Ông bố trẻ vội trả lại con cho cô nữ hộ sinh rồi thành thật “Thôi, cô bế đi. Chắc tôi bế đau nên nó khóc”. Sự vụng về, lóng ngóng của người đàn ông khi mới có con là rất đáng yêu nhưng thật ra ông bố vẫn cần sự hiểu biết nhất định. Người mẹ đã vượt qua đau đớn sinh tử để con được chào đời, người đàn ông cần phải tích cực “học”, tự rèn luyện bản thân để trở thành người bố tốt.
Trước lúc quyết định “sẽ làm bố”, biết tin “sắp làm bố” và khi con nằm trong bụng vợ suốt chín tháng trời, quãng thời gian đó sẽ trở nên ý nghĩa nếu mỗi ngày người đàn ông dành ít phút để “mang thai cùng vợ mình”. Đầu tiên, các ông bố cần xác định, từ khi vợ có thai là cuộc đời ít nhất trong 18 năm sắp tới không thể của riêng mình nữa. Người bố có thể là kiến trúc sư, kỹ sư, bác sĩ, thợ máy, tài xế, người lao công... đều phải trở thành “người làm không công” để chăm sóc, nuôi nấng và dạy dỗ một con người.
Bắt đầu làm bố là một cuộc hành trình với mỗi người đàn ông. Ảnh minh họa: epsyclinic |
1. Đối diện với những nỗi sợ
Làm bố, tức là bắt đầu với những nỗi sợ. Sợ con mình không đủ 10 ngón tay 10 ngón chân. Sợ sau này con phá làng phá xóm không lo học hành. Sợ xã hội nhiều người xấu sẵn sàng làm con tổn thương. Sợ mình không đủ khả năng cho con đủ đầy cơm ăn, áo mặc…
Giải pháp: Nên lên kế hoạch cho việc có con, chuẩn bị về sức khỏe, tài chính… Tâm sự với bố mình, anh trai, bạn bè hay bất kỳ ai có kinh nghiệm mà mình cảm thấy tin tưởng.
2. Để ý chăm sóc vợ nhiều hơn khi mang thai
- Nói cho vợ biết mình không cảm thấy cô ấy xấu tí nào, thậm chí còn đẹp hơn khi có thai. Dù da vợ sạm đen, nghén làm cô ấy xanh xao, dù thay đổi nội tiết tố làm mụn nổi khắp mặt khắp người, vòng eo 56 cm thay bằng 156 cm thì vợ vẫn đẹp trong mắt chồng. Dù biết nói dối là không hay nhưng vẫn có ích khi nó thể hiện yêu thương.
- Chụp ảnh bé lớn lên mỗi ngày trong bụng mẹ. Nếu bố thật sự không có tài nhiếp ảnh và không thể cảm nhận nỗi bụng bầu đẹp thế nào thì có thể nhờ nhiếp ảnh gia. Mẹ bầu đẹp và hạnh phúc thì con sẽ khỏe và thông minh. Lý do này đủ để cùng nhau ghi lại khoảng thời gian mang thai bằng những bức ảnh đẹp.
- Bà bầu không nên ăn thật nhiều, không ăn gấp đôi bình thường nhưng nếu người chồng chịu khó tìm những món ngon, món vợ mình yêu thích thì rất đáng ủng hộ.
- Thời gian ốm nghén đầu thai kỳ có thể rất an nhàn với người này và rất kinh khủng với người khác. Nếu chẳng may rơi vào vế “kinh khủng”, hãy giúp đỡ vợ bằng cách rót một ly nước ấm sau khi cô ấy nôn, lau dọn “chiến trường” để vợ nghỉ ngơi. Mỗi sáng làm bà bầu vui vẻ bằng những lời âu yếm nhẹ nhàng, massage lưng khi đau mỏi lưng.
3. “Tham gia” vào quá trình mang thai của vợ
- Cảm nhận bé máy, đạp; nói chuyện cùng con; mua sắm quần áo - vật dụng sơ sinh...
- Có thể không là tất cả nhưng nếu được nên thu xếp đưa vợ khám thai định kỳ 1-2 lần trong thai kỳ. Siêu âm khảo sát hình thái học (khoảng 21-22 tuần) là dịp hay nhất, vì sẽ thấy được mặt mũi tay chân của em bé. Nếu không đi cùng thì cũng cần hỏi han diễn tiến thai kỳ vì không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Khi có vấn đề, nhất định phải cùng vợ tìm hiểu và xử lý (chẳng hạn chọc ối chẩn đoán hội chứng Down).
- Tham gia các lớp học tiền sản, những khóa học ngắn về chăm sóc trẻ sơ sinh.
- Cùng vợ đọc những quyển sách về sự phát triển của bào thai và trẻ sơ sinh, về chuyển dạ và sinh con; về việc có sẵn lòng có mặt lúc vợ chuyển dạ trong phòng sinh hay không. Việc hiện diện hay không, thật sự không thể hiện lòng can đảm hay yêu thương toàn vẹn. Nếu không chuẩn bị tinh thần, có thể người bố sẽ bị ám ảnh trong thời gian dài vì thực tế không dịu dàng và êm ái.
- Cùng đặt tên cho con.
- Làm bất cứ điều gì người bố nghĩ ra và tin rằng điều đó là cần thiết. Đôi khi chỉ cần ngồi cạnh vợ và không nói điều gì cũng tốt rồi.
4. Cùng tìm giải pháp khi chưa sẵn sàng
Khi chưa sẵn sàng có con, hãy đối diện người yêu/ vợ mình cùng tìm giải pháp an toàn chứ không phải là lặn mất tăm hơi. Cho dù có bất cứ lý do nào, đừng để người phụ nữ một mình khi biết tin có thai.
Bác sĩ Lê Tiểu My
Bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức
Post a Comment