Tuấn Vũ, 28 tuổi, hiện là nhân viên văn phòng ở Hà Nội. Vũ nhận ra giới tính khác biệt của mình năm 18 tuổi, khi cảm nhận được bản thân chỉ có tình cảm với những người cùng giới.

Không biết thổ lộ cùng ai, càng không dám nói với bố mẹ, Vũ tự tìm hiểu và làm quen với những người trong cộng đồng LGBT (cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới) trên mạng xã hội. Hạnh phúc khi biết đến một thế giới thu nhỏ với nhiều người giống mình, nhưng cũng từ đó Vũ nếm trải nhiều cay đắng. 

Vũ kể thời gian đầu chông chênh biết về giới tính, anh từng rất dễ rơi vào bẫy tình vì không biết rằng họ đến với mình chỉ để thỏa mãn nhu cầu sinh lý, chứ không phải thật lòng. Hồi ấy, cứ phát hiện ra ai giống mình, có "phát tín hiệu", Vũ đều hạnh phúc và yêu không suy nghĩ. Trải qua nhiều lần đau khổ, anh mới nhận ra tìm một người yêu mình thật sự, sẵn sàng cùng mình làm nhiều thứ thực sự rất khó. 

noi-dau-cua-nhung-nguoi-dan-ong-luon-phai-giau-diem-tinh-yeu

Vũ (áo len) từng trải qua nhiều đau đớn khi hẹn hò với những người trong giới.

Vũ từng yêu một người, cả hai có tình cảm với nhau rất sâu nặng. Người ấy quyết định nói thật với gia đình về giới tính với mong muốn được công khai chuyện tình yêu với anh. Thế nhưng mọi việc không đơn giản như tưởng tượng của họ.

"Khi anh ấy nói mình là gay, mẹ anh đã khóc rất nhiều. Bác ấy quỳ lạy, van xin anh đừng nói điều này ra với mọi người. Bác xin anh giấu kín và hãy lấy vợ đi. Chứng kiến nỗi đau, sự suy sụp của mẹ, anh không biết phải làm sao. Dù tôi biết anh còn yêu mình, nhưng tôi khuyên anh hãy làm tròn chữ hiếu với cha mẹ. Gia đình gia giáo của anh không thể bị phá nát bởi tôi", Vũ tâm sự.

Nửa năm sau khi chia tay, người yêu của Vũ đã lấy vợ. Người đó đến giờ vẫn thường nhắn tin cho anh, vẫn hỏi han, vẫn nói nhớ nhung và muốn được gặp mặt, nhưng Vũ nhất quyết không đồng ý. Anh không muốn làm xáo trộn mọi thứ khi tất cả đã yên bề. 

Người yêu thứ hai của Vũ là một người đã có gia đình. Người đó nói đang hoàn tất thủ tục ly hôn với vợ vì không thể sống giả dối với giới tính của mình. Vũ tin vào những lời đó vì không thấy vợ anh ở nhà. Sau này Vũ mới biết hóa ra vợ người đó đi học ở xa, chứ không phải ly thân. Người đàn ông đó còn đưa Vũ về tận quê bố mẹ ở Yên Bái chơi và giới thiệu là đồng nghiệp. 

"Tôi đã rất tin anh ta, cho đến khi bất ngờ nhận được tin nhắn của chị vợ. Chị ấy phát hiện ra tin nhắn anh gửi cho tôi trong điện thoại. Chị đã chửi rủa tôi rất nhiều, nói tôi phá vỡ gia đình họ. Chị sau đó đã nói mọi chuyện với cả gia đình về giới tính của chồng và ly hôn. Thời gian đó, tôi tự trách bản thân mình ghê gớm. Những người sau này, tôi phải tìm hiểu thật kỹ người ta trước khi nhận lời yêu", Vũ nói.

Bản thân Vũ cũng chưa chưa dám công khai giới tính với gia đình, vì hiện tại công ăn việc làm chưa ổn định, tài chính còn chông chênh. Vũ cho hay anh sẽ nói chuyện này với ba mẹ khi có thể tự nuôi sống bản thân và người mình yêu. Khi đó, anh sẽ bất chấp mọi việc để bảo vệ tình yêu và cuộc sống của mình.

Giống như Vũ, sau nhiều lần đổ vỡ với trái tim bị tổn thương nặng nề, Hoài Nam, 23 tuổi, nhân viên bán hàng Hà Nội, tự nhủ sẽ cẩn thận hơn trong các mối quan hệ. Thế nhưng 2 tháng trước, Nam nhận "trái đắng" khi biết mình đang hẹn hò với một trai bao.

Quen nhau trên một ứng dụng dành cho những người LGBT, Nam chỉ đồng ý gặp mặt sau khi đã nói chuyện khá lâu và cảm giác hợp nhau. Người đó tạo cảm giác thân thiện, dễ gần khiến Nam xiêu lòng. Anh ta hơn Nam vài tuổi, đang làm việc tại một công ty chuyên về điện thoại. Mỗi khi ở bên nhau, Nam được chăm sóc và chiều chuộng hết mực. Duy có một điều khiến Nam băn khoăn đó là anh rất bận rộn, thường có nhiều cuộc gọi.

Nam quyết định nhờ một người bạn thử nhắn tin cho người yêu, nói thích anh ta và muốn chia sẻ, tâm sự nhiều chuyện. Sau vài lần nhắn qua lại, anh ta nói đang kẹt tiền, không có tiền trả. Người bạn nọ giả vờ nói sẽ cho mượn tiền, với điều kiện phải "phục vụ" mình, anh ta đồng ý ngay và hẹn địa điểm gặp mặt. 

Quá choáng váng vì thái độ của bạn trai, Nam đã chia tay mặc cho anh ta van nài, níu kéo rằng làm nghề đó chỉ để trang trải cuộc sống, rằng sẽ không làm chuyện này, rằng yêu Nam đích thực. 

noi-dau-cua-nhung-nguoi-dan-ong-luon-phai-giau-diem-tinh-yeu-1

Không nhiều người đồng tính dám công khai tình yêu vì sợ áp lực từ gia đình, xã hội.

Đình Trung, 31 tuổi, ở Thanh Hóa, cũng che giấu giới tính của mình nhiều năm nay. Anh không thể nói điều này với những người trong gia đình vì trong mắt họ anh là một người con ngoan, trò giỏi, đi du học về và đang có một việc làm nhiều người mơ ước. Vẻ rắn rỏi, chững chạc của Trung khiến những người trong giới dễ dàng đổ gục.

Trung kể mình từng nhận được nhiều lời đề nghị qua đêm từ những người đàn ông đã có gia đình. Có người thẳng thắn nói rằng họ chỉ muốn cặp kè với anh, vì không thể từ bỏ vợ con. Họ sẵn sàng mua cho anh cả chiếc xe hơi, hay một căn nhà chỉ để thỏa mãn nhu cầu tình dục với anh. 

"Với những người đàn ông đã có gia đình, họ có tiền, họ sẵn sàng chiều chuộng không tiếc tay, nhưng họ không bao giờ cho bạn một thân phận hay công khai tình cảm được, vì họ không thể rời bỏ vợ con, công việc. Nhiều người tìm đến chúng tôi chỉ để chơi bời, thỏa mãn thân xác. Tôi không thể sống như vậy, không thể mãi chỉ sống trong bóng tối", Trung nói.

Đến tuổi lập gia đình, bố mẹ Trung thúc ép con trai lấy vợ, nhờ người thân quen mối lái nhưng anh đều lấy lý do tập trung công việc để từ chối. Bản thân khá dư dả về tài chính, nhưng Trung cho hay anh sẽ chỉ nói với bố mẹ về giới tính của mình khi tìm được người thực sự gắn bó với mình cả đời. Anh nói thà ở vậy còn hơn lấy vợ để vui lòng bố mẹ, vì như vậy không chỉ anh mà cô gái kia cũng sẽ đau khổ suốt phần đời sau này.

Anh Lương Thế Huy, Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSee), chuyên nghiên cứu về các hoạt động của cộng đồng LGBT, cho hay, dù xã hội đã cởi mở hơn với những người đồng tính nhưng vẫn nhiều người che giấu con người thật của mình. Tình yêu của họ vì thế cũng gặp nhiều trắc trở.

Họ cân nhắc công khai giới tính vì không biết bản thân sẽ bị ảnh hưởng thế nào: Gia đình có chấp nhận hay không, cơ hội nghề nghiệp, định kiến xã hội sẽ tác động đến họ thế nào. Và dĩ nhiên, cảm giác bị kỳ thị, bị mọi người xa lánh... khiến họ e dè. Họ hiểu những điều đó bởi họ biết nhiều người từng rơi vào hoàn cảnh như vậy, trong khi những đôi thành công và hạnh phúc vẫn chưa nhiều.

Chính những điều đó dẫn tới các cuộc hôn nhân giả, tức là người đồng tính vẫn lấy vợ/chồng vì áp lực gia đình, vì sự nghiệp. Họ có thể vẫn có con bình thường như các đôi nhưng hạnh phúc không bao giờ trọn vẹn. Bởi họ vẫn có nhu cầu được thỏa mãn nhu cầu tính dục với những người như mình, và bị thôi thúc bởi điều đó.

Một trường hợp nữa là hôn nhân có sắp đặt, tức là người đồng tính nam thỏa thuận kết hôn với người đồng tính nữ do cả 2 đều có nhu cầu che giấu mọi người, hay cần một đứa con... Anh Huy cho hay, cách này thoạt nhìn do sự tự nguyện của cả hai nhưng lại là một cách không hay duy trì định kiến xã hội về những người đồng tính. 

Đa phần người đồng tính đã công khai giới tính thật là các bạn trẻ, vì họ có những suy nghĩ tiến bộ, yêu bản thân và nhu cầu chia sẻ tình cảm với người khác nhiều hơn. Đây là một tín hiệu tốt khiến cộng đồng người đồng tính có thêm động lực để công khai con người thật của mình.

Mộc Miên

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top