Từng trải qua nhiều nghề - võ sư karate, kỹ sư cơ khí, phóng viên ảnh và là tác giả 4 cuốn tiểu thuyết - ông bố Đoàn Bảo Châu (Đào Tấn, Hà Nội) cho biết, điều anh tự hào nhất không phải thành tựu trong công việc mà là đã tự dạy cho các con kỹ năng sinh tồn quan trọng: bơi lặn.
Anh Đoàn Bảo Châu và hai con nhỏ nhất, khi bé út 3 tuổi. |
Anh Châu có 4 con, hai trai hai gái và bé biết bơi sớm nhất là cô chị cả, lúc 11 tháng tuổi. Hiện tại, cả 4 con của anh đã lớn, con đầu 18 tuổi, bé gái út 9 tuổi, đều bơi thành thạo.
Anh Châu cho biết, hồi bé, anh từng 3-4 lần suýt chết đuổi khi theo bạn nhảy xuống hồ Thủ lệ nghịch nước. Ngoài ra, anh cũng từng chứng kiến và phải đi hô người cứu giúp một người bạn của mình chới với dưới hồ. Những cảm giác khiếp sợ đó ám ảnh tới khi trưởng thành, khiến anh quyết tự học bơi giỏi và muốn dạy cho các con mình biết bơi bằng được.
Sinh con đầu lòng năm 1996 tại Mỹ, anh Châu đọc nhiều tài liệu về cách giáo dục con, trong đó hướng dẫn cách dạy trẻ bơi. Hiểu rõ bản năng trẻ sống trong môi trường nước khi nằm trong bụng mẹ, bé không hề sợ nước cho tới lúc 18 tháng tuổi, anh Châu muốn dạy con bơi sớm để đánh thức bản năng này. Vì vậy, từ lúc con 9 tháng tuổi, anh đã đưa bé ra bể và bắt đầu cho bé tập lặn, bơi.
"Ngay buổi đầu xuống nước, con đã có thể ngụp được 3-4 giây. Bé coi đó như trò chơi thú vị nên rất vui và háo hức. Hai tháng sau là con bơi rất nhanh rồi", anh Châu kể.
Anh cho biết, anh có lợi thế có thể bơi ngược nên giúp con luôn nhìn thấy bố ngay trước mặt, có cảm giác yên tâm và cứ thế bơi đuổi theo. Anh còn hay tạo các trò chơi dưới nước, như vứt đồ để con lặn xuống tìm.
"Có lần, mọi người ở bể còn thót tim khi em bé nhà mình lặn xuống bể bơi sâu hai mét tìm bằng được chùm chìa khóa cho bố rồi bơi lên. Bản thân bố phải quan sát con rất kỹ cả trong nước lẫn khi đã lên bờ, thấy da dẻ con vẫn tươi hồng là yên tâm", anh Châu kể.
Anh Đoàn Bảo Châu và 4 con ở thời điểm hiện tại. |
Theo anh, khi dạy con bơi từ độ tuổi nhỏ, không nên dạy về kỹ thuật mà làm sao để con phát huy bản năng bơi lội như khi trong bụng mẹ. Sau đó, khi đã để trẻ dạn với nước, bơi, lặn theo bản năng, tiếp tục duy trì cho con đi bơi thường xuyên rồi mới bắt đầu dạy con các kỹ thuật bơi ếch, bơi sải.
"Ngay từ đầu, tôi không kỳ vọng con bơi nhanh, bơi giỏi mà chỉ cần con không sợ nước là đã thành công", anh nói.
Anh cho biết, với cả 4 bé, anh đều áp dụng theo cách này và thu được thành công tương tự, dù hai bé đầu sống ở Mỹ còn hai bé sau là thời gian anh cùng gia đình ở Việt Nam.
Ông bố này cho rằng, anh luôn coi lúc hướng dẫn con bơi là khoảng thời gian chất lượng dành cho con, để bố con chơi với nhau. "Đây là cách dành thời gian cho con vui vẻ, tập trung chú ý hoàn toàn vào con, không tốn kém, lại ở gần nhà, không phải đi xa", anh nói.
Dưới đây là một số kinh nghiệm anh Đoàn Bảo Châu chia sẻ về cách anh huấn luyện 4 con biết bơi:
Trước hết, cần mua cho con một cái kính thật tốt, sao cho đeo được dễ chịu. Để cẩn thận nước không vào tai thì cần có mũ bơi trùm ngoài tai cho trẻ. Làm thế, chúng ta sẽ thoát được mối lo viêm tai ở trẻ nhỏ. Lý tưởng nhất là khi trẻ mới 9, 10 tháng các bạn đã bắt đầu dạy bơi rồi. Các bạn hãy làm dần từng bước như sau:
1. Xuống bể bơi, chỗ ngang ngực của bạn. Đừng bắt đầu ở biển, trẻ thấy sóng có thể sợ. Sau khi đã đeo kính, đội mũ, bạn hãy nhẹ nhàng, luôn tươi cười, vui vẻ, nói chuyện, đùa giỡn với trẻ. Chừng 10 phút, bạn bắt đầu chơi trò ú oà. Hai tay bạn bế trẻ lên, miệng hét Ú và thổi mạnh vào mặt trẻ để gây phản xạ rồi bạn cùng ngụp xuống. Nhìn được con dưới nước, bạn mỉm cười và đưa lên ngay. Lên khỏi mặt nước, bạn kêu "Oà". Lần đầu trẻ sẽ hơi sợ, nhưng thấy không khí vui vẻ, nỗi sợ bị lấn át ngay.
Lặp lại điều ấy vài lần thì bạn có thể không cần phải thổi vào mặt để cảnh báo nữa. Điều vô cùng quan trọng ở đây là trẻ đeo kính. Nếu không đeo kính thì theo phản xạ, trẻ sẽ nhắm tịt mắt. Và thế giới dưới nước vô tình trở nên tối đen. Trẻ không nhìn thấy nụ cười của bạn ở dưới nước. Nếu vào ngày nắng to, ánh sáng dưới nước sẽ lung linh tuyệt đẹp, khiến trẻ thích hơn nữa.
Và cứ thế, thời gian của bạn dưới nước tăng dần lên. Trong buổi đầu, sau 30 phút, trẻ nhà tôi thường nhịn thở được 3,4 giây. Bạn tập đếm trong đầu, mỗi số là một giây.
2. Sau khi làm thế này quen rồi, trẻ đã dạn với nước (mất khoảng 2 buổi ở bể bơi), bạn tiếp tục cho con ra bể với kính, mũ đầy đủ. Bạn xuống nước trước, trẻ đứng trên bờ. Bạn gọi: "Lại đây với bố", trẻ sẽ đi ra mép nước nhưng ngập ngừng không dám nhảy xuống. Bạn chìa ngón tay cho trẻ bám vào, rồi rụt lại, trẻ mất đà sẽ lao theo. Bạn phải rút tay về để tạo khoảng cách và trẻ không có chỗ bám. Đây là lúc trẻ hơi sợ và theo phản xạ, trẻ sẽ khua chân, tay để đến được với bạn. Bạn đếm 1,2,3... đủ thời gian đã định là xoè tay ra, bế trẻ lên. Nhớ phải mỉm cười trong lúc đếm.
Thế là trẻ có một trò mới. Con nhận ra rằng có thể di chuyển dưới nước được. Tất nhiên là trẻ thích nhưng hơi sợ. Thấy trẻ sợ là bạn thư giãn, hát, đùa vui hay làm lại trò ú òa hôm trước.
Và cứ thế, số đếm của bạn tăng dần lên. Khi Hoàng Xuân, con gái út của tôi được 1,5 tuổi thì số đếm của cháu là 10, tức khoảng mười giây dưới nước.
Chưa cần dạy trẻ bơi kỹ thuật vội. Bạn sẽ thấy rằng trẻ tự bơi khi lặn. Bản năng con người khiến trẻ tự đập chân, khua tay. Khi con tôi ra bể bơi, các phụ huynh thích lắm bởi thấy những đứa trẻ bé tí mà ngụp một cái ra tới tận giữa bể.
3. Bước này chỉ là trò chơi. Bạn cho trẻ đứng lên một tay và đếm xem được bao lâu trước khi tay bạn mỏi hoặc trẻ mất thăng bằng ngã xuống nước. Ngã xuống sẽ khiến trẻ bơi về phía bạn. Thường khi trẻ làm thế, ngoài bể bơi mọi người sẽ hò reo, khích lệ, thế là trẻ cảm thấy thích thú, có động lực làm tiếp.
Không nên dùng phao. Dùng phao làm chậm quá trình bơi của trẻ. Điều quan trọng là chúng ta dành thời gian cho trẻ.
Vương Linh
This entry passed through the Full-Text RSS service - if this is your content and you're reading it on someone else's site, please read the FAQ at fivefilters.org/content-only/faq.php#publishers.
Recommended article from FiveFilters.org: Most Labour MPs in the UK Are Revolting.
Post a Comment