"Phụ huynh Nhật phải chăng đang bị áp lực nặng nề về việc phải dạy con ngoan?" là câu hỏi dấy lên sau việc cậu bé 7 tuổi bị bố mẹ bỏ lại trong rừng gấu.
Cha mẹ Nhật lâu nay vẫn được ngưỡng mộ về cách rèn con tính kỷ luật và khả năng tự lập, song sau sự việc một cậu bé 7 tuổi bị bố mẹ phạt đứng trong rừng vì không vâng lời, không ít người đặt câu hỏi phải chăng phụ huynh Nhật quá hà khắc?
Cả tuần trước, nước Nhật xôn xao trước sự việc đặc biệt: Cậu bé 7 tuổi Yamato Tanooka mất tích chỉ vài phút sau khi bị bố mẹ bỏ lại trong khu rừng có nhiều gấu ở miền bắc nước này hôm 28/5. Sau gần một tuần tìm kiếm, nhóm giải cứu đã tìm thấy cậu bé vẫn sống sót.
Cha mẹ cậu bé ban đầu nói rằng Tanooka biến mất khi họ đang tìm cây dại, nhưng sau đó thừa nhận họ bỏ cậu bé lại trong rừng để phạt vì Tanooka đã ném đá vào người và ôtô khác. Họ nói rằng khi họ lái xe trở lại một vài phút sau, cậu bé đã biến mất.
|
Hình ảnh bố mất tích trong rừng 6 ngày nói lời xin lỗi con trai sau khi lực lượng cứu hộ tìm thấy em: "Bố thực sự sai rồi". Ảnh: Theguardian.
|
"Hình phạt" và áp lực xã hội của người Nhật
Bố của cậu bé đã bắt con ra khỏi xe để "phạt" nhưng không dám nói sự thật này ngay từ đầu vì sợ bị mọi người phán xét. Cảm giác xấu hổ trước mọi người đã vượt lên cả sự lo lắng cho cậu con trai, phản ánh một nét rất "người Nhật": luôn lo lắng đến cách xã hội nhìn nhận về mình thế nào.
Công chúng Nhật đã dành cả tuần qua để tranh luận về cách dạy con tốt hay xấu, những cách phạt nào có thể chấp nhận và điều gì bị coi là hình thức hành hạ trẻ.
Hành hạ con, bố mẹ quái vật, cách dạy con quá tệ... đều là những câu nói về cặp vợ chồng đã vô tình đẩy con vào tình trạng nguy hiểm nọ. Cậu bé 7 tuổi này đã đủ thông minh và cả sự phẫn nộ để tìm đường đi bộ 5km và thấy nơi trú ngụ trong một doanh trại với những tấm đệm.
Hầu như không ai lên tiếng bênh vực người cha. Tất cả mọi người đều thống nhất cho rằng, dù muốn phạt thế nào, ở địa điểm đó, bố mẹ không nên để con ngoài tầm mắt của mình.
Naoki Ogi, một chuyên gia sư phạm, lên án hai phụ huynh này, cho rằng đây là một hình thức bỏ rơi và lạm dụng con. Ông cũng nhấn mạnh và chỉ trích cách nhiều bố mẹ ở Nhật hay xem con cái như một tài sản sở hữu.
Nhưng sau đó, các ý kiến bắt đầu đa dạng hơn và một số người đã bày tỏ sự cảm thông cho cặp vợ chồng ở trong tình huống này.
"Dạy con quá khó" dường như trở thành tiếng thở dài chung chúng ta vẫn nghe thấy trên mạng xã hội, các chương trình truyền hình và cả những lời tám chuyện hằng ngày. Trong một chương trình truyền hình nổi tiếng, người dẫn dắt, Tomoaki Ogura, đã thể hiện sự cảm thông cho bố mẹ cậu bé: "Việc nói rằng 'Nếu con hư quá, bố mẹ không thể đưa con đi cùng, hãy ở lại đây' là cách phạt trẻ không hề quá đáng".
Một nhà phê bình văn học nổi tiếng, Yumi Toyozaki, cũng bày tỏ trên Twitter hôm thứ 3 tuần trước rằng: "Tôi từng là một đứa trẻ nghịch ngợm, khó bảo, hay gây gổ, vì vậy tôi cảm thấy rất cảm thông cho người cha khi bỏ lại đứa con mình trong rừng một lúc để phạt bé. Tôi hy vọng mọi người ngừng lên án anh".
Câu chuyện phản ánh mặt trái từ cách nuôi dạy con bấy lâu được ca ngợi
Theo trang AP, câu chuyện này được xem như một điểm nhấn cho thấy sự cô lập của gia đình hạt nhân Nhật Bản hiện nay như thế nào trong xã hội hiện đại, khi các bố mẹ trẻ không còn nhận được những lời khuyên thâm thúy về cách nuôi dạy con của thế hệ trước trong cuộc sống hằng ngày.
Mitsuko Tateishi, một nhà giáo dục đã viết cuốn sách kêu gọi các bà mẹ hãy bớt căng thẳng trong việc nuôi dạy con, nói rằng, các phụ huynh đang sa vào thứ được gọi là "áp lực làm mẹ tốt", và họ cố làm sao để con mình phải vượt trội.
"Một đứa trẻ không phải là con cún hay con mèo. Bạn phải đối xử với trẻ như một cá nhân con người", bà nói và nhấn mạnh rằng những lời giải thích một cách điềm tĩnh về điều gì là tốt, điều gì là xấu chính là gốc rễ của việc nuôi dạy con, chứ không phải là trừng phạt trẻ với sự cấm đoán, ruồng bỏ.
Tateishi tin là Nhật Bản vẫn đi sau các nước phương Tây trong việc bảo vệ trẻ và cho rằng sẽ không có hành động gì chống lại hay phạt phụ huynh đã bỏ mặc con. Theo bà, ở Nhật Bản, hình mẫu các bà mẹ nghỉ việc ở nhà chăm con hay những bậc cha mẹ tận tụy không phổ biến bằng tình trạng cha mẹ bỏ mặc hay trừng phạt nặng con cái.
Nhiều người Nhật cũng nhớ lại, họ từng bị bố mẹ nhốt ngoài cửa khi còn nhỏ hoặc bị bỏ mặc khi ăn vạ trên sàn cửa hàng đồ chơi hay bắt đứng trong phòng tối.
Rất nhiều người còn chia sẻ những ký ức tuổi thơ khi bị bố mẹ giả vờ bỏ rơi họ hay anh chị em mình vì không chịu nghe lời.
Deborah Orr - một nhà bình luận xã hội và chính trị hàng đầu ở Anh, chia sẻ trên Guardian rằng: Ở Anh, bạn sẽ cảm thấy vô cùng xấu hổ khi thấy mình như không thể kiểm soát được con trẻ. Ở Nhật Bản, nơi người ta vô cùng coi trọng việc xã hội nhìn nhận thế nào về mình, thì áp lực này thực sự lớn hơn rất nhiều.
Có lẽ bố mẹ của cậu bé Yamato đã đưa ra cách dạy không hay lắm bởi vì họ quá lo sợ về việc nếu con mình không nghe lời, họ sẽ bị coi là... bố mẹ tồi.
Vương Linh