6 năm nợ nần đã khiến anh Lộc già đi nhanh chóng. Anh ước gì mình mua một căn nhà nhỏ hơn ngay từ đầu, cuộc sống sẽ thanh thản hơn nhiều.
Dưới đây là chia sẻ của anh Xuân Lộc, 37 tuổi, Hà Nội:
Năm 2008, tôi có được 400 triệu. Bố mẹ hứa nếu tôi mua nhà sẽ cho tôi thêm 200 triệu tiền tiết kiệm của ông bà. Lương kỹ sư công nghệ của tôi ở thời điểm đó là hơn 10 triệu/tháng. Lúc đó, tôi được đứa bạn làm môi giới nhà đất dẫn đến xem một căn chung cư khoảng 50m2 ở Đền Lừ (giá 13 triệu/m2), một ngôi nhà 28m2 ba tầng ở Tân Mai, quận Hoàng Mai (giá 700 triệu, chưa thương lượng) và một miếng đất 52m2 ở Lĩnh Nam (giá 10 triệu/m2). Nói chung là vừa sức của tôi.
Tôi làm việc ở khu phố cổ, đi từ khu vực Hoàng Mai đến Hồ Gươm khoảng 6-7 km. Tuy nhiên, lúc đó tôi chê quận Hoàng Mai mới thành lập, ngoại thành nên không mua.
Cuối cùng tôi đi vay thêm 650 triệu, mua một ngôi nhà cũ hai tầng trong ngõ ở quận Hai Bà Trưng, rộng 43 mét vuông. Đã mua thì phải mua cho tử tế. Tất nhiên động lực để tôi mua nhà đắt tiền là bởi có mấy anh em bạn bè sẵn sàng cho vay. Tôi vốn là người không giữ được tiền. Thực ra tôi tích góp được 400 triệu là nhờ hùn hạp với cậu bạn chơi chứng khoán và chúng tôi đã kiếm được khá nhiều trong năm 2007. Lúc này, công việc của bạn tôi hay phải đi công tác, nó không có thời gian lê la lên sàn nữa nên chúng tôi cùng rút lui.
Tôi vay cậu mình 200 triệu. Cậu tôi làm kinh doanh, tiền không bao giờ đứng yên nên mỗi tháng tôi tự nguyện trả cậu một triệu tiền lãi, còn gốc khi nào có thì trả. Tôi vay ông anh đồng nghiệp 150 triệu. Ông này độc thân, vẫn sống cùng bố mẹ, có nhiều tháng không động đến thẻ ATM. Tôi vay tín chấp ngân hàng được 100 triệu, trả dần trong 3 năm, mỗi tháng trả khoảng 3,5 triệu. Còn 200 triệu, tôi huy động họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp, mỗi người một ít. Danh sách chủ nợ của tôi lên đến 18 người. Tôi phải ghi vào một cuốn sổ để dễ bề theo dõi.
Mọi người cho tôi vay thoải mái, đều bảo khi nào tôi có thì trả hoặc khi nào họ cần thì lấy. Trừ khoản lãi gửi cậu và tiền ngân hàng, theo tư vấn của mẹ, mỗi tháng tôi gửi bà 2 triệu để góp lại trả dần mọi người. Tôi chỉ còn 4 triệu để tiêu xài giữa Hà Nội, thật là bí bách với một thanh niên còn độc thân. Chưa bao giờ tôi trở nên keo kiệt và bủn xỉn thế.
Mua nhà được một năm thì tôi lấy vợ. Vì nợ nần nên dù rất muốn một đám cưới phong cách, lãng mạn cuối cùng tôi làm đơn giản tối đa. Vợ chồng tôi không chụp ảnh cưới ở studio. Đám cưới chỉ tổ chức dưới quê, cỗ bàn bày ngay trước sân nhà. Cỗ bàn bố mẹ muốn làm thế nào thì làm, tôi chỉ xin vài mâm cho đồng nghiệp và bạn bè ở Hà Nội về. Cũng may công đoàn công ty tặng một chuyến xe. Mọi người ăn cỗ cưới ở Hà Nội quen rồi nên có vẻ hào hứng đám cưới dân dã ở quê, không thấy ai trách móc gì nên tôi cũng đỡ áy náy mặc dù bản thân thấy đám cưới của mình rất sơ sài.
Vợ tôi mới ra trường, lương 3 triệu một tháng. Giờ đây 2 chúng tôi chỉ có 7 triệu để tiêu, nên sau ba năm chúng tôi mới dám sinh con mặc dù ông bà hai bên đều rất sốt ruột. Tất nhiên, tôi không thể ngồi yên, tôi kiếm thêm việc về làm để nhanh chóng trả nợ. Thèm tiền quá, tôi đã từng tham gia một hội thảo đa cấp, nhưng rút sớm vì không bán được hàng, tính ra cũng lỗ mấy triệu.
Năm 2011, tôi hết nợ vay ngân hàng, trả dứt điểm được 4 người. Tuy nhiên, cuộc sống không dễ chịu hơn. Tôi xin điểm qua một vài nỗi khổ khi mang gánh nặng nợ nần:
- Cuộc sống tiết kiệm, ít giao du bạn bè, chỉ có kiếm tiền và kiếm tiền. Vợ chồng son mà không đi du lịch, các chương trình nghỉ mát của công ty tôi đều không đi, lấy tiền mang về trả nợ; cuối tuần không có bất kỳ chương trình giải trí nào; không bén mảng đến các quán ăn, nhà hàng. Bữa sáng ăn tại nhà, bữa trưa là cơm cặp lồng mang từ nhà đến công ty. Tôi cảm thấy mình như một ông già 60 chứ không phải một thanh niên mới ngoài 30 tuổi.
- Có nhà nhưng chúng tôi không sắm sửa đồ đạc mới vì không có tiền.
- Vợ chồng hay cãi nhau vì tiền.
- Tình cảm với người thân hời hợt. Tôi vẫn ân hận đợt bố tôi bị tai biến phải nằm viện một tuần, tôi về quê chăm ông nhưng chả giúp được gì vì vẫn mang công việc đang dang dở về làm. Đó là những mối làm thêm, nếu tôi nghỉ ngay lập tức sẽ có người thay. Hay lúc ông ngoại tôi mất, tôi chỉ về quê chịu tang được đúng một ngày rồi lại về Hà Nội cày kéo để có tiền.
- Lúc nào cũng trong suy nghĩ mang nợ người này, mắc nợ người kia.
- Thường xuyên sống trong cảnh giật gấu vá vai. Tôi còn nhớ thời điểm tháng 11/2012, cùng lúc 5 người đòi tiền, tổng cộng 75 triệu. Mọi người đã rất tử tế cho tôi vay, nên khi họ đòi đương nhiên tôi phải gọi điện xoay sở chỗ này chỗ kia để có tiền trả nợ.
Tháng 3/2013, nhà ông anh đồng nghiệp độc thân bị cháy, tôi phải thế chấp ngôi nhà của mình, lấy tiền vay ngân hàng để trả ông anh. Tháng 2/2014, tôi còn nợ ngân hàng gần 100 triệu, nợ cậu tôi 200 triệu, nợ 7 người nữa 70 triệu, tôi quyết định bán ngôi nhà đang ở, mua một căn hộ chung cư ở Xa La (Hà Đông) để đổi lấy tiền dư và không còn nợ nần nữa.
Từ lúc không mang nợ, công việc của tôi và vợ đều tốt hơn. Ngày trước vì cắm mặt vào những việc làm thêm nho nhỏ để có thêm thu nhập, tôi bỏ qua nhiều cơ hội. Hết nợ, tôi cũng nhảy việc. Tôi sang môi trường mới, làm kinh doanh cho một công ty công nghệ. Cuối năm vừa rồi, tôi đã mua được ôtô 900 triệu để thỉnh thoảng về quê cho tiện.
Xuân Lộc
Chia sẻ những thắc mắc và kinh nghiệm mua nhà, tiêu dùng của bạn tại đây hoặc gửi về giadinh@vnexpress.net