Theo thông tin từ cục An toàn thực phẩm, bộ Y tế, báo cáo kết quả kiểm nghiệm mẫu rượu ngày 15/02/2017 của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, 3 mẫu rượu do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lai Châu lấy tại vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có kết quả kiểm nghiệm hàm lượng methanol là 970 mg/l cồn 1000, 556.000 mg/l cồn 1000 và 475.000 mg/l cồn 1000.

Các bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện Đa khoa Lai Châu. Ảnh:T.H

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm Đồ uống có cồn (QCVN 6-3:2010/BYT) và Tiêu chuẩn quốc gia về Rượu trắng (TCVN 7043:2013), hàm lượng methanol trong rượu không lớn hơn 100 mg/l cồn 1000. Như vậy, kết quả kiểm nghiệm hàm lượng methanol của 3 mẫu rượu này vượt ngưỡng cho phép nhiều lần. Do vậy, bước đầu xác định nguyên nhân gây tử vong có thể do sử dụng rượu có hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép.

Từ câu chuyện đau lòng sau vụ ngộ độc ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu khiến 7 người tử vong, nhiều người đặt câu hỏi là làm sao để nhận biết triệu chứng bị ngộ độc rượu methanol và cách xử trí ra sao để giảm thiểu nguy cơ tử vong.

Chúng tôi xin chia sẻ tư vấn của ThS.BS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai về cách phát hiện và xử trí đối với người bị ngộ độc rượu methanol.

ThS.BS.Lương Quốc Chính cho biết: “Các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng có thể muộn hơn, tuỳ thuộc vào số lượng mà bệnh nhân uống, bệnh nhân có uống cùng ethanol hay không (xuất hiện triệu chứng chậm hơn).

Thường có hai giai đoạn, giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn biểu hiện ngộ độc rõ tiếp theo sau. Vì triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ (ức chế nhẹ thần kinh, an thần, vô cảm) nên thường bị bệnh nhân chủ quan và bỏ qua hoặc các triệu chứng ở trẻ nhỏ không được phát hiện.

Thần kinh: Lúc đến viện thường tỉnh táo và kêu đau đầu, chóng mặt, sau đó quên, bồn chồn, hưng cảm, ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật.

Mắt: Lúc đầu chưa biểu hiện, sau đó nhìn mờ, sợ ánh sáng, ám điểm, đau mắt, song thị, ám điểm trung tâm, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị (ánh sáng chói, các chấm nhảy múa, nhìn thấy đường hầm,...). Đồng tử phản ứng kém với ánh sáng, soi đáy mắt thấy gai thị xung huyết, sau đó phù võng mạc lan rộng dọc theo các mạch máu đến trung tâm đáy mắt, các mạch máu cương tụ, phù gai thị, xuất huyết võng mạc. Đồng tử giãn cố định là dấu hiệu của ngộ độc nặng và tiên lượng xấu. Các dấu hiệu thấy khi soi đáy mắt không tương quan với dấu hiệu nhìn của bệnh nhân nhưng thực sự tương quan với mức độ nặng của ngộ độc. Khi ngộ độc nặng có thể có xuất huyết hoặc nhồi máu nhân bèo, tụt não.

Dấu hiệu sinh tồn: Nhịp tim nhanh, thở nhanh và sâu, huyết áp thường bình thường cho đến khi tử vong. Trước khi có các biện pháp điều trị đặc hiệu như hiện nay, bệnh nhân thường tử vong do ngừng thở".

Bác sĩ Chính nhấn mạnh: “Khi bệnh nhân bị ngộ độc rượu, nhất là có rối loạn ý thức, nguyên tắc cấp cứu cơ bản ban đầu là phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho bệnh nhân nằm đầu cao và tư thế nghiêng an toàn.

Cứ vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng... nhằm tránh hạ đường huyết. Nếu bệnh nhân không tỉnh, ứ đọng hầu họng nhiều, thở nhanh và thở sâu, thậm chí có co giật... thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiêng an toàn sau đó nhanh chóng gọi người đến hỗ trợ, gọi xe cấp cứu tới xử lý và đưa bệnh nhân tới bệnh viện.

Nếu bệnh nhân tỉnh dậy nhưng đau đầu nhiều, chóng mặt và nhìn mờ, sợ ánh sáng, ám điểm, đau mắt, song thị, ám điểm trung tâm, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị... thì cần phải đưa tới bệnh viện khám”.

Đỗ Thơm

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top