Từng chấp nhận ly hôn tay trắng để được nuôi con, chị Kiều Lệ đã xây lại đời mình và có được hạnh phúc bên người đàn ông tốt.
Nhìn bà chủ xinh đẹp, tươi rói của phòng trà nghệ sĩ ở TP Quy Nhơn (Bình Định) Nguyễn Thị Kiều Lệ, ít ai biết chị từng là người vợ bị phụ bạc, người đen nhẻm, quần áo xộc xệch, đi rửa bát thuê từ sáng tới tối, thậm chí cắm cả chiếc xe cà tàng để lo cơm áo cho con.
Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị về những bài học cuộc sống sau thất bại của cuộc hôn nhân đầu tiên và đón nhận hạnh phúc mới với người đàn ông ngoại quốc có sự đồng điệu tâm hồn và giúp chị làm lại cuộc đời:
Cuộc sống hiện tại của tôi có thể được coi là viên mãn: Có một gia đình hạnh phúc với người chồng biết trân trọng và yêu thương mình, các con đều khỏe mạnh, thành công trong học vấn, tôi được làm điều mình đam mê là ca hát, dạy thanh nhạc và có thể bao bọc kinh tế cho người thân. Thế nhưng, nhiều đêm tỉnh dậy, tôi phải nhéo tay thật đau để biết mọi thứ mình đang có là thật chứ không phải chỉ là một giấc mơ.
Nhìn hình ảnh mình tràn đầy tự tin, rạng rỡ, với những bộ cánh xinh đẹp trong gương, tôi vẫn thấy đâu đó cô Kiều Lệ của hơn 10 năm trước nhem nhuốc, gầy đen với chiếc quần vải xoa lò xo nhăn nhúm.
Tôi sinh năm 1974 trong một gia đình khá giả. Từ lúc tôi học lớp 2, thấy con yêu ca hát, cha tôi đã thuê riêng thầy dạy nhạc về kèm suốt mấy năm. Thế nhưng sau đó, công việc làm ăn không thuận lợi, kinh tế gia đình sa sút, tôi phải bỏ học khi mới hết cấp 3 và lo đi kiếm sống, thỉnh thoảng vẫn đi hát, thi thố văn nghệ.
Năm 19 tuổi, tôi gặp và yêu người chồng đầu tiên. Dù bị gia đình ngăn cấm, tôi vẫn quyết tâm lấy anh, với suy nghĩ chỉ cần tình yêu là đủ vun đắp một mái ấm. Lấy chồng rồi, nghề hát không đủ chăm lo cho gia đình, tôi lao vào công việc buôn bán. Tôi làm bất kể ngày đêm, nghĩ rằng "gái có công chồng chẳng phụ". Thế nhưng, có lẽ cũng vì mải lo làm ăn, rồi lo cho chồng, chăm con đến mức quên cả chăm sóc bản thân, tôi ngày càng tiều tụy, nhem nhuốc nên bị chồng chê xấu. Anh đã có người phụ nữ khác.
Nghĩ lại, tôi cũng chẳng trách chồng. Giữa hình ảnh bà vợ gầy đen, quần áo xác xơ với một cô gái thơm tho, ăn trắng mặc trơn, đàn ông chẳng khó đưa ra lựa chọn. Cùng lúc ấy, tôi liên tiếp gặp thất bại trong việc làm ăn. Chồng đòi ly hôn, tôi cố tìm mọi cách níu giữ nhưng cũng chẳng được.
|
Chị Kiều Lệ trong một chương trình ca nhạc của riêng mình.
|
Tôi nhớ khi gặp lại một năm sau đó, tôi vẫn nài nỉ "anh đừng bỏ em, để em gây dựng lại mọi thứ rồi anh về với em và con nhé". Cái suy nghĩ "phải giữ cha cho các con, phải nhẫn nhịn và hy sinh hết thảy để giữ gia đình trọn vẹn" đã khiến tôi quên cả việc trân trọng bản thân và chấp nhận để người khác chà đạp.
Suốt 13 năm làm vợ, tôi đã phải chịu không ít trận đòn, thậm chí còn bị sảy thai. Chính từ những lần mất con đó, hai đứa con trai sau này với tôi như nguồn sống, không gì có thể đánh đổi. Tôi đã chấp nhận ra đi tay trắng để được quyền nuôi con sau ly hôn.
Ly dị rồi, tôi suy sụp, thảm hại, như người tuột dốc không phanh. Công việc kinh doanh đổ bể hết, tôi dắt hai con trai, đứa lớn 9 tuổi, đứa nhỏ 8 tuổi về khu ổ chuột ở phường Hải Cảng, Quy Nhơn ở nhờ trong căn nhà nhỏ xíu của chị gái, tìm việc làm thuê lấy tiền trang trải. Hôm ra đi, ba mẹ con không một xu trong túi, phải lê bộ suốt 7 km.
Có khoảng thời gian, không xoay nổi tiền học cho con, tôi trở lại căn nhà bề thế nơi gia đình mình từng sống để xin chồng cũ giúp. Thấy cửa mở, tôi mừng quá chạy thẳng vào trong. Gặp chồng, tôi vừa mừng, vừa khúm núm nói: "Anh à, em cố lắm vẫn chỉ đủ nuôi mình và lo cái ăn cái mặc cho con. Mấy tháng nay hai đứa đi học mà chưa có tiền đóng, anh thương con, cho em ít tiền về đóng học cho tụi nhỏ". Anh tỉnh bơ: "Nhà không phải vô chủ mà ra vào tự do". Nghĩ thôi vì con, tôi hạ mình quay ra cổng, khép cửa lại rồi gõ và chỉ dám vào khi nghe anh nói: "Vô đi!" rồi tua lại câu xin tiền và nghe anh ném cho một câu cay đắng: "Tôi không có tiền cho cô đâu. Cô về đi và nhớ là đến nhà ai phải gõ cửa xin phép đó". Tôi quay về mà đầu óc quay cuồng.
Sau bận đó, tôi không bao giờ nghĩ tới việc dám nhờ chồng cũ trợ giúp gì nữa. Ngày nào cũng như ngày nào, cứ 2h sáng là tôi xuống cảng cá bào đá cho tàu bè, sau đó đi rửa ly bát thuê cả ngày, chật vật kiếm từng cắc nuôi con. Có những đêm trời mưa, ba mẹ con co ro, ướt sũng trong căn phòng chật bị dột, tôi đã nghĩ tới cái chết để kết thúc tất cả những nỗi thống khổ này. Nhưng nhìn con, tôi lại nghĩ "sao người khác sống được mình không sống được?" và lại nhắc bản thân phải tiếp tục chiến đấu.
Trong thời gian đi rửa ly bát thuê tại một quán bar, niềm đam mê ca hát ngày nào lại trỗi dậy. Tôi xin đi học bổ túc ban đêm, học hát. Rồi một người biết hoàn cảnh, đã thương tình cho tôi cơ hội được hát tại quán bar đó. Cũng trong thời gian đi hát đó, năm 2004, tôi quen một người đàn ông quốc tịch New Zealand đang sống và làm việc tại Việt Nam tên Brian. Anh hay tới quán đó và nói là thích tiếng hát của tôi dù không hiểu lời. Khi đó, thấy Brian có vẻ muốn kết thân với mình, tôi rất cảnh giác, sợ bị lừa.
Sau ly hôn, tôi rất ngại gặp gỡ nam giới, cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày mình có người khác. Hồi ấy, tôi cũng đâu biết nói gì ngoài "Hello", "Goodbye". Nhưng rồi anh ấy rất kiên nhẫn, cứ âm thầm hỏi han, quan tâm. Anh tìm tới nơi tôi ở và đã khóc khi thấy căn phòng 3 mẹ con tôi sống chung với chuột và gián. Thời gian đó, tôi đi làm quần quật suốt ngày, tối lại bận chăm con nên có khi 1-2h sáng Brian mới dám nhắn tin. Tôi đọc tin nhắn không hiểu gì, lại chuyển cho một bạn ca sĩ dịch giúp, rồi lại thông qua người đó nhắn điều mình muốn. Cứ như vậy suốt mấy tháng liền thì tôi quyết tâm mua sách về tự học ngoại ngữ, với sự kèm thêm của Brian. Chúng tôi tâm sự với nhau nhiều hơn và ngày càng tìm được sự đồng điệu về tâm hồn dù cách nhau tới 20 tuổi.
Anh ấy theo đuổi tôi suốt 4 năm mới nhận được cái gật đầu đồng ý làm bạn gái. Nhưng mãi tới năm 2011, chúng tôi mới chính thức nên vợ nên chồng, sau khi vượt qua rào cản cuối cùng là sự phản đối quyết liệt từ hai bên gia đình và cả hai đứa con tôi. Các cháu luôn sợ mẹ bị lừa bán ra nước ngoài và sau này, khi đã chấp nhận anh rồi, cả hai đứa đều bắt Brian hứa là không bao giờ được đánh mẹ chúng.
Brian thực sự như ngọn gió nâng đỡ cánh diều tôi bay lên. Tôi bắt đầu lại trở lại việc kinh doanh bất động sản và nhanh chóng gặt hái được thành công. Sau đó, tôi mở phòng trà, khởi động phong trào hát cho nhau nghe, mời các nghệ sĩ về biểu diễn phục vụ công chúng Quy Nhơn rồi tham gia dạy thanh nhạc cho cả người lớn và trẻ em...
|
Chị Kiều Lệ và chồng, anh Brian, người New Zealand.
|
Anh ấy luôn tôn trọng vợ và hỗ trợ tôi về mọi mặt. Anh cũng không ngại vào bếp nấu ăn khi tôi vì công việc thường xuyên vắng nhà. Hiện các con đều đã trưởng thành, cậu lớn đang học Đại học Quy Nhơn và giúp mẹ quản lý phòng trà, còn cậu út du học tại New Zealand nên chúng tôi trở lại cuộc sống vợ chồng son. Cứ cuối tuần là cả hai lại cùng nhau đi du lịch hay dậy sớm chạy bộ quanh bờ biển.
Chính tình yêu và cách đối đãi của Brian đã dạy tôi biết rằng phụ nữ cần được trân trọng và phải tự trân trọng bản thân. Anh luôn muốn tôi vui và cố gắng tạo những điều bất ngờ nho nhỏ trong cuộc sống như đặt một bông hồng đỏ thắm bên gối trước khi vợ thức dậy và thì thầm chúc mừng yêu thương vào ngày 8/3... Anh cũng ân cần quan tâm đến các con tôi như một người cha thực sự. Đáp lại, các cháu cũng rất yêu quý anh và hầu như có bất cứ chuyện gì cũng tâm sự với "ba Brian".
Trải qua bão giông và cay đắng từ cuộc hôn nhân đầu, nếm trải những ngọt ngào hạnh phúc khi đến với người đàn ông sau, tôi ngày thấm thía bài học: phụ nữ phải biết làm đẹp, yêu bản thân. Đừng nghĩ cứ chăm lo cho chồng thì sẽ được chồng thương. Hình ảnh người đàn bà đầu bù tóc rối, quần áo nhếch nhác chẳng có gì hấp dẫn, dù bạn có nai lưng ra phục vụ cho chồng cỡ nào hay kiếm ra nhiều tiền ra sao. Cái đẹp không chỉ ở vẻ bên ngoài, nó còn là sức hút từ sự tự tin và những phẩm chất bên trong của bạn nữa. Bạn có yêu bản thân thì mới làm cho mình vui, mới lan tỏa sự yêu đời và khiến người khác yêu mình.
Kiều Lệ