất sẽ thấy phần gót chân vẹo ra ngoài, mũi bàn chân dạng ngoài, bên cạnh trong bàn chân có ba cục xương nhô ra, đó là mắt cá trong, đầu xương sên và củ xương ghe.

Trẻ em bị bàn chân bẹt thường gặp khó khăn khi chơi thể thao, không chỉ vậy còn ảnh hưởng đến khả năng đi lại một cách bình thường, thậm chí còn gây ra các cơn đau gót chân, cổ chân, khe khớp gối trong và dáng đi không vững. Tình trạng mất cân bằng bàn chân còn có thể ảnh hưởng đến xương lưng và xương hông, nhất là ở trẻ đang ở độ tuổi phát triển nhanh.

Bác sĩ Nam Anh cho biết khi một bàn chân có vòm bình thường sẽ tạo bước đi đều đặn, lực phân tán theo sự đàn hồi của cơ xương bàn chân.

Bàn chân vòm thấp hoặc bẹt, thì mặt bàn chân tiếp sàn hoàn toàn, mọi trọng lượng của cơ thể dồn hết xuống bàn chân, lực không phân tán sẽ tạo thành phản lực từ bàn chân dội ngược trở lên cơ thể gây đau các vùng gót bàn chân, khớp cổ chân, khớp gối, hông, lưng, thậm chí đau lên tận vùng cổ.

Bên cạnh đó, mỗi khi chạy nhảy, người có bàn chân bẹt rất dễ té vì bàn chân mất sự linh động lúc chạm đất vì gót vẹo ngoài nên cổ chân và các khớp cổ bàn chân bị ảnh hưởng làm lực tác động không đều.

Ngoài ra, mỗi khi vận động, các xương ở cẳng chân xoay khiến các khớp đầu gối cũng xoay lệch, từ đó dẫn đến đau, viêm hoặc thậm chí lâu dài có thể gây thoái hóa khớp gối. Sự lệch trục cũng có thể ảnh hưởng lên tới lưng, cổ.

Vấn đề bàn chân bẹt không được can thiệp có thể dẫn đến cấu trúc bất thường ở ngón chân, viêm cân gan chân, gai gót chân, sưng đau cổ chân...

Điều trị bàn chân bẹt

Mặc dù chưa có con số thống kê nào về bệnh này ở VN, nhưng tại Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), số người đến điều trị bàn chân bẹt tương đối đông, trong đó nhiều nhất là trẻ em.

Theo bác sĩ Nam Anh, đa số các trẻ sinh ra đều có bàn chân vòm thấp, do phần da mô dưới da của trẻ nhiều nhưng vòm chân sẽ được hình thành rõ hơn khi đến 7 tuổi. Sau độ tuổi đi học, nếu cha mẹ nhận thấy vòm bàn chân của con quá phẳng, dáng đi lạch bạch thì nên dắt đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám.

Bàn chân bẹt hay gặp ở người có hệ thống dây chằng lỏng lẻo đa khớp. Sự lỏng lẻo này xảy ra ở toàn bộ cơ thể, trong đó có bàn chân. Vì thế, các khớp ở bàn chân không được cố định tốt, dẫn đến việc bàn chân nhiều người không có vòm tốt mà bẹt ra khi chịu lực, khiến bàn chân giãn dài ra hơn, cấu tạo xương chân ngang bằng, gân cơ chằng sau yếu không chịu lực cho mỗi bước chân…

  Sự thật phũ phàng về bàn chân bẹt 'số sướng' - Ảnh 2

Ảnh minh họa.

Đặc biệt, người bị béo phì, tiểu đường gây biến dạng bàn chân bị bệnh này khá nhiều. Cao tuổi và mang thai cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ bàn chân bẹt, tuy nhiên phụ nữ sau sinh bàn chân sẽ trở lại bình thường.

Bác sĩ Nam Anh cho biết, để điều trị chứng bàn chân bẹt cần tăng cường sức mạnh của dây chằng và gân cổ bàn chân bằng cách tập đi nhón trên đầu ngón chân (giống các diễn viên múa ba lê); mang giày dép có đế nâng vòm bàn chân để định hình bàn chân.

Bất cứ ai cũng có thể tự kiểm tra chân mình có bẹt hay không bằng cách đặt chân lên cát hay lên một mặt phẳng, sau đó luồn các ngón tay xuống dưới xem các ngón tay có lọt qua không.

Tuy nhiên, để xác định chính xác vòm thấp hay bẹt mức độ nào cần có sự thẩm định của bác sĩ. Một số trường hợp nặng có thể phải mổ, khi đó bác sĩ sẽ cắt ngắn chỗ vòm xương để tạo thành vòm bàn chân. Phẫu thuật bàn chân bẹt tương đối nặng nề vì thời gian để xương phục hồi khá lâu.

Theo Thanh Niên

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top