Sốc phản vệ là gì?
Theo báo Vnmedia, sốc phản vệ là tình trạng sốc có thể gây tử vong do suy hô hấp và tuần hoàn. Ở những người nhạy cảm, sốc phản vệ có thể xảy ra trong vòng vài phút, hoặc có thể là vài giờ sau khi tiếp xúc với thuốc hoặc các hóa chất gây sốc, bao gồm cả nọc rắn, phấn hoa, nhựa, một số thuốc, thức ăn. Một số người có thể xuất hiện sốc phản vệ không rõ căn nguyên.
Sốc phản vệ là nỗi khiếp sợ không chỉ với người bệnh mà còn với cả các thầy thuốc, nhân viên y tế. Ảnh: Sức khỏe & Đời sống. |
Chính vì vậy mà sốc phản vệ là nỗi khiếp sợ không chỉ với người bệnh mà còn với cả các thầy thuốc, nhân viên y tế do nguy cơ tử vong cao khi không được tiến hành các biện pháp cấp cứu kịp thời.
Sốc phản vệ không trừ một ai
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh (chuyên khoa Gây mê Hồi sức bệnh viện Đại học Y TP.HCM) cho biết trên báo Trí thức trẻ, sốc phản vệ trong quá trình gây mê và phẫu thuật là một biến chứng có thật, xảy ra thường nằm ngoài ý muốn của người làm gây mê hồi sức.
Vì trong quá trình gây mê hồi sức và phẫu thuật thì chúng ta dùng rất nhiều loại thuốc (thuốc ngủ, thuốc giảm đau, thuốc làm mềm cơ, thuốc sát trùng, thuốc cản quang...).
Đồng thời dùng dụng cụ y khoa (găng tay, dụng cụ thông, băng keo...) và tất cả chúng đều có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng mà chúng ta hay gọi là "sốc thuốc mê".
Theo bác sĩ Tuấn Anh, tất cả các loại thuốc, hóa chất và dụng cụ y khoa đều có thể gây phản ứng phụ ở mức độ nặng hoặc nhẹ.
Phản ứng phụ đáng sợ nhất và có thể đe dọa tính mạng người bệnh chính là sốc phản vệ. Ảnh minh họa. |
Có một phản ứng phụ đáng sợ nhất và có thể đe dọa tính mạng người bệnh chính là sốc phản vệ. Bản chất của sốc phản vệ là một phản ứng quá mức của cơ thể với các chất lạ đưa vào cơ thể theo hoặc không theo cơ chế miễn dịch.
Phản ứng này sinh ra các chất hóa học và những chất này là thủ phạm gây ra tình trạng sốc phản vệ trên lâm sàng, điển hình là tình trạng rối loạn tuần hoàn, hô hấp, phản ứng ngoài da với mức độ từ nhẹ đến nặng.
Sốc phản vệ có thể gây ngưng tim, ngưng thở, đe dọa tính mạng và có thể tử vong nhanh chóng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.
Mức độ nặng nhẹ phụ thuộc vào chính bản thân người bệnh tương tác với thuốc chứ ít phụ thuộc vào liều thuốc đưa vào cơ thể.
Dấu hiệu bị sốc phản vệ
Dấu hiệu bệnh nhân bị sốc phản vệ khá rõ ràng. Dưới đây là các biểu hiện của bệnh nhân bị sốc phản vệ bạn có thể nhận biết được:
- Co thắt đường hô hấp, gồm thở khò khè, sưng phù lưỡi và họng, khó thở.
- Sốc kèm theo tụt huyết áp.
- Mạch nhanh và yếu.
- Choáng váng hoặc ngất.
- Mày đay và ngứa.
- Bốc hỏa hoặc da xanh tái
- Buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy.
- Đau quặn bụng, ỉa đái không tự chủ.
- Đau đầu, chóng mặt, đôi khi hôn mê.
- Choáng váng, vật vã, giẫy giụa, co giật.
Cách phòng ngừa sốc phản vệ
Khi bạn từng bị sốc phản vệ hoặc có cơ địa dị ứng, bạn cần chuẩn bị sẵn sàng một số yếu tố để có thể thực hiện ngay khi xuất hiện sốc phản vệ. Hãy mang theo thuốc bên mình. Gọi cấp cứu hoặc bác sỹ ngay sau khi đã dùng những thuốc này.
Cách sơ cứu khi bị sốc phản vệ
Khi phát hiện ai đó bị sốc phản vệ, bạn cần bình tĩnh, tiến hành làm từng bước 1 theo trình tự sau đây:
Gọi cấp cứu 115 hoặc các cơ sở y tế gần nhất ngay khi phát hiện có người bị sốc phản vệ. Ảnh minh họa. |
- Gọi cấp cứu 115 hoặc các cơ sở y tế gần nhất.
- Kiểm tra những loại thuốc mà người bệnh mang theo bên mình để điều trị dị ứng như thuốc chống dị ứng dạng viên, dạng tiêm hoặc adrenalin. Dùng ngay thuốc dạng viên, dạng tiêm theo tình trạng của bệnh nhân. Nếu là adrenalin: tiêm ngay 1/3 ống dưới da mặt trước ngoài của đùi, sau đó xoa nhẹ trên vùng tiêm chừng 10 giây.
- Đặt bệnh nhân nằm ngửa, đầu thấp, kê chân cao hơn đầu.
- Nới lỏng quần áo. Không cho bệnh nhân uống thêm bất cứ thứ gì khác.
- Đặt bệnh nhân nằm nghiêng khi bệnh nhân có nôn để tránh hít phải các chất nôn vào phổi.
- Nếu không có dấu hiệu sống (không thở, không ho, không cử động), tiến hành hồi sinh tim phổi.
Hùng Lâm (Tổng hợp)
Post a Comment